Người cựu binh 12 năm làm 'gác chắn'

(Baonghean) - Ngày qua ngày, từ mờ sáng cho đến đêm, cựu binh, thương binh Nguyễn Huy Chi (sn 1939) xóm 6, xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) lại có mặt tại căn “vọng gác” ở đầu thôn để làm nhiệm vụ cảnh giới. Trăn trở về những vụ tai nạn thương tâm nơi đường dân sinh giao cắt với đường sắt, đã 12 năm nay, ông Chi gắn trọn tâm tình của mình với vọng gác đơn sơ - nơi có những chuyến tàu hàng ngày chạy qua.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
 

Một chiều đầu tháng Ba, chúng tôi tìm về xóm 6 (xã Quỳnh Tân) hỏi thăm về ông Nguyễn Huy Chi. Con đường về thôn đang được mở rộng, nâng cấp, khiến bụi bay mịt trời. Dừng hỏi đường phía đầu thôn, anh thanh niên chừng 25 tuổi tiếp chuyện ngay: “Giờ ni ông ấy đang ở ngoài vọng gác đầu thôn, em ra đó mà kiếm chứ đừng vô nhà kẻo mất công”. Nói rồi, anh nhiệt tình lên xe dẫn chúng tôi ra nơi ông Chi đang làm nhiệm vụ.

Trong ánh nắng chiều vàng rọt, vọng gác nhỏ của ông Chi nằm lặng lẽ một bên đường tàu, cạnh đám bông lau trắng mướt. Bóng dáng một người đàn ông dần hiện rõ với thân hình khá vạm vỡ, trên người khoác chiếc áo bông màu nâu xám. Làn da màu bánh mật lấp ló dưới chiếc mũ cối bạc màu.

Ông Nguyễn Huy Chi giơ cờ báo hiệu an toàn khi tàu đến.
Ông Nguyễn Huy Chi giơ cờ báo hiệu an toàn khi tàu đến. Ảnh: Thủy Lợi

Câu chuyện của ông bắt đầu bằng những ký ức thời lính oai hùng. Năm 1964, ông gia nhập quân ngũ và tham chiến ở chiến trường Lào. Sau hơn 7 năm ông xuất ngũ về địa phương với chế độ thương binh 1/4. Cuộc sống từ đó tưởng sẽ được an nhàn với những đồng phụ cấp thương binh ít ỏi. Nhưng rồi, đoạn đường ngang dân sinh đầu thôn có hàng chục chuyến tàu qua lại mỗi ngày, đã từng gây ra không ít những vụ tai nạn thương tâm đã khiến lòng người cựu binh trăn trở không yên.

Và cũng vì lắm tai nạn, nhiều mất mát, tàu bị chậm giờ nên ngành đường sắt đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cảnh giới đường ngang dân sinh Km254 + 030 và giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên xã Quỳnh Tân đảm nhận.

Những ngày đầu, lực lượng trẻ nhiệt huyết cắt cử người trực gác thường xuyên đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu cũng như các phương tiện dân sinh qua lại ở đoạn đường ngang. Song, về sau, vì nhiều yếu tố nên công việc này đã bị trễ nải. Sau đó, Hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Tân đã đứng ra tiếp nhận công việc và phân công nhiệm vụ cảnh giới cho ông Chi và một người khác là ông Nguyễn Văn Điểm.

Nhớ lại ngày mới tiếp nhận công việc, ông Chi kể: “Hồi đó là năm 2005, tôi với ông Điểm được cắt cử trực gác ở đoạn đường  này. Ban đầu, họ xây một cái chòi cạnh đường ngang và phát cho chúng tôi 2 lá cờ hiệu màu đỏ và màu vàng cùng 6 quả mìn. Còn lại mọi thứ khác chúng tôi đều phải tự túc”. 

Sau khi chòi gác vào hoạt động được chừng dăm tháng thì người bạn gác kia cũng nghỉ luôn vì không có thù lao, phương tiện làm việc lại thiếu thốn. Thế là một mình ông Chi duy trì vọng gác đường ngang từ ngày đó cho đến tận bây giờ. Và chừng ấy thời gian cũng là chừng ấy ngày tháng tự ông dành dụm để xây dựng, sắm sửa các phương tiện làm việc cho chính mình.

Chứng kiến ông làm nhiệm vụ cảnh giới trong cả buổi chiều, chúng tôi mới cảm nhận được rõ sự thiếu thốn và thiệt thòi nơi công việc gác đường tàu. Đường ngang không ba-ri-e, người gác cũng chẳng được trang bị phương tiện làm việc gì khác ngoài 2 lá cờ cùng 6 quả mìn phòng lúc gặp sự cố.Trong căn vọng gác trống trơn với 4 bức vách xây hụt và vài tấm lợp bằng pro xi măng. Không bảng giờ tàu, không điện thoại liên lạc và cũng chẳng trà nước hay đơn giản chỉ là chiếc ghế ngồi. Cả vọng gác chỉ có tấm phản gỗ ọp ẹp được ông kết lại từ những thanh gỗ vụn xin ở xưởng mộc gần nhà. Ấy thế mà bao năm nay, ngày lại ngày, cứ độ chừng 6 giờ sáng, mọi người lại thấy cái bóng quen thuộc ấy lúi húi dọn rác trên đường ray và chiều tối đất, sau chuyến tàu cuối cùng, họ mới thấy ông trở về.

Chia sẻ về “nghiệp vụ”, ông kể vỏn vẹn trong chưa đầy 2 phút đồng hồ với vài ba động tác cầm cờ lệnh, cách gài mìn phòng vệ được ông cung trưởng chỉ dạy hồi mới nhận việc.

Dòng chữ trên bức vách chính là điều mà suốt 12 năm qua ông luôn mong muốn mọi người làm theo. Ảnh: Thủy Lợi
Dòng chữ trên bức vách chính là điều mà suốt 12 năm qua ông luôn mong muốn mọi người làm theo. Ảnh: Thủy Lợi

Làm lâu thành quen, hàng ngày ông căn theo giờ mà đoán thời điểm tàu về. Ngày nào cũng có 5 chuyến tàu khách qua đây. Buổi sáng 3 chuyến, buổi chiều 2 chuyến. “Hễ nghe tiếng còi tàu từ xa, tôi lại nhanh chóng ra đứng ngay đầu đoạn giao cắt mà dừng các phương tiện đang chuẩn bị vượt qua đường ray và giơ cờ hiệu cho lái tàu. Với tôi, không phải vì nắm được giờ tàu qua mà những giờ khác cũng không dám lơ là công việc vì tàu chậm giờ, lỡ chuyến là chuyện thường. Còn tàu chở hàng thì không cố định ngày giờ, hễ có hàng là người ta đi. Vì thế mà người gác luôn phải cẩn thận và chú ý”.

Cả đoạn đường giao cắt cũng chẳng có ba-ri-e để nâng lên, hạ xuống mỗi lúc tàu qua, vì vậy, ông Chi tự coi mình như chiếc rào sống ngày ngày vừa làm nhiệm vụ chỉ dẫn tàu, vừa hướng dẫn người dân qua đường một cách thuần thục. 

Bao năm qua làm việc tại chòi gác cũng chỉ mong mỗi chuyến tàu được an toàn đi qua. Cũng may ông trời phú cho đôi tai “nhạy” mà công việc của ông Chi cũng thuận tiện hơn phần nào. “Tai tôi thính lắm, tàu chạy cách chừng gần cây số đã biết rồi. Vì ở đằng này có chiếc cầu, tàu sẽ báo còi, còn nếu chiều đi đầu kia ra thì có tiếng kéo còi từ trong ga. Cũng vì sự “nhạy” đó mà có lần, đám thanh niên say rượu bị tôi cản lại không cho qua đường. Tôi suýt bị đánh vì đám trẻ cho rằng chưa có tàu đến. Đôi co mãi mới kéo được họ ra khỏi đường tàu thì cũng vừa kịp tàu tới”.

Nhiều người còn nhớ về vụ việc xảy ra cách đây chừng 3 năm, khi đó có một người phụ nữ chở muối từ dưới xuôi lên bán. Chiếc xe cà-tàng chạy lạch bạch chuẩn bị băng qua đường sắt. Do chở nặng mà khi lên dốc, chiếc xe chỉ nhích được từng chút một. Khi vừa giáp đến đường sắt thì còi tàu cũng vừa rú lên. “Chân tay thì yếu, vừa đến đầu đường thì xe muối của chị chết máy. Tôi từ trong vọng gác lao ra chỉ kịp giật người chị bán muối ra phía sau. Trong tích tắc, đoàn tàu lao đến vụt qua đầu xe và nghiến luôn cả bao muối. Cả tôi và chị kia được phen hú vía!”.

12 năm làm nhiệm vụ gác đường không lương, ông chẳng thể nhớ được có bao nhiêu chuyến tàu qua lại nơi đây, chỉ nhớ rằng từ ngày ông nhận nhiệm vụ đến nay, may mắn thay vì chưa có vụ tai nạn nào xảy ra. Không một danh hiệu nào được trao và cũng chẳng lần nào ông Chi đòi hỏi quyền lợi, ngày nắng hay ngày mưa, dù mùa Hè hay mùa Đông, ông vẫn lặng lẽ làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu.

Cũng không ít lần vợ con bàn chuyện muốn ông nghỉ gác vì sức khoẻ chẳng còn dẻo dai để chịu được mưa nắng ngoài đường tàu nữa. Nhưng rồi ông lại có lý lẽ riêng: “Những khi ở nhà có công việc, hoặc là để bà và các con tự lo việc hoặc là bà ra gác thay để tôi đi. Hay có những lần trời mưa gió, đau ốm, tôi không tự đi được, mấy đứa con bắt nghỉ việc. Nhưng nghe rồi tôi lại để đó thôi, chứ nếu giờ tôi nghỉ đi thì biết lấy ai gác thay, đường sá lấy ai chỉ dẫn. Mà chưa nói chuyện tôi về nhà cũng không biết làm gì cho hết ngày”.

Và cũng bởi trăn trở đó mà ở cái tuổi ngoài 80, ông Chi vẫn ngày ngày bám đường tàu mà chưa có ý định “về hưu”. Ông bảo: “Chừng nào tôi còn khoẻ, còn đi lại được thì tôi vẫn còn ra đây gác. Ngày ngày được nhìn thấy những chuyến tàu an toàn đi qua là niềm vui lớn nhất của tôi”.

Nghe chuyện về những lần điều dẫn tàu, về những lần cứu người thoát khỏi tử thần trong gang tấc, chúng tôi càng thêm phục bởi một tấm lòng cao cả của một người cựu chiến binh. 

Thủy Lợi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới