Người dân biên giới hoang mang vì bom mìn sót lại sau chiến tranh

(Baonghean.vn) - Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại tại xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, gây bất an với người dân.

Đã nhiều năm nay, gia đình bà Lương Thị Tèm, cũng như nhiều hộ gia đình khác trong bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn vẫn phải sống trong lo lắng và cảnh giác cao độ mỗi khi làm vườn hay lên nương rẫy.

1
Đầu đạn pháo được phát hiện tại vườn rau nhà bà Lương Thị Tèm, bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn. Ảnh: Lữ Phú

Bà Tèm cho biết: Hiện nay, bom, mìn, vật nổ còn sót lại tại trong khu vực bản cũng như trên diện tích đất sản xuất của người dân khá nhiều. Đã có nhiều người phát hiện, đào được bom, mìn trong khi làm nương rẫy. Chính vì thế, người dân không tránh khỏi tâm trạng lo lắng, bất an. Lo nhất là trẻ nhỏ, nhiều em nhặt được đạn pháo, vật nổ nhưng do không biết nên vẫn hồn nhiên đùa nghịch.

1
Người dân bất an vì số bom mìn sót lại trên địa bàn còn nhiều. Ảnh: Lữ Phú

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý bản Noọng Dẻ, trong những năm qua đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm do bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra, trong đó đã làm chết 3 người và nhiều người mang thương tật suốt đời. Chưa kể, gia súc của người dân vẫn thường bị chết do dẫm phải bom, mìn, gây ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống của người dân. 

1
Lực lượng công binh phát hiện, xử lý một quả bom còn sót lại sau chiến tranh tại xã Nậm Cắn. Ảnh: Lữ Phú

Theo ông Lầu Bá Chày - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn): Sau chiến tranh, số lượng bom, mìn tồn lại trên địa bàn rất nhiều, nhất là bản Noọng Dẻ, tiếp đó là các bản: Khánh Thành, Trường Sơn, Tiền Tiêu. Vì vậy việc người dân lo lắng, bất an là có cơ sở. Thực tế đó, xã đã phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện tổ chức nhiều đợt rà phá bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại nhưng do nhiều khó khăn khách quan nên kết quả mang lại chưa cao, chưa triệt để.

Xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) là địa bàn biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đây là vị trí chiến lược thực hiện nhiệm vụ hậu cần, chi viện sức người, sức của cho chiến trường Lào và miền Nam Việt Nam. Chính vì vậy, khu vực biên giới này trở thành trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ, và việc bom đạn còn sót lại nhiều sau chiến tranh là một thực tế.

                                                                                                                                    Lữ Phú

TIN LIÊN QUAN

Tin mới