Người dân chung tay bảo vệ đàn cò hàng nghìn con trú ngụ giữa bàu Côi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Xem hàng nghìn con cò về đậu trắng bàu Côi là tín hiệu tốt về môi trường sinh thái “đất lành chim đậu” ở địa phương, người dân xóm Hưng Thủy, xã Đại Đồng (Thanh Chương) đã chung tay bảo vệ những đàn cò.

Theo bà con ở xóm Hưng Thủy, bàu Côi vốn là một đầm lầy rộng nằm giữa nhiều đồi thấp, như cồn Trổng, cồn Hốp, rú Nhôn, rú Thờ... Xưa kia, bàu quanh năm ngập nước, giữa bàu có nhiều sen và cá. Mùa Hè sen nở rộ khắp mặt bàu, tỏa hương thơm ngát. Người dân trong vùng còn lưu câu ca: “Cá bàu Côi, xôi bàu lầy”, để nói về sự phong phú tôm cá ở bàu Côi.

Trong chiều muộn, từng đàn cò bay về bàu Côi để trú ngụ. Ảnh: Huy Thư

Trong chiều muộn, từng đàn cò bay về bàu Côi để trú ngụ. Ảnh: Huy Thư

Mấy chục năm trở lại nay, nhờ việc đào mương thoát nước, phát triển thủy lợi, bàu Côi đã cạn dần và được chia cho các hộ dân để cải tạo trồng lúa, trồng sen… Tuy nhiên, một số diện tích ở giữa bàu cũng lầy lội, khó sản xuất, người dân bỏ hoang, nên cây và cùng một số cây bụi phát triển mạnh, trở thành nơi cư trú của nhiều loài chim.

Gần đây, từ trung tuần tháng 8, bàu Côi xuất hiện nhiều đàn cò về trú ngụ, đậu trắng trên những cây bụi vùng giữa bàu rộng khoảng 1,5 ha. Số lượng cò lúc đông nhất ước tính khoảng vài nghìn con. Ngoài cò, còn có một số loài chim khác như cói, vịt trời…

Hàng ngày, lúc mờ sáng, khi chưa rõ mặt người, các đàn cò đã nhao nhác rời bàu Côi đi kiếm ăn. Chiều muộn, khi trời nhá nhem tối, những đàn cò lại bay về chao lượn, đậu trắng khu vực trung tâm của bàu. Những hôm trời sắp mưa lớn, cò tập trung về bàu sớm. Cò rất tinh nhanh, chỉ cần có người xuống bàu hoặc có tiếng động mạnh ở giữa bàu là chúng sẽ kêu lên nháo nhác và bay vuột lên không trung.

Những đàn cò đậu trắng giữa bàu Côi lúc hoàng hôn. Ảnh: Huy Thư

Những đàn cò đậu trắng giữa bàu Côi lúc hoàng hôn. Ảnh: Huy Thư

Ông Trần Sỹ Phúc (78 tuổi), một người dân sống ven bàu Côi cho biết: Trước đây, đồi keo xanh tốt sau nhà ông cũng có nhiều đàn cò về trú ngụ, nhưng từ khi chặt hết cây, cò không còn về nữa. Chuyện các loài chim trú ở bàu Côi không có gì lạ, nhưng nhiều đàn cò tập trung về đậu trắng giữa bàu là chuyện hiếm xưa nay.

Người dân địa phương xem chuyện cò về bàu Côi là tín hiệu tốt lành về môi trường sinh thái, là niềm vui của xóm làng. Những đàn cò chao liệng giữa bàu Côi tạo nên cảnh quan yên bình, ấm áp cho thôn xóm. Từ ngày có nhiều đàn cò xuất hiện, bà con xóm Hưng Thủy, đặc biệt là người dân sống xung quanh bàu có cơ hội ngắm cò vào lúc hoàng hôn và mờ sáng.

Trong thôn, từ người già đến trẻ em, không ai có ý định săn bắt cò dưới bất kỳ hình thức nào. Mỗi khi chiều về, chưa thấy hình ảnh những đàn cò chao lượn giữa bàu, chưa nghe tiếng kêu của cò tranh nhau chỗ đậu, người dân lại thấp thỏm mong ngóng, hỏi thăm nhau “chưa thấy cò về à”.

Người dân xóm Hưng Thủy, xã Đại Đồng luôn theo dõi, bảo vệ đàn cò trong đêm. Ảnh: Huy Thư

Người dân xóm Hưng Thủy, xã Đại Đồng luôn theo dõi, bảo vệ đàn cò trong đêm. Ảnh: Huy Thư

Ông Phan Đình Bảy - xóm trưởng xóm Hưng Thủy chia sẻ: Người dân xóm tôi rất vui khi bàu Côi có nhiều đàn cò về trú ngụ. Bà con trong xóm, từ cán bộ cho đến người dân đều đồng lòng bảo vệ những đàn cò, cấm mọi người săn bắt cò, tạo điều kiện để đàn cò sinh sống trú ngụ yên ổn giữa bàu.

Để bảo vệ đàn cò, cùng với việc tuyên truyền cấm săn bắt động vật hoang dã, chim trời, đặc biệt là chim cò tại bàu Côi, các tổ tự quản trong khu dân cư kêu gọi người dân chung tay bảo vệ cò trên hệ thống loa truyền thanh, cắm biển cấm săn bắt chim cò ở các góc bàu. Nơi đây người dân địa phương còn thành lập tổ bảo vệ cò, thành viên gồm cả cán bộ và những người dân tích cực nhất.

Tổ bảo vệ hoạt động theo tinh thần tự nguyện, các thành viên tham gia tuần tra, theo dõi chặt chẽ đàn cò, nhất là khi đêm về. Tổ đã lập “Nhóm bảo vệ cò bàu Côi” trên facebook để các thành viên liên lạc, thông báo cho nhau khi cần.

Mờ sáng, những đàn cò lại rời chỗ ngủ bay đi muôn phương. Ảnh: Huy Thư

Mờ sáng, những đàn cò lại rời chỗ ngủ bay đi muôn phương. Ảnh: Huy Thư

Anh Phan Đình Dương, người dân trong xóm Hưng Thủy tham gia tích cực tổ bảo vệ chim cò bàu Côi cho hay: Bà con ở đây, ai cũng ý thức sâu sắc và tự giác việc chung tay bảo vệ động vật hoang dã. Hàng ngày, có người lạ vào xóm, tìm đến bàu Côi là bà con sẽ thông báo ngay cho các thành viên tổ bảo vệ, có thể chụp cả hình ảnh cùng biển số xe… Ban đêm, khi “có động” ở bàu Côi, bất chấp thời gian nào, tổ bảo vệ và người dân đều có mặt ngay tại bàu.

Thời gian qua, một số “tay” săn chim ở các nơi khác đến có ý định săn bắn cò đã được tổ bảo vệ và người dân trong xóm kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Nhờ sự vào cuộc của cán bộ và người dân địa phương, những đàn cò hoang dã đã được trú ngụ yên ổn giữa bàu, góp phần làm nên vẻ đẹp thanh bình của quê hương.

Người dân địa phương thích thú ngắm đàn cò ở bàu Côi lúc sáng sớm. Ảnh: Huy Thư

Người dân địa phương thích thú ngắm đàn cò ở bàu Côi lúc sáng sớm. Ảnh: Huy Thư

Nói về việc bảo vệ đàn cò ở bàu Côi, ông Nguyễn Thế Tú - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: “Khu vực bàu Côi, hàng năm đều có chim cói và chim cò về trú ngụ, nhưng năm nay khá đặc biệt, cò về rất đông".

Để bảo vệ cò, thông qua thôn, xã cũng kêu gọi người dân chung tay, góp sức bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung, các loài chim, cò ở khu vực bàu Côi nói riêng; tạo điều kiện tốt nhất, "tự nhiên” nhất để đàn chim trú ngụ trong mùa mưa bão, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Tin mới