Người dân vẫn 'bỡ ngỡ' với dịch vụ công trực tuyến

(Baonghean) - Việc đưa Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nghệ An chính thức đi vào hoạt động là một nỗ lực to lớn của tỉnh trong hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử nói riêng và đổi mới bộ máy Nhà nước nói chung. Tuy nhiên, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao ở nhiều cơ quan, địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế.

Giải quyết TTHC cho người dân tại Bộ phận một cửa UBND huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Lê Thanh
Giải quyết TTHC cho người dân tại Bộ phận một cửa UBND huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Lê Thanh


Ghi nhận tại Bộ phận một cửa UBND huyện Hưng Nguyên, hàng ngày người dân đến nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính khá đông. Khi được hỏi về cách thức giải quyết thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến, rất nhiều người dân không biết có tiện ích này.

“Thà mất thời gian một chút nhưng lại chắc ăn, thủ tục hành chính phức tạp nên cứ phải đến tận nơi cơ quan nhà nước làm việc mới yên tâm”- anh Nguyễn Bá Ngọc ở thị trấn Hưng Nguyên cho biết.

Trong khi đó, trang thông tin điện tử của huyện đã đăng tải UBND huyện Hưng Nguyên hiện đã cung cấp 32 dịch vụ công mức độ 3 các lĩnh vực đất đai, tư pháp, xây dựng, thương mại, y tế… nhưng hầu như người dân vẫn chưa sử dụng.

Huyện Nghi Lộc được đánh giá là đơn vị dẫn đầu của tỉnh về sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến. Huyện đã thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử: 344 thủ tục ở 29  lĩnh vực (190 thủ tục cấp huyện, 154 thủ tục cấp xã; 47 dịch vụ công cấp 3, 9 dịch vụ công cấp độ 4.

Kết quả xử lý trên phần mềm tính đến 9/2017 đã giải quyết trên 32.000 hồ sơ, nhưng chỉ là thực hiện theo một chiều, đó là cán bộ tiếp nhận hồ sơ qua một cửa và đăng nhập vào phần mềm một cửa điện tử để xử lý. Từ khi triển khai dịch vụ công trực tuyến, bộ phận một cửa của UBND huyện chỉ mới tiếp nhận 9 hồ sơ đăng ký online. Điều này cho thấy một thực tế không thể phủ nhận: Người dân và doanh nghiệp hầu hết trực tiếp đến bộ phận một cửa để kê khai thủ tục thủ công.

Ở cấp tỉnh cũng trong tình trạng tương tự, đơn cử ở Sở Giao thông Vận tải, triển khai thực hiện dịch vụ công cấp độ 3 trong lĩnh vực cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) qua mạng được thực hiện từ ngày 20/5/2015. Nhưng sau hơn 2 năm triển khai dịch vụ này, người dân không quan tâm. 

Dịch vụ công cấp giấy phép họp báo được Sở Thông tin và Truyền thông triển khai, các cơ quan, đơn vị chỉ cần vào trang thông tin điện tử: dichvucong.nghean.gov.vn, đăng nhập, thực hiện theo hướng dẫn, kết quả được xử lý qua môi trường mạng, nhưng dịch vụ này cũng rất ít được sử dụng mà Sở chủ yếu tiếp nhận qua đường công văn và trực tiếp tại bộ phận một cửa,…

Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 16 sở, 21 huyện thành thị và 480/480 xã tham gia hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Trong tổng số 5.162 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên hệ thống hiện nay đã có 862 dịch vụ ở mức độ cao là 3 và 4. Tuy nhiên số doanh nghiệp và người dân sử dụng dịch vụ mức độ cao này đang còn rất ít. 

Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức.	Ảnh: Lê Thanh
Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức. Ảnh: Lê Thanh

Được chính thức khai trương từ ngày 10/1/2017, Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử liên thông của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ hành chính công.

Hiện nhiều lĩnh vực liên quan đến giải quyết thủ tục hồ sơ cho người dân đã được Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh triển khai ở mức độ cao, người dân có thể nộp hồ sơ qua mạng, chỉ phải đến duy nhất một lần để thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan, đơn vị.

Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, số lượng hồ sơ giao dịch trực tuyến trên môi trường mạng hiện còn quá ít. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa quen hoặc còn e ngại với hình thức giao dịch này. 

Lý giải việc tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ cao còn rất thấp, ông Nguyễn Bá Hảo - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng: Người dân và rất nhiều doanh nghiệp vẫn giữ thói quen cũ là đến trực tiếp cơ quan để giải quyết thủ tục hành chính do việc tuyên truyền sử dụng dịch vụ chưa được sâu rộng.

Trong khi việc triển khai dịch vụ công trực tuyến vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, ột số thủ tục yêu cầu đính kèm file liên quan khi nộp hồ sơ trực tuyến, song việc số hóa các tài liệu liên quan của công dân, doanh nghiệp hệ thống chưa sẵn sàng. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng nên chưa đảm bảo việc gửi/nhận thông tin. 

Lê Thanh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới