Người đàn ông vùng cao chơi thành thạo gần 10 nhạc cụ

(Baonghean.vn) - Sinh ra ở bản làng vùng cao, niềm đam mê âm nhạc thấm vào máu thịt từ khi còn tấm bé, ước mơ trở thành nghệ sỹ chuyên nghiệp không thành nhưng anh Lương Văn Pắn vẫn không rời bỏ các loại nhạc cụ. Bà con dân bản trìu mến gọi anh là “Nghệ sỹ của núi rừng”. 

Clip anh Lương Văn Pắn chơi một số nhạc cụ truyền thống:

Vào những đêm thanh vắng, bà con bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng (Tương Dương) thường lắng nghe những giai điệu mượt mà, du dương cất lên từ ngôi nhà của anh Lương Văn Pắn (SN 1966).

Qua âm điệu của từng bản nhạc, người ta hiểu được nỗi niềm của chủ nhân, là tiếng náo nức khi mùa Xuân về, là tiếng reo vui sau mỗi mùa rẫy bội thu, và có cả niềm tiếc nuối vì một giấc mơ không thành.

Chưa đầy 10 tuổi, cậu bé người dân tộc Thái Lương Văn Pắn đã sử dụng một cách thuần thục các loại nhạc cụ dân tộc mình như pí nhuôn, xi xờ lò, khèn bè, sáo, tiêu, đàn lá, cồng chiêng... Niềm đam mê ấy được ông nội và người cha truyền lại, cộng với năng khiếu sẵn có đã giúp cậu sớm nổi tiếng khắp vùng. Đi đến đâu, người dân nơi ấy đều muốn được nghe tiếng khèn, tiếng pí của cậu.

Bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc của anh Lương Văn Pắn. Ảnh: Công Kiên.
Bộ sưu tập nhạc cụ của anh Lương Văn Pắn. Ảnh: Công Kiên.

Càng lớn, tiếng khèn, pí của Lương Văn Pắn càng nhuyễn, càng cuốn hút lòng người, nhất là những cô gái khi nghe Pắn thổi khèn đêm về xao xuyến, tiếng khèn như vang vọng trong cả những giấc ngủ say. Ai cũng động viên cậu theo thi vào trường chuyên về âm nhạc để có cơ hội phát triển năng khiếu của mình, để tương lai được rộng mở, đem lại niềm tự hào cho gia đình và bản làng ven dòng Nậm Mộ.

Nhưng ngặt nỗi, gia đình Pắn lúc ấy rất nghèo, lại có tới 8 anh chị em, cái ăn hàng ngày đã không lo đủ, lấy đâu ra tiền mà đi thi, rồi còn đi học mấy năm ở thành phố. Hơn nữa, bản Khe Ngậu lúc ấy còn xa xôi, heo hút lắm, cách Thành phố Vinh bây giờ những hơn 200 cây số, tiếng khèn của Pắn không vượt được mấy trăm ngọn núi, con khe để đến được với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Ước mơ không thành, Lương Văn Pắn đành ở lại bản làng, gắn bó với núi rừng, nương rẫy, những con suối và dòng Nậm Mộ hiền hòa, luôn cát tiếng rì rào như lời ru quê hương. Nhưng niềm đam mê âm nhạc dân tộc của anh không hề vơi cạn, mà ngược lại vẫn đầy lên theo năm tháng. Dù vào rừng lấy gỗ, lên rẫy làm cỏ lúa hay xuống suối chài cá, cái khèn, cái pí vẫn theo bước chân anh. 

Anh Lương Văn Pắn chơi Xi - xờ - lò, loại nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Thái.
Anh Lương Văn Pắn chơi xi xờ lò, loại nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Thái. Ảnh: Đình Tuân.

Không chỉ sử dụng nhuẫn nhuyễn các loại nhạc cụ dân tộc Thái, Lương Văn Pắn còn dành thời gian học và chơi thuần thục pí tơm của người Khơ mú, khèn lá của người Mông và sáo của người miền xuôi. Và anh còn chơi hay cả đàn ghi ta, măng đô lin, là những nhạc cụ có nguồn gốc châu Âu. Dù không được học hành, đào tạo bài bản, chính quy nhưng tiếng nhạc của anh đã chinh phục bao trái tim, đem đến cho người nghe niềm rung cảm nghệ thuật.

Điều ấy chỉ có thể giải thích là năng khiếu bẩm sinh và niềm đam mê âm nhạc luôn dạt dào trong huyết quản. Chị Lương Thị Phương (SN 1968) - vợ anh Pắn thú nhận ngày xưa mê anh vì tiếng khèn bè dìu dặt, tiếng khèn lá gọi mời và tiếng hát trong như dòng nước khe Ngậu. Để rồi, mấy tháng sau, chị nhận lời làm vợ anh, đến nay đã 20 năm có lẻ.

Anh Lương Văn Pắn chế tác pí tơm - nhạc cụ của dân tộc Khơ mú.
Anh Lương Văn Pắn chế tác pí tơm - nhạc cụ của dân tộc Khơ mú. Ảnh: Đình Tuân.

Những năm gần đây, anh Lương Văn Pắn tích cực tham gia phong trào văn nghệ quần chúng, là nòng cốt của đội văn nghệ xã và huyện. Anh đã gặt hái được những kết quả nhất định, trong đó có giải A tại Lễ hội Làng Sen và giải Nhất độc tấu nhạc cụ dân tộc tại Hội thi văn nghệ trong chương trình Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào. Đây chính là nguồn động lực để giúp người đàn ông bản Khe Ngậu tiếp tục với niềm đam mê từ thời niên thiếu.

Không những sử dụng nhuần nhuyễn và thuần thục, gần đây anh Pắn còn học và chế tác thành công một số nhạc cụ như pí nhuôn, xi xờ lò của người Thái và pí tơm của người Khơ mú. Và hiện tại anh đang nghiên cứu học cách chế tác khèn bè - nhạc cụ được xem là “điệu hồn” của người Thái. Anh Lương Văn Pắn chia sẻ: “Sắp tới, có thời gian rảnh rỗi tôi sẽ mở lớp miễn phí dạy cách thổi khèn và các loại pí, bà con bản gần, bản xa tìm đến tôi đều sẵn sàng. Chỉ mong tiếng khèn, tiếng pí ở mãi với bản làng vùng cao”.

Công Kiên - Đình Tuân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới