Người Mông bán đào đá kiếm hàng chục triệu trước Tết

(Baonghean.vn) - Những ngày cận Tết, các xe ô tô chở hàng luôn đầy ắp những chuyến đào đá từ vùng cao về xuôi, nhờ vậy người dân vùng cao mỗi ngày có thể kiếm được hàng chục triệu đồng từ việc bán đào.

Dọc tuyến đường từ thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) vào đến các xã vùng cao Huồi Tụ, Mường Lống, Nậm Cắn, Na Ngoi... những ngày này nhộn nhịp người và xe qua lại. Các xe tải chở đầy đào tấp nập về xuôi. Người buôn đào lên đây “cắm chốt” từ những ngày giữa tháng 12 (âm lịch) để thu mua các sản vật vùng cao của bà con. Nhưng món hàng được giá nhất và có lãi “khủng” nhất vẫn là đào đá.

Những ngày này, khắp các ngả đường vùng cao tấp nập cảnh mua bán đào rừng. Ảnh: Đào Thọ
Những ngày này, khắp các ngả đường vùng cao tấp nập cảnh mua bán đào rừng. Ảnh: Đào Thọ

Một thương lái cho hay: “Năm nay những vùng có thời tiết ấm thì đào đều nở sớm do có 2 tháng nhuận. Ngược lại ở các tỉnh nổi tiếng về đào đá ở miền Bắc thì bị băng tuyết bao phủ, đào rất khó nở hoa nên mặt hàng này ở Nghệ An có giá cao ngất ngưởng”.

Cành đào đá này được người dân xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) bán cho thương lái với giá 10 triệu đồng. Ảnh: Đào Thọ
Cành đào đá này được người dân xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) bán cho thương lái với giá 10 triệu đồng. Ảnh: Đào Thọ

Cũng theo thương lái này, năm nay muốn mua được nhiều đào cánh nhà buôn phải thuê người trực sẵn ở các cung đường ở bản. Hễ thấy người dân mang đào từ rẫy xuống là lấy luôn, nếu không nhanh tay thì sẽ bị người khác mua mất. Giá đào vì thế cũng không thống nhất giữa người buôn với nhau. Vì thế, có cành vừa mua xong giá 1 triệu thì có người đến trả 3-4 triệu. Những ngày may mắn có thể kiếm được chục triệu tiền lãi là chuyện bình thường.

Người dân vùng cao lên rừng lấy đào về bán. Ảnh: Đào Thọ
Người dân vùng cao lên rừng lấy đào về bán. Ảnh: Đào Thọ

Những người buôn bán đào tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn) còn kể lại câu chuyện cành đào khủng giá trăm triệu vừa được bán ngày 3/2 vừa qua. Sáng hôm đó, có người mua được một cành đào khủng từ bên kia nước bạn Lào với giá 80 triệu. Theo đánh giá của những người có mặt, từ trước đến nay, lần đầu họ thấy được một cành đào đá đẹp như vậy. Vừa đưa qua khỏi cửa khẩu có người đến trả ngay 100 triệu nhưng chủ nhân nhất quyết không bán.

Không chỉ có dân buôn, những ngày này, người dân trên các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Nậm Cắn, Na Ngoi, Tây Sơn...cũng tấp nập lên rừng vào rẫy chặt đào về bán. Ông Già Bá Thù trú ở bản Buộc Mú 1 (xã Na Ngoi) cho biết: Tuy mới lên rẫy chặt đào về bán hai hôm nay nhưng cũng kiếm được hơn chục triệu rồi. Cành vừa và nhỏ mang về dễ hơn nhưng giá cũng chỉ độ dăm trăm trở lại, cành lớn đẹp cả thế, hoa và độ mốc thì có thể bán được dăm ba triệu hay chục triệu.

Giá gốc của cành đào này là 20 triệu đồng. Khi về xuôi, thương lái có thể bán cao gấp 2-3 lần. Ảnh: Đào Thọ
Giá gốc của cành đào này là 20 triệu đồng. Khi về xuôi, thương lái có thể bán cao gấp 2-3 lần. Ảnh: Đào Thọ

Ông Già Bá Thù kể, cách đây hơn 10 năm, đường vào đây chỉ là đường đất, ô tô chẳng thể nào đến nơi được nên những rẫy đào người dân trồng chỉ để lấy quả là chính. Đến mùa, đào đầy rẫy trên nương, nở hoa đỏ thắm cả một vùng đồi. Những cành đào được hấp thụ không khí lạnh của vùng cao lên rêu mốc từ gốc đến ngọn. Cứ mỗi năm chặt đi, người ta lại trồng thêm nhiều cây con mới để 3-4 năm sau cho quả. Nếu muốn lấy cành thì cần tới 5 năm trở lên, chính vì thế dù hàng năm có chặt nhiều nhưng nguồn đào vẫn không cạn.

Ở trung tâm bản Phù Khả 1 và Phù Khả 2 từ sáng đến tối người dân liên tục đưa đào từ rẫy về đặt hai bên đường. Họ cắt cử từng người trong gia đình đứng bán, còn một số khác tiếp tục lên rừng lấy đào. “Chẳng hiểu năm nay tại sao người ta lại đổ xô đi mua đào nhiều như vậy. Thấy họ mua nhiều thì dân bản cũng chặt về bán thôi. Mỗi cành mình đều ghi giá sẵn đó rồi, không phải mất công trả giá nữa” - Anh Vừ Bá Thắng ở bản Phù Khả 1 cho hay. Hàng chục cành đào của anh dựng sẵn đều có giá từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng.

Những người bán đào dán giá ngay tại cành để người mua lựa chọn. Ảnh: Đào Thọ
Những người bán đào dán giá ngay tại cành để người mua lựa chọn. Ảnh: Đào Thọ

Xung quanh nhà và trên nương rẫy của Vừ Bá Thắng trồng đầy hoa đào. Anh bảo, trước đây, ở các bản của người Mông, cây đào sinh sôi phát triển mạnh nhưng không ai biết dựa vào thế mạnh đó để phát triển kinh tế mà chỉ đơn thuần là để lấy quả ăn. Nhận thấy cứ dịp cuối năm, những người dưới xuôi thường lên vùng biên giới lấy đào về chơi tết nên năm 2007, anh trồng hơn 500 gốc đào.

Mỗi năm, anh đều chăm bón, tỉa cành nên đào phát triển nhanh chóng. Sau 5 năm, những gốc đào anh Thắng trồng đã phát huy hiệu quả. Mỗi dịp Tết anh thu nhập trung bình trên 30 triệu đồng từ bán đào. Bán xong, ra năm anh lại tiếp tục trồng để năm nào cũng có đào cung cấp cho người miền xuôi. Anh cũng không ngờ khi mọi người lại thích chơi loại đào có rêu mốc trồng trên rừng đến thế.

Xe chở đào rừng tấp nập về xuôi. Ảnh: Đào Thọ
Xe chở đào rừng tấp nập về xuôi. Ảnh: Đào Thọ

Được biết, nắm bắt nhu cầu chơi đào Tết của người miền xuôi, những năm gần đây các bản làng người Mông ở huyện Kỳ Sơn, Quế Phong đã trồng đào trong vườn nhà, nương rẫy bán trong dịp Tết. Và những ngày qua, mỗi ngày đều có hàng chục chuyến xe tải chở đào về xuôi. Điều này đã giúp cho nhiều hộ dân trồng đào có nguồn thu hàng chục triệu đồng/ngày.

Các thương lái cũng nhờ đào mà thu lãi khủng.

Tin mới