Người mẹ thứ hai của những học trò Khơ mú

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trong câu chuyện kể về những vui buồn suốt 18 năm gắn liền với bục giảng trên mảnh đất rẻo cao Kỳ Sơn, cô giáo Nguyễn Thị Long (giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Kiệm) đã không thể giấu nổi những giọt nước mắt khi nhắc về những cô cậu học trò Khơ mú mà mình xem như con. Ở đó, có những người con đã thành công trên đường đời, nhưng cũng có những hoàn cảnh lắm thiệt thòi khiến cô thổn thức mỗi khi nhớ về.

Phía sau các em luôn có cô, thầy!

Hồi tưởng những kỷ niệm vui buồn trong 18 năm đứng lớp, ánh mắt cô Nguyễn Thị Long (sinh năm 1977) như lấp lánh niềm hạnh phúc khi kể cho chúng tôi nghe về cô học trò bé nhỏ Moong Thị Ngọc ở bản Đỉnh Sơn 1 (xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn). Đây là cô học trò rất đặc biệt của đồng bào Khơ mú, người mà cô đã đồng hành, chăm sóc từ tấm bé, sau này thi đậu Học viện Ngân hàng với số điểm khá cao. Giờ đây em đã tốt nghiệp với tương lai rộng mở.

Cô Nguyễn Thị Long là một trong 91 nhà giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong giai đoạn 1982-2022 của tỉnh Nghệ An được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Cô Nguyễn Thị Long là một trong 91 nhà giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong giai đoạn 1982-2022 của tỉnh Nghệ An được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Cô Nguyễn Thị Long biết đến Moong Thị Ngọc từ năm 2007, khi Ngọc học lớp 3. Ngay từ tiết giảng đầu tiên, cô đã ấn tượng bởi sự thông minh nổi trội từ cô học trò bé nhỏ ấy. Để khuyến khích em, cô đã đồng hành, chia sẻ và tận tình quan tâm từng bài học.

Vậy nhưng, đến năm lớp 5, không thấy Ngọc đến lớp, cô Long phải về tận bản Đỉnh Sơn nơi em sinh sống để tìm hiểu. Hóa ra, trong những tháng hè, em phải cùng bố mẹ vào rừng canh rẫy. Chặng đường từ rẫy về nhà khá xa nên mỗi chuyến đi như vậy thường kéo dài hàng tháng. Biết chuyện, ngay lập tức cô cùng các đồng nghiệp đã tìm đường vào với em. Vượt quãng đường đồi dốc gần 3 tiếng đồng hồ, hình ảnh cô học trò bé nhỏ, mặt mũi lấm lem đã thôi thúc cô phải làm điều gì đó để kéo em về với sự học.

Một tiết học của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Kiệm. Ảnh nhân vật cung cấp

Một tiết học của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Kiệm. Ảnh nhân vật cung cấp

Và rồi cô quyết định thuyết phục bố mẹ Ngọc để đưa em về ở cùng mình. Cho dù, thời điểm đó cô còn có hai con nhỏ, cả gia đình phải sống trong căn nhà trọ đầy thiếu thốn. Nhưng cô biết, nếu mình không hành động, có thể em sẽ mất đi tương lai.

Đón học trò về, cô chăm sóc cho em bữa ăn, giấc ngủ, kèm cặp từng bài Toán, bài Văn. Để rồi sau đó, em đã vững vàng đạt kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Bước ngoặt này đã giúp em có thêm động lực để khơi dậy khát khao học tập và hoàn thành tốt các cấp học tiếp theo. Sau khi tốt nghiệp tiểu học và bước vào những môi trường mới, dù không còn được ở cạnh nhưng cô vẫn là chỗ dựa tinh thần cho em trước những phút yếu lòng hay lúc phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Long (sinh năm 1977, áo vàng) sinh ra tại mảnh đất Thanh Chương nhưng gắn bó với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Kiệm kể từ năm 2005. Ảnh nhân vật cung cấp

Cô Nguyễn Thị Long (sinh năm 1977, áo vàng) sinh ra tại mảnh đất Thanh Chương nhưng gắn bó với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Kiệm kể từ năm 2005. Ảnh nhân vật cung cấp

Những hoàn cảnh như Ngọc quả thật không hiếm dưới mái Trường Tiểu học Hữu Kiệm - ngôi trường có 6 điểm trường đứng chân trên các vùng bản của xã. Trường có gần 430 học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và đồng bào Khơ mú. Trong đó có hơn 100 con em của đồng bào Khơ mú phải ở lại bán trú tại trường do địa hình cách trở, chỉ có thể về thăm nhà vào dịp cuối tuần. Tuổi nhỏ, lại xa nhà nên đối với các em, thầy, cô giáo như người bố, người mẹ để dựa vào trong những năm tháng tuổi thơ.

Để gần gũi với học sinh và phụ huynh, thầy cô trong trường phải cùng nhau học tiếng Thái và tiếng Khơ mú, đồng thời giúp đỡ các em học sinh đồng bào dân tộc có thể sử dụng thành thạo tiếng phổ thông trước khi bước vào các cấp học cao hơn. Tâm huyết với điều này, cô Long đã có sáng kiến kinh nghiệm "Giúp học sinh Khơ mú phát âm chuẩn tiếng phổ thông". Sáng kiến này sau đó được đánh giá cao và ứng dụng nhiều vào thực tiễn giảng dạy tại trường. Với nhiều sáng tạo trong chuyên môn, năm 2012, cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi Quốc gia. Nhiều năm liên tiếp, cô giữ vững danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Vừa qua, cô Nguyễn Thị Long cũng là một trong 91 nhà giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong giai đoạn 1982-2022 của Nghệ An được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Đó thực sự là niềm tự hào lớn đối với một giáo viên công tác trên địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Sau nhiều năm cống hiến và nỗ lực, cô Nguyễn Thị Long đã được các cấp, ngành ghi nhận và trao tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen ý nghĩa. Ảnh nhân vật cung cấp

Sau nhiều năm cống hiến và nỗ lực, cô Nguyễn Thị Long đã được các cấp, ngành ghi nhận và trao tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen ý nghĩa. Ảnh nhân vật cung cấp

Trăn trở sau những chuyến đò

Với cô Nguyễn Thị Long, Lương Thị Phươn có lẽ là cái tên gợi nhắc nhiều tiếc nuối nhất sau 18 năm gắn bó với bục giảng. Cô kể, Phươn sinh cùng năm, học cùng lớp với Moong Thị Ngọc. Tuy nhiên, cuộc đời em không có được cái kết đẹp như Ngọc mà chịu nhiều trắc trở bởi gia đình muốn em nghỉ học sớm để kết hôn và theo chồng sang Trung Quốc.

Từ khi em đi lấy chồng biệt xứ, cô Long không nguôi thổn thức khi nhớ về cô học trò ngoan hiền. Dù còn bé nhưng em luôn biết cách ứng xử, biết cách đem lại niềm vui cho những người xung quanh. Ngày em theo chồng về Trung Quốc, cũng là ngày cô Long khóc rất nhiều.

Sau nhiều năm mất liên lạc thì một niềm vui lớn đã đến với cô vào năm 2021, khi qua các trang mạng xã hội, Phươn đã liên hệ về với cô. Biết được học trò còn khỏe mạnh, cô đã rất hạnh phúc. Vậy nhưng, nỗi niềm hạnh phúc ấy không thể ngăn cô thôi tiếc nuối, vì đã không giữ được em lại với sự học, và tiếc cho tương lai của em.

Nhắc nhớ về cô học trò Lương Thị Phươn, cô Long đã không kìm được những giọt nước mắt. Ảnh: Thanh Quỳnh

Nhắc nhớ về cô học trò Lương Thị Phươn, cô Long đã không kìm được những giọt nước mắt. Ảnh: Thanh Quỳnh

"Đồng bào Khơ mú sống dựa vào rừng nên có những chuyến đi rẫy kéo dài hàng tháng. Cái nghèo, cái khó bó chặt suy nghĩ nên không mấy ai quan tâm đến việc học hành của con cái. Cái ăn không đủ, quần áo thiếu thốn, sách vở cũng không nên nhiều lúc thầy cô phải dùng đến những đồng tiết kiệm ít ỏi của mình để hỗ trợ các em. Giờ đây, xã hội đã phát triển, các em đã được các cấp, ngành và các nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nhưng để xóa nhòa được khoảng cách không phải là điều dễ dàng. Đó cũng chính là nỗi trăn trở của những nhà giáo nơi đây", cô Long bộc bạch.

Cô Nguyễn Thị Long và những người đồng nghiệp vẫn đang nỗ lực từng ngày để đưa con chữ tới gần hơn với các em học sinh. Dù rằng, vẫn còn nhiều vất vả và khó khăn ở trước mắt, nhưng trong họ vẫn luôn mang một niềm yêu nghề vô bờ bến, giống như lời cô Long chia sẻ: "Chúng tôi luôn động viên các học trò của mình rằng, hãy yên tâm học tập, bởi phía sau các em luôn có các cô, thầy!"

Tin mới