Người đứng đầu tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân – Bài 1: Lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu

“Lúc được thông báo Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tiếp và trực tiếp giải quyết đơn kiến nghị, chúng tôi vô cùng tin tưởng. Đến khi nghe Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, tôi rất vui sướng vì nguyện vọng của mình và nhiều gia đình sau hàng chục năm qua đã được lắng nghe và giải quyết”, bà Nguyễn Thị Hà (trú xóm 3, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa) vui mừng chia sẻ về kết quả phiên tiếp công dân định kỳ của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An mà bà và một số hộ dân ở xã Nghĩa Thuận tham dự.

Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tiếp công dân. Ảnh: T.D-P.B
Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tiếp công dân. Ảnh: T.D-P.B
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý tiếp công dân, giải quyết khiếu nại thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Video: Thành Duy

Trước đó, gần 30 năm qua, bà Hà cùng 9 gia đình sinh sống trên khu đất tại khu vực Cung giao thông 42A – Hạt giao thông Nghĩa Đàn cũ (nay thuộc xóm 3, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa), đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan, ban, ngành về mong muốn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều. Thị xã Thái Hoà đã vào cuộc giải quyết nhưng còn lúng túng vì cho rằng, đơn vị chủ quản khu đất đã giải thể nên không thực hiện được việc thu hồi đất và cũng không thực hiện được thủ tục sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định. Cho đến ngày 16/3/2022, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đại diện 9 hộ gia đình này để lắng nghe nguyện vọng. Trên cơ sở hồ sơ, ý kiến các ngành, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, nguyện vọng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân là chính đáng và đủ điều kiện. Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao UBND thị xã Thái Hòa phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 9 hộ dân theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tiếp công dân, giải quyết kiến nghị quyền lợi về tiền lương, BHXH. Video: Phạm Bằng

Tương tự, sự việc 9 cô giáo ở huyện Thanh Chương cũng đã được giải quyết dứt điểm sau phiên tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh vào tháng 6/2020. 11 năm trước, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh và 8 cô giáo khác được UBND huyện Thanh Chương ban hành quyết định công nhận kết quả tuyển dụng viên chức. Tuy nhiên, các cô giáo này không những không được nâng lương, không được tuyển dụng vào biên chế mà sau đó phải ký hợp đồng với các trường và hưởng mức lương rất thấp. Sau đó, bất ngờ khi bị cho ra khỏi biên chế, các cô giáo đã đưa đơn đi gõ cửa khắp các cấp, ngành để giải quyết quyền lợi.

Bà Nguyễn Thị Hà và bà Lê Thị Ngọc Anh (đại diện 9 hộ gia đình trú tại xóm 3, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa) tại buổi tiếp công dân (ảnh trái); Cô Nguyễn Thị Quỳnh và Nguyễn Thị Hoa (trú huyện Thanh Chương) được giải quyết quyền lợi sau phiên tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Hà và bà Lê Thị Ngọc Anh (đại diện 9 hộ gia đình trú tại xóm 3, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa) tại buổi tiếp công dân (ảnh trái); Cô Nguyễn Thị Quỳnh và Nguyễn Thị Hoa (trú huyện Thanh Chương) được giải quyết quyền lợi sau phiên tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh.

UBND huyện Thanh Chương, Sở Nội vụ cũng đã vào cuộc và đề ra hướng giải quyết, nhưng các cô giáo chưa đồng tình vì cho rằng, quyền lợi của bản thân chưa được đảm bảo. Đến tháng 6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã chủ trì tiếp đại diện 9 cô giáo và đưa ra hướng giải quyết. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, huyện Thanh Chương rà soát các quy định, xem xét giải quyết quyền lợi cho các giáo viên khi có chỉ tiêu bổ sung, đồng thời xem xét lại chính sách lương cho các giáo viên. Đồng thời, yêu cầu huyện Thanh Chương xem xét sắp xếp công việc cho giáo viên theo đúng năng lực, nguyện vọng. Trên cơ sở kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, đến nay 6/9 cô giáo đã được tuyển vào biên chế và được sắp xếp công việc theo đúng năng lực, nguyện vọng. “Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh có kết luận, sự việc của chúng tôi đã được giải quyết, những quyền lợi đã được đảm bảo. Chúng tôi rất vui mừng!”, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh nói.

Ông Đinh Hồng Vinh  – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh cho biết: “Trong những năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư luôn được Chủ tịch UBND tỉnh ưu tiên quan tâm chỉ đạo, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hàng năm của UBND tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, tiếp xúc, đối thoại với công dân, giải quyết nhiều vụ việc khó, phức tạp kéo dài, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân góp phần ổn định tình hình trên địa bàn, làm giảm khiếu kiện tập trung đông người, vượt cấp ra Trung ương. Qua tổng hợp theo dõi kết quả thực hiện các ý kiến kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh cho thấy, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh tại các hội nghị tiếp xúc, đối thoại với công dân. Cụ thể là đã giải quyết cơ bản dứt điểm 210/225 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân đạt 93,3%; trong đó: giải quyết khiếu nại đạt 91,1%, xử lý tố cáo đạt 100%, xử lý phản ánh, kiến nghị đạt 100%”.

Ông Đinh Hồng Vinh cho biết thêm: Hiện nay còn 15 vụ việc đang xem xét giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Ban tiếp công dân tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật tiến độ xử lý các vụ việc, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện; phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập các đoàn, tổ công tác để trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho cơ sở.

Thông qua tiếp xúc, đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đảng viên và nhân dân để giải quyết ngay từ cơ sở. Như ở thị xã Hoàng Mai, địa phương trong thời gian qua phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện nhiều dự án quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, chính nhờ công tác tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân mà nhiều vụ việc đã được giải quyết. Điển hình như vụ việc di dời nhà thờ dòng họ Lê Công ở xóm 8, xã Quỳnh Lộc để triển khai dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai I.

Nhớ lại, ông Lê Văn Công – trưởng tộc dòng họ Lê Công cho biết, khi thị xã thông báo chủ trương thu hồi đất nhà thờ để thực hiện dự án, anh em trong họ tộc cơ bản đồng tình với một tâm niệm “mình chịu thiệt thòi một tý để thị xã phát triển và thế hệ con cháu mình khấm khá hơn”. Tuy nhiên, do yếu tố tâm linh và phương án bố trí đất tái định cư chưa rõ nên một số người trong họ tộc khá lo lắng, có người không đồng thuận. Sau đó, đích thân Bí thư Thị ủy và Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai đã trực tiếp xuống gặp gỡ để trao đổi, đối thoại, giải thích với đại diện họ tộc, đồng thời ưu tiên bố trí ngay đất làm nhà thờ; giải phóng đất đến đâu giao đất làm nhà thờ đến đó. “Quá trình thi công nhà thờ, lãnh đạo thị xã và địa phương quan tâm hỗ trợ vận chuyển vật liệu thi công nên anh em trong họ ai cũng vui mừng và đồng tình cao”, ông Công nói.

Nhà thờ họ Lê Công được đầu tư xây dựng mới sau khi nhường đất cho dự án KCN Hoàng Mai I; Dự án KCN Hoàng Mai thu hồi, giải phóng mặt bằng đến đâu triển khai thi công đến đó.
Nhà thờ họ Lê Công được đầu tư xây dựng mới sau khi nhường đất cho dự án KCN Hoàng Mai I; Dự án KCN Hoàng Mai thu hồi, giải phóng mặt bằng đến đâu triển khai thi công đến đó.
Dự án kè sông Hoàng Mai sau khi đối thoại tạo được sự đồng thuận của người dân đã được xây dựng và hoàn thành. Ảnh: PV
Dự án kè sông Hoàng Mai sau khi đối thoại tạo được sự đồng thuận của người dân đã được xây dựng và hoàn thành. Ảnh: PV

Tại thành phố Vinh, hoạt động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong những năm qua được xem như “chìa khoá” để mở cánh cửa đồng thuận xã hội. Với tinh thần “lắng nghe ý kiến người dân”, trong năm 2020, TP. Vinh đã tổ chức 5 hội nghị tiếp xúc, đối thoại chuyên đề. Như các chuyên đề: “Chính sách bồi thường GPMB dự án đường 95m Vinh – Cửa Lò qua các xã Nghi Phú, Nghi Đức, Nghi Ân”; “Công tác quản lý đất đai, chính sách bồi thường GPMB các dự án đầu tư trên địa bàn” tại xã Hưng Đông; “Ô nhiễm môi trường Hào Thành cổ” với nhân dân 3 phường: Cửa Nam, Quang Trung, Đội Cung; “Chính sách bồi thường GPMB và quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn” tại xã Nghi Phú và “Công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, vệ sinh môi trường trên địa bàn” tại xã Nghi Ân.

Nhờ những cuộc tiếp xúc, đối thoại với tinh thần cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm mà nhiều vụ việc bức xúc của người dân đã được giải quyết, tránh được khiếu kiện kéo dài. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Vinh nêu lên ví dụ về vấn đề ô nhiễm môi trường ở Hào Thành cổ. Từ năm 2018, cử tri các phường: Cửa Nam, Đội Cung, Quang Trung đã phản ánh, kiến nghị về tình trạng này nhưng mãi chưa được giải quyết. Khi thời điểm dịch Covid-19 có phần lắng xuống, MTTQ thành phố đã phối hợp với các ngành tổ chức cuộc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân các phường trên. Bí thư Thành ủy Vinh Phan Đức Đồng và Chủ tịch UBND TP Vinh Trần Ngọc Tú đã trực tiếp lắng nghe ý kiến của người dân, trả lời một số vấn đề tại hội nghị. Sau đó, trên cơ sở thông báo kết luận của Thành ủy, UBND TP. Vinh đã xây dựng kế hoạch và triển khai giải pháp để giải quyết các vấn đề mà người dân nêu. Cho đến nay, ô nhiễm môi trường tại Hào Thành cổ đã cơ bản được giải quyết.

Ảnh trên xuống, trái sang: Cấp ủy, chính quyền huyện Đô Lương, TX Thái Hòa, TX Hoàng Mai đối thoại với cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động trên địa bàn. Ảnh: Diệp Thanh - CTV
Ảnh trên xuống, trái sang: Cấp ủy, chính quyền huyện Đô Lương, TX Thái Hòa, TX Hoàng Mai đối thoại với cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động trên địa bàn. Ảnh: Diệp Thanh - CTV

Đồng chí Phan Thanh Đoài – Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Nghệ An là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành các quy chế, đề án về nâng cao, đổi mới công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Dân vận Trung ương cũng đánh giá cao những kết quả của công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thể hiện là ngay từ năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 2924-QĐ/TU ngày 30/8/2012 về việc “Ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân”. Và từ đó đến nay, công tác này đã đi vào nề nếp, thường xuyên, đặc biệt là sau Hội nghị gặp mặt giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn được tổ chức vào năm 2018.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nhận thức được vai trò, hiệu quả từ sau những hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân mang lại. Vì thế, các địa phương đã có sự quan tâm hơn, chú trọng đến việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại đột xuất khi có những vấn đề mới phát sinh, phức tạp kéo dài. Đặc biệt, có một số địa phương nắm bắt kịp thời, dự báo diễn biến của một số vụ việc, từ đó đã chủ động lên kế hoạch tiếp xúc, đối thoại. Nhờ đó mà nhiều vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở, tránh việc khiếu kiện kéo dài. Một số địa phương tổ chức tốt công tác này như Nghi Lộc, Diễn Châu, TX. Hoàng Mai, TX. Thái Hòa…

(Còn nữa)

Hào Thành cổ Vinh. Ảnh: Nhật Lân
Hào Thành cổ Vinh. Ảnh: Nhật Lân