Người đứng đầu

(Baonghean.vn) - Mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị của ta đều có người đứng đầu. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức là người lãnh đạo, quản lý, chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm cao nhất của cơ quan, tổ chức đó.
Hình minh họa, nguồn Internet
Hình minh họa, nguồn Internet

Mỗi tổ chức, địa phương, đơn vị đều hoạt động theo luật pháp, điều lệ và những quy định chung. Ngoài ra, còn có những quy định cụ thể riêng, phù hợp với luật pháp và thực tiễn. Người đứng đầu có ảnh hưởng lớn nhất để thực thi những quy định ấy. 

Người đứng đầu gương mẫu, thanh liêm, chính trực, tận tụy,... thì được đồng sự, cấp dưới nể trọng, học tập; cơ quan, đơn vị có kỷ cương; nhân dân yên tâm, tin tưởng, đồng thuận.

Người đứng đầu mà chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, “mẹo vặt”, tư lợi,... thì đồng sự, cấp dưới sợ cái uy quyền mà chấp hành chứ không “tâm phục, khẩu phục; cán bộ, công chức lo cho “tròn vai”, không muốn xông xáo, sáng tạo; nhân dân xa lánh, coi thường, mất niềm tin,...

Ở đâu, thời nào, tổ chức, địa phương, đơn vị nào có người đứng đầu "có tâm, có tầm" thì ở đó, thời đó có niềm tin, kỷ cương, phát triển và ngược lại. Cứ ngẫm mà xem: Những thời điểm, những địa phương, đơn vị xuất sắc đều gắn với một cá nhân đứng đầu xuất sắc, có công lớn với tập thể và phong trào ở đó. Những thời điểm, những địa phương, đơn vị mà mất đoàn kết, phong trào yếu kém, đơn thư kéo dài, dân thiếu niềm tin,... là lúc người đứng đầu ở đó “có vấn đề”.

Alexander Đại đế đã có câu: "Tôi không sợ một đàn sư tử được lãnh đạo bởi một con cừu. Nhưng tôi e ngại một đàn cừu được dẫn dắt bởi một con sư tử"!

Trong thực tế, vẫn có những người đứng đầu năng lực hạn chế, phẩm chất đạo đức chưa đáp ứng được tình hình và mong đợi của Nhân dân.

Có người cho rằng mình có tài, có đức, cơ quan, tổ chức có nhu cầu thì mình được đề bạt làm người đứng đầu. Điều đó đúng, nhưng  chưa phải tất cả. Phải có nhận thức đầy đủ: Nhờ cuộc cách mạng đầy hy sinh gian khổ của nhân dân do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo mới có cơ đồ, sự nghiệp hôm nay. Quyền lực đó là của Nhân dân. Có rất nhiều người tài giỏi, xứng đáng được giao quyền lực ấy. Nhưng do cơ cấu, có khi do may mắn – không nói đến chạy vạy hay quan hệ, mình được Đảng và Nhân dân ủy thác quyền lực là một vinh dự vô cùng to lớn.

Khi nhận thức không đúng, tự cao, tự phụ sẽ sa vào chủ nghĩa cá nhân – cái bệnh mẹ, đẻ ra các bệnh con khác. Họ dùng quyền lực của Nhân dân để mưu lợi cho mình, phụ trách ở đâu thì như một ông “vua con” ở đó. Các “ông vương, bà tướng” ấy lên mặt “quan cách mạng”, hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì nịnh bợ lấy lòng, đối với cấp dưới thì cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng thì quan cách, làm cho quần chúng sợ hãi, xa lánh.

Nhiều lần Bác Hồ đã dạy, việc nước là việc chung, tài sản của Nhà nước là của chung Nhân dân chứ không phải của riêng ai, của dòng họ nào. Bác nói: “Được trao quyền quản lý, chi tiêu một khối lượng tiền của, tài sản nào đó, họ cậy quyền thủ trưởng quyết định tất cả, bất chấp kỷ cương, phép nước, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công. Đạo đức cách mạng thế nào, dư luận thế nào cũng mặc”(1). “Trong công tác nhân sự, đối với bản thân thì “cố tranh cho được ủy viên này chủ tịch kia”, giữ thói “một người làm quan, cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này, việc kia, làm được hay không mặc kệ. Hỏng việc, Đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”(2)Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu phải phục tùng tổ chức, nêu gương sáng giữ gìn và bảo vệ tài sản của công, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ Tổ quốc và Nhân dân, phải chí công vô tư.

Thường thì ai cũng trưởng thành "từ binh nhì", từ thấp lên cao, từng "làm lính" rồi mới "làm quan", có một quá trình học tập, trong đó có học tập những tấm gương đi trước, học cái tốt, tránh cái xấu, tích lũy, cải tiến, sáng tạo. Nhiều người đứng đầu đã dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh, tạo ra những bước đột phá ngoạn mục - dân rất biết ơn và rất tự hào. Nhưng cũng có những kẻ đứng đầu chỉ biết "giữ ghế", khai thác, phòng ngự, thậm chí kéo lùi lịch sử - dân mất niềm tin, oán trách... Người đứng đầu mà nghiêm cẩn, mẫu mực thì kẻ dưới chớ có dám hàm hồ, và ngược lại "thượng bất chính thì hạ tắc loạn",...

"Quần chúng nhân dân làm nên lịch sử, các vĩ nhân in dấu ấn mình lên đó". Người đứng đầu mà có tâm, có tầm thì khi bắt tay vào điều hành đã tự xác định: Trong một nhiệm kỳ phải làm được một việc to, nửa nhiệm kỳ phải làm được một việc vừa, mỗi năm phải làm được những việc nhỏ có ích cho địa phương, đơn vị.

Người đứng đầu của ta được trang bị khá toàn diện: lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ,... Trong đó, có những tấm bằng (chuyên tu, hàm thụ, nâng cao,...) cũng có từ tiền của Nhân dân mà có.

Phần lớn người dân không mấy quan tâm đến lý luận về quản lý. Nhưng họ "bấm đốt ngón tay", lần lại lịch sử: Quê ta, từ trước đến nay ông này thanh liêm, ông kia sâu mọt, ông này tận tụy, ông kia láo nháo,... 

Con người ai cũng muốn quyền cao, chức trọng, sang giàu. Và ai cũng muốn được mọi người nể trọng, quý mến, được lịch sử ghi nhận. Giữa cái uy quyền, giàu sang với cái sống trong lòng dân không biết bên nào nặng hơn? 

(1), (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2002, tập 5, tr.72, 74.

Tin mới