Người được mệnh danh 'nữ hoàng ngà voi' Trung Quốc

Mắt đeo kính trắng, gương mặt phúc hậu, nhìn bề ngoài không ai nghĩ Yang Fenglan là bà trùm buôn lậu ngà voi người Trung Quốc. 

nguoi-duoc-menh-danh-nu-hoang-nga-voi-trung-quoc

Yang Fenglan, nữ doanh nhân Trung Quốc bị cáo buộc là trùm buôn lậu ngà voi. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, theo các điều tra viên Tanzania, người đàn bà 66 tuổi này là một trong những mắt xích quan trọng trong đường dây buôn lậu ngà voi châu Phi, và sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc 700 chiếc ngà voi, tương đương 1,9 tấn, trị giá khoảng 2,5 triệu USD được vận chuyển trái phép từ Tanzania đến vùng Đông Á.

Yang phủ nhận mọi cáo buộc. Phiên toà xử bà được lên kế hoạch vào ngày 9/5 ở Dar-es-Salaam, thành phố lớn nhất Tanzania nhưng bị hoãn lại đến ngày 23/5, theo BBC.

Nữ doanh nhân thành đạt

Từ Bắc Kinh, Yang đến Tanzania vào những năm 70. Bà là một trong những sinh viên Trung Quốc đầu tiên tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Swahili, ngôn ngữ phổ biến vùng Đông Nam Phi. Sau đó, bà làm phiên dịch cho dự án Tàu hỏa Tanzania-Zambia do Trung Quốc bỏ vốn và thi công xây dựng.

China Daily cho biết sau khi dự án hoàn tất vào năm 1975, bà trở lại Bắc Kinh và làm việc cho cơ quan ngoại thương của chính phủ.

Năm 1998, Yang bắt đầu sự nghiệp kinh doanh ở Tanzania. Bà thuê một ngôi nhà hai tầng ở trung tâm Dar-es-Salaam, mở một nhà hàng Trung Quốc ở tầng một và thành lập một công ty đầu tư mang tên Beijing Great Wall Investment có văn phòng đặt trên tầng hai. 

Trả lời phỏng vấn năm 2014, Yang nói mở nhà hàng không phải vì tiền. Đó là nơi người Trung Quốc và người Tanzania gặp gỡ, giao lưu, kết bạn và trao đổi thông tin.

"Lẽ ra tôi nên về hưu, nhưng tôi nghĩ rằng với ưu thế ngoại ngữ và mạng lưới quan hệ của mình, tôi có thể giúp nhân dân Trung Quốc và Tanzania tăng cường tình hữu nghị và sự tin tưởng lẫn nhau",Yang nói.

Yang đặc biệt gắn bó với đất nước Tanzania, cả về vật chất và tinh thần. Bà còn đặt tên con gái là Fei, nghĩa là Phi, để gợi nhớ vùng đất châu Phi. 

Năm 2012, Yang trở thành tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân châu Phi -Trung Quốc tại Tanzania. Đồng thời, người phụ nữ này còn tích cực hoạt động trong mặt trái của mối quan hệ giữa hai nước: buôn bán ngà voi phi pháp.

Các nhà điều tra Tanzania cho rằng Yang là người móc nối giữa những kẻ săn trộm ở Đông Phi và người mua ở Trung Quốc trong suốt hơn một thập kỷ. Nhu cầu tiêu thụ ngà voi tại thị trường Trung Quốc rất cao. Tại đây, ngà voi được dùng để trưng bày trang trí và làm thuốc.

nguoi-duoc-menh-danh-nu-hoang-nga-voi-trung-quoc-1

Ngà voi được tiêu thụ mạnh tại các chợ đen Trung Quốc, dùng để bào chế thuốc hoặc sản xuất đồ mỹ nghệ. Ảnh: AFP

Những kẻ săn trộm và buôn bán ngà voi đe dọa nghiêm trọng sự sinh tồn của loài voi ở Châu Phi. Từ 2009-2014, số voi ở Tanzania đã giảm đến 60%.

Cơ quan điều tra tội phạm nghiêm trọng Tanzania đã theo dõi Yang trong hơn một năm. Bà từng bị bắt trong một cuộc rượt đuổi bằng ôtô vào tháng 10 năm ngoái, cùng với hai nam nghi phạm người Tanzania, và bị cáo buộc buôn lậu ngà voi từ năm 2000 đến 2014.

Những tổ chức hoạt động vì động vật hoang dã rất hoan nghênh thông tin này.

"Chúng tôi chờ đợi điều này đã nhiều năm", ông Andrea Crosta, đồng sáng lập tổ chức Hành động vì loài voi tại Mỹ cho biết. "Chúng ta phải chấm dứt việc làm của những kẻ buôn bán trái phép để cứu lấy loài voi".

Tổ chức của Crosta cho rằng Yang kết nối với nhiều công ty khác nhau của người Trung Quốc ở nước ngoài, và hoạt động ngầm với các đại gia Trung Quốc sinh sống tại Tanzania.

"Nghĩ đến một tên trùm buôn lậu ngà voi, chúng tôi đã nghĩ đến kẻ nào đó kiểu như Al Capone (trùm mafia nước Mỹ)", Crosta nói. "Nhưng thực tế, thì đó phải là người hòa nhập vào xã hội Tanzania, am hiểu và quen thuộc với đất nước này."

Yang phủ nhận mọi cáo buộc. Các nhà điều tra vẫn tiếp tục làm rõ vụ việc. Nếu bị kết tội, bà ta sẽ đối mặt với án tù 30 năm

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới