Người đứng đầu cơ quan chủ động từ chức trước khi xem xét trách nhiệm sẽ không bị kỷ luật

Đây là quy định mới của Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đang được Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, nhằm đề cao trách nhiệm chính trị của cá nhân người đứng đầu, giúp hình thành “văn hóa từ chức” khi để xảy ra vi phạm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng

Theo Thanh tra  Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu còn nhiều bất cập.

Chỉ thị số 50-CT-TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng nêu rõ: Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng”.

Ảnh minh họa. (Nguồn: vietnamnet).
Ảnh minh họa. (Nguồn: vietnamnet).

Nhằm khắc phục những bất cập phát hiện qua thực tiễn thi hành và kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định thành một chương riêng và sửa đổi,  bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò của người đứng đầu.

Cụ thể, Dự thảo đã chỉ rõ và cụ thể hóa những người được gọi là “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị” theo quy định của Luật này để thuận lợi cho việc áp dụng và cá thể hóa trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng (Điều 99); đồng thời, xác định rõ nội dung, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để làm căn cứ xác định trách nhiệm khi người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm của mình, để xảy ra hành vi tham nhũng (Điều 100).

Trách nhiệm áp dụng các biện pháp việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tham nhũng (Điều 101) và trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách  như: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý và người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ (Điều 102).

Đáng chú ý, Dự thảo bổ sung quy định “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị  mà chủ động từ chức trước khi xem xét trách nhiệm thì không bị xử lý kỷ luật (khoản 7, Điều 102). “Quy định nhằm đề cao trách nhiệm chính trị của cá nhân người đứng đầu, giúp hình thành “văn hóa từ chức” khi để xảy ra vi phạm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” - Thanh tra Chính phủ cho biết.

Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát

Đây cũng là một nội dung mới của Dự thảo Luật nhằm khắc phục những hạn chế trong việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát trên tinh thần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát trong việc làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trước khi chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng xử lý theo trình tự tố tụng hình sự, nếu xét thấy có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm; làm rõ việc thực hiện chức năng giám sát của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử; đồng thời thể chế hóa vai trò của hệ thống cơ quan kiểm tra của Đảng trong xử lý người thực hiện hành vi tham nhũng.

Trên tinh thần đó, Dự thảo Luật quy định về căn cứ tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng (Điều 79); việc xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán (Điều 82); xử lý tài sản có liên quan đến hành vi tham nhũng (Điều 83); công khai kết quả xử lý…

Về việc xử lý hành vi tham nhũng, Dự thảo để theo 02 phương án:

Phương án 1: Trường hợp hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm thì người ra quyết định kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng, ra kết luận và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phương án 2: Trường hợp hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm thì người ra quyết định kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng, ra kết luận và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, đồng thời thông báo văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.

Cơ quan soạn thảo cho rằng, phương án 1 là phù hợp bởi trong trường hợp hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm thì việc giao cho cơ quan kiểm tra, thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước tiếp tục thu thập thông tin, làm rõ sẽ giúp gắn trách nhiệm của các cơ quan này đối với kết luận kiểm tra, kết luận thanh tra và báo cáo kết quả kiểm toán về vụ việc; đảm bảo tính kịp thời trong phát hiện, làm rõ và xử lý hành vi tham nhũng theo thẩm quyền; cũng như hướng tới việc kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan có thẩm quyền khi cùng xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Đồng thời, trong trường hợp lựa chọn phương án này, thì cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ trình phương án sửa đổi các luật về tố tụng hình sự cho phù hợp./.

Theo Dangcongsan.vn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới