Người hàng xóm đến từ địa ngục

(Baonghean) - Đang ngồi đọc báo theo dõi diễn biến điều tra về vụ tai nạn máy bay ở Nga, mình vô tình nghe thấy cuộc trò chuyện giữa vợ mình với bà hàng xóm:
- Cô đã đọc vụ xì căng đan về cô ca sỹ “nữ hoàng giải trí” trở thành người thứ 3 phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác chưa? Kể cũng dễ hiểu, công tử “đô-la” không còn dư dả như xưa, người ta liền tìm ngay đến với đại gia “kim cương”, từ xưa đến nay chân dài vẫn cứ phải đi với đại gia mà! 
- Một tin tức nóng hổi như thế, làm sao em bỏ lỡ được. Nhưng đức ông chồng bị bỏ rơi kia cũng đã có bóng hồng mới kề cận sớm hôm rồi. Cô này còn trẻ trung, mới mẻ hơn cô vợ cũ bội phần. Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào nhưng xem chừng chỉ một cái dắt tay của công tử “đô-la” đã đưa cô nàng một bước tiến đến tâm điểm chú ý của làng giải trí rồi đấy nhé! 
- Còn vụ việc cả gia đình chết một cách bí ẩn trong ngôi nhà kín ở Thanh Hoá, đáng sợ thật đấy cô ạ. Nghe đâu là do ông chồng gây ra. Dạo này báo chí toàn những chuyện ly kỳ, mà lại là chuyện nhà cơ chứ! Thế mới nói, gia đình nhỏ nhưng là nguồn cơn phát sinh ra ty tỷ vấn đề của cái xã hội này…
Mình lắc đầu ngán ngẩm trước câu chuyện phiếm của các bà, các cô nhà mình. Thực lòng mà nói, mình thấy những tin tức kiểu ấy cứ “vô duyên” làm sao? Những chuyện thị phi ái tình, chuyện gia đình, vợ chồng, con cái nhà người ta, liệu có quan hệ gì hay ảnh hưởng gì đến cuộc sống, công việc của chúng ta, để mà phải “nâng tầm” lên thành chủ đề tranh luận của cả xã hội? Dạo một vòng mạng xã hội những ngày gần đây, nhan nhản các ý kiến bình, bàn, khen, chê, thậm chí là tranh cãi đến nảy lửa về chuyện tình vụng trộm của cô A với ông B, anh C tìm thấy hạnh phúc mới bên cô D, v.v và v.v… Mình cảm thấy khó hiểu vô cùng, khó hiểu một cách hoang mang trước cái gọi là tâm lý đám đông và nhu cầu thị phi của xã hội. 
Hình minh họa (internet).
Hình minh họa (internet).
Ngày trước mình từng mua cho con trai mình một đĩa trò chơi điện tử, có tên là “Người hàng xóm đến từ địa ngục”. Người chơi vào vai một anh chàng có sở thích oái oăm là đột nhập vào nhà hàng xóm và bày trò phá phách, khiến ông này bực mình đến phát khóc. Nào là vẽ bậy vào ảnh gia đình, trộn thuốc sổ vào bánh kem, giấu pháo vào kèn thổi, đặt bánh xà phòng ướt lên sàn nhà tắm, thả cua vào ghế ngồi,…Toàn những trò đùa dai dẳng và phiền toái, soi mói và can thiệp vào cuộc sống riêng tư của người hàng xóm tội nghiệp. Con trai mình lúc đầu rất thích trò chơi này, nhưng khoảng 1 tuần sau thì thấy thằng bé xếp đĩa trò chơi vào tủ và nói với mình vẻ nghiêm túc: 
- Trò này vui thật đấy, nhưng không hay tí nào bố ạ. Con cứ tưởng tượng nếu mình thực sự làm những việc như thế này với bác hàng xóm nhà mình, thì thật đáng trách. Tại sao lại cổ xuý những việc gây phiền toái, làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của người khác như thế và lấy đó ra mà vui thích, đùa cợt? 
Lúc đó mình hết sức ngạc nhiên trước suy nghĩ của con trai, nhưng đồng thời cũng rất hài lòng vì thằng bé hiểu được sự tôn trọng lẫn nhau có tầm quan trọng như thế nào trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội. Đôi khi, chỉ cần bắt đầu từ những việc rất nhỏ thôi, như là nén lòng hiếu kỳ và khép đôi mắt soi mói của mình lại trước những vấn đề riêng tư của người khác…
Quay trở lại với thị hiếu chạy theo những chuyện thị phi rất thịnh hành trong xã hội hiện nay, mình cho rằng người ta đang vô tình hiện thực hoá trò chơi “Người hàng xóm đến từ địa ngục” mà không hề biết như thế là không tốt, thậm chí là sai. Những lập luận như “người công chúng thì phải chấp nhận”, “còn bình bàn là còn quan tâm đến họ”,… có lẽ cũng không thể lấp liếm được lý do thực sự: đó là bản năng tò mò, hiếu kỳ của con người được đặt nhầm chỗ, được thổi phồng, phóng đại. Thử đặt mình vào vị trí để muôn vàn cái nhìn “hàng xóm” nhòm ngó, soi xét và ngẫm thử xem, cuộc sống như vậy có dễ chịu hay không?
Hải Triều