Người dân cần được biết 'sức khỏe' của doanh nghiệp nhà nước!

Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước đều được “nuôi dưỡng” từ tiền thuế của người dân, thì không có lý do gì người dân không được quyền biết sự thật về “sức khỏe” của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. (Nguồn: giaoduc.net.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: giaoduc.net.vn)

Cơ chế giám sát, công khai, minh bạch thông tin về “sức khỏe” doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước đã được quy định trong 3 Nghị định của Chính phủ.

Ngày 25/6/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2013 về quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Ngày 18/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2015 về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.

Ngày 6/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 87/2015 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. 

Quy định là vậy, nhưng thực tế vẫn còn không ít doanh nghiệp, cơ quan chủ sở hữu chậm công bố thông tin, chưa gửi báo cáo giám sát tài chính, kết quả đánh giá, xếp loại doanh nghiệp...

Tại các hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, tổng kết cuối năm, không ít Bộ, ngành và địa phương thường nói nhiều về vai trò của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trong việc tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế, còn mặt trái của doanh nghiệp thường được nhắc qua với những câu chữ quen thuộc “tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn” (!)

Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước thường lấy lý do vấn đề “nhạy cảm”, chiến lược kinh doanh và các hợp đồng kinh tế cần “bảo mật”... để không minh bạch thông tin. Thực ra, đây không phải là lý do chính, cái gốc của vấn đề là nếu công bố sự thật rất có thể lộ diện những “chiêu trò” trốn thuế, lương - thưởng không rõ ràng, kinh doanh lỗ thật, lãi giả. Tất cả những sự thật đó đều liên quan đến sự tồn tại của doanh nghiệp và người đứng đầu doanh nghiệp.

Dù đã có chế tài xử lý việc doanh nghiệp không công bố thông tin, nhưng thực tế, rất ít doanh nghiệp bị xử lý. Đây cũng là lý do khiến doanh nghiệp “bất tuân thượng lệnh”.

Nếu các cơ quan chức năng và báo chí không vào cuộc, không người dân nào biết thời ông Trịnh Xuân Thanh khi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng. Hay thương vụ Mobifone mua AVG với giá bao nhiêu, đến bây giờ Mobifone vẫn bí mật với người dân, dù Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu thanh tra theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Sau vụ Trịnh Xuân Thanh, Mobifone và một số vụ việc khác cho thấy, nếu không minh bạch thông tin về “sức khoẻ” doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước ở mọi thời điểm, ngoài thiệt hại kinh tế, là việc chọn nhầm cán bộ, là lợi ích nhóm...

Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước đều được “nuôi dưỡng” từ tiền thuế của người dân, thì không có lý do gì người dân không được quyền biết sự thật về “sức khỏe” của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp phải minh bạch thông tin không chỉ là đòi hỏi của pháp luật, của thị trường, mà còn là chữ tín và duy trì sự ủng hộ của người đóng thuế./.

Theo dangcongsan.vn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới