Người dân hiểu biết luật mới giám sát được chính quyền

Người dân hiểu luật mới giám sát được hoạt động của cơ quan chính quyền, họ sẽ biết được việc đúng, sai trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Chủ đề của ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) năm nay nhấn mạnh đến việc giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của người dân. Đây là giải pháp quan trọng, cần phải làm ngay, bởi thực tế, tình trạng vi phạm pháp luật đang diễn ra ngày càng phổ biến, đa dạng, phức tạp ở nhiều lĩnh vực.

nguoi dan hieu biet luat moi giam sat duoc chinh quyen hinh 1
Hiện trường vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông (Ảnh: Đình Nam)

Vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa qua làm 13 người chết khiến dư luận bàng hoàng. Kết quả kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke của các cơ quan chức năng sau đó cho thấy hầu hết đều vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn phòng cháy chữa cháy như thiết kế biển quảng cáo vượt quá kích cỡ; không có lối thoát hiểm theo quy định; hệ thống chuông báo cháy không hoạt động…

Đây chỉ là một trong những thực tế cho thấy tình trạng coi thường pháp luật, ngang nhiên vi phạm pháp luật hay kém hiểu biết về pháp luật đang diễn ra khá phổ biến, nhất là trong các lĩnh vực an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, môi trường, an toàn thực phẩm; xây dựng đất đai, tài nguyên khoáng sản.

Ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, một số lĩnh vực vẫn còn diễn biến phức tạp và tạo thành điểm nóng như tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trên một số lĩnh vực cũng chưa có chuyển biến tích cực và còn là vấn đề nan giải, đòi hỏi thời gian tới phải quan tâm triển khai các giải pháp thực hiện. Ví dụ như vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, bạo lực học đường, bạo lực gia đình.

Những hạn chế về ý thức pháp luật của người dân xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Những hành vi vi phạm pháp luật của người dân có thể do không nhận thức được hành động của mình hoặc có thể nhận thức được nhưng vẫn cố tình vi phạm vì mục đích cá nhân.

Theo PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII, chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà điểm mấu chốt nhất trong xây dựng nhà nước pháp quyền là phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Do vậy, cùng với việc xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, cần tạo ra những điều kiện, xây dựng cơ chế để bảo đảm mọi quy định của pháp luật đều được cá nhân và tổ chức tôn trọng, thực thi.

nguoi dan hieu biet luat moi giam sat duoc chinh quyen hinh 2
PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII 

PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, trước hết cần tăng cường giáo dục pháp luật.

"Trong việc đưa luật pháp trở về đời sống, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật lại đóng vai trò rất quan trọng. Bởi để thi hành luật, người ta phải hiểu luật, phải biết luật. Mà muốn hiểu biết luật, phụ thuộc vào việc chúng ta tuyên truyền luật như thế nào, vận động nhân dân ra sao, để nhân dân thấy rằng luật đó phục vụ lợi ích của nhân dân, họ sẽ tự giác đi theo" - ông Thông phân tích.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cần được tổ chức bài bản, nói làm sao cho người dân hiểu được luật một cách đơn giản, cụ thể, sát với họ nhất. Một khi người dân thấy cần cho họ thì họ sẽ chủ động.

Chính phủ khóa mới đã xây dựng định hướng hành động là một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và phục vụ nhân dân. Muốn làm được điều đó tinh thần kiến tạo phải được ngấm sâu trong mỗi người dân. Có nghĩa là mỗi người dân phải có hiểu biết về pháp luật, phải biết rằng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng có làm đúng luật không, có trách nhiệm đến đâu, nghĩa vụ đến đâu.

"Hay nói cách khác, người dân biết luật sẽ có nhiều cơ hội giám sát hoạt động của cơ quan chính quyền hơn, họ sẽ nhận biết được điều gì là chưa đúng trong hoạt động của cơ quan nhà nước" - ông Thông nói.

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, trong mô hình nhà nước kiến tạo không có làm thay, nhà nước thúc đẩy nhưng doanh nghiệp, nhân dân là người làm, vì vậy vai trò của doanh nghiệp và người dân rất quan trọng.

Ở đây, nếu ngoài chính phủ tạo định hướng phát triển, thúc đẩy, muốn làm ăn dễ dàng thì ý thức chấp hành pháp luật của người dân phải tốt, làm ăn phải đúng pháp luật, có như vậy rủi ro trong các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế mới được giảm thiểu, khi đó chi phí giao dịch cũng sẽ giảm.

Nâng cao hiểu biết pháp luật, tăng cường giáo dục pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật là những giải pháp triển khai để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Qua đó làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hoạt động của mỗi người dân, mọi tổ chức và của toàn xã hội.

"Khi đó, sống và làm việc theo pháp luật sẽ trở thành thói quen ứng xử của mỗi người ở mọi lúc, mọi nơi. Có như vậy mới góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và phục vụ nhân dân" - ông Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới