Người nghệ sỹ sông Bùng

(Baonghean.vn) - Không biết từ bao giờ, chiếc đàn bầu, đàn nhị và đàn nguyệt đã gắn bó với ông Nguyễn Đình Túc như máu thịt. Niềm say mê và tâm huyết với nhạc cụ dân tộc đã giúp ông có thêm nguồn vui và những người bạn mới, được người dân quê hương tôn vinh là “Nghệ sỹ sông Bùng”. ​
Ban đêm, không ít người ở các thôn xóm trung tâm xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) thường có thói quen tìm đến nhà ông Nguyễn Đình Túc để thưởng thức tiếng đàn bầu cho vơi đi những nhọc nhằn, lo toan sau một ngày mưu sinh vất vả. Tiếng đàn đã giúp những người khách tạm quên đi những ồn ã giữa cuộc đời, tâm hồn trở nên thư thái, tình nghĩa xóm làng cũng thêm bền chặt...

“Tôi vẫn còn nhớ, 10 tuổi mình đã làm quen với cây sáo; 12 tuổi chơi thuần thục đàn nhị, măng-đô-lin và ắc-mô-ni-ca. Lớn thêm chút nữa học chơi đàn bầu và chẳng mấy chốc đã thành thạo, rồi trở thành “nhạc công” của đội văn nghệ lớp, trường, thôn, xã và huyện. Cũng từ đó, những chiếc đàn trở thành những người bạn, theo bước chân quân ngũ và hành trình mưu sinh giữa cuộc sống đời thường” - ông Nguyễn Đình Túc mở đầu cuộc chuyện trò.

Bộ sưu tập nhạc cụ của nghệ nhân Nguyễn Đình Túc. Ảnh: Công Kiên
Bộ sưu tập nhạc cụ của nghệ nhân Nguyễn Đình Túc. Ảnh: Công Kiên

Ông sinh ra và lớn lên bên dòng sông Bùng thơ mộng, tuổi thơ gắn với những ngày tháng chơi đùa và tắm mát giữa dòng sông, được đón nhận ngọn gió mát lành thổi vào từ mặt biển. Có lẽ vì thế mà tâm hồn luôn rộng mở để đón nhận những thanh âm của thiên nhiên và cuộc sống làng quê thôn dã. Ông lại có thêm may mắn là được sinh ra trong một gia đình yêu ca hát, người mẹ của ông từng nổi tiếng khắp vùng bởi tài ứng đối trong hát dân ca Nghệ Tĩnh.

Người cậu ruột lại có tài sử dụng đàn bầu, đàn nhị và sáo, lúc còn bé tí ông Túc suốt ngày theo cậu để được thưởng thức những giai điệu trong trẻo, mượt mà; được học hát những làn điệu dân ca xứ Nghệ sâu lắng. Niềm đam mê ca hát, đam mê tiếng đàn được nhen nhóm và bắt nguồn từ đó, để rồi trở thành “món nợ” với cuộc đời.

Nghệ nhân Nguyễn Đình Túc bên chiếc đàn bầu
Nghệ nhân Nguyễn Đình Túc bên chiếc đàn bầu. Ảnh: Công Kiên

Trên  tường nhà, ông Túc dành một góc khá trang trọng để treo các loại nhạc cụ mình yêu thích, không chỉ để khẳng định niềm đam mê, mà còn thể hiện sự ngưỡng vọng và tôn kính những giá trị truyền thống mà người xưa. Hồi cấp 3, Nguyễn Đình Túc là cậu học trò khôi ngô, tuấn tú, hát hay, đàn giỏi, là thành viên của đội văn nghệ trường.  

Rời ghế nhà trường, năm 1974, chàng trai ấy giã từ gia đình để vào quân ngũ, trở thành người lính đặc công hoạt động ở rừng Sác huyền thoại. Hành trang mang theo không thể thiếu được chiếc sáo, rồi vào chiến trường tìm nguyên liệu để chế tác đàn bầu. Giờ phút nghỉ ngơi sau những trận chiến đấu, chàng trai của sông Bùng lại đưa cây sáo hay lấy ra chiếc đàn bầu để cất lên những giai điệu thiết tha và sâu lắng, để tạm quên đi những hiểm nguy đang rập rình.

Niềm vinh dự của Nguyễn Đình Túc là được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cùng đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn. Nhớ nhất là trong bữa tiệc liên hoan mừng ngày giải phóng và thống nhất đất nước, tiếng đàn bầu của người lính trẻ đến từ quê hương xứ Nghệ cất lên khiến bà con miền Nam đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Nghệ nhân Nguyễn Đình Túc dành một góc khá trang trọng để treo các loại nhạc cụ
Nghệ nhân Nguyễn Đình Túc dành một góc khá trang trọng để treo các loại nhạc cụ. Ảnh: Công Kiên

“Lúc đầu, bà con trong đó không thể ngờ rằng chỉ với một sợi dây gắn vào chiếc bầu đơn sơ lại có được chuỗi thanh âm diệu kỳ đến vậy. Khi tiếng đàn ngân lên, tiếng nói cười bỗng dừng lại, tất cả mọi người như được trở về với những năm tháng hồn nhiên và vô tư, được tắm gội trong dòng sông hoài niệm” – ông Túc hào hứng kể lại.

Năm 1981, ông Nguyễn Đình Túc rời quân ngũ, về quê làm nghề thợ hàn và sửa chữa xe đạp. Sau những buổi tất bật kiếm sống, người đàn ông ấy lại mang đàn bầu ra bờ sông gửi nỗi niềm với con nước và ngọn gió. Ở đó, ông như được tìm về với những năm tháng tuổi thơ, với khúc đồng dao và những trưa hè vô tư bơi lội.

Dẫu cuộc đời lúc thăng, lúc trầm, việc mưu sinh lúc thuận lợi, lúc khó khăn nhưng với ông Túc tình yêu với cây đàn, cây sáo không bao giờ thay đổi. Không có điều kiện học hành chính quy và bài bản, ông dành thời gian tự học qua sách báo, ti vi và tìm đến những nghệ nhân ở khắp các làng quê. Mỗi khi chương trình truyền hình có tiết mục độc tấu nhạc cụ dân tộc thể nào ông cũng đón xem bằng được.

Xem nghệ nhân Nguyễn Đình Túc chơi một số nhạc cụ dân tộc

Ông dõi theo từng cử chỉ của người nghệ sỹ đang biểu diễn để học thêm được những bí quyết mới, để tiếng đàn, tiếng sáo ngày càng thêm độ nhuyễn và độ tinh.

Với năng khiếu và niềm đam mê sẵn có, ông Túc luôn có mặt trong đội văn nghệ quần chúng của xã và huyện tham gia các kỳ liên hoan và hội thi văn hóa – văn nghệ với vai trò là một nhạc công. Ngoài việc đóng góp thành tích chung cho đoàn, ông cũng đã giành cho mình được những giải thưởng đáng tự hào cho tiết mục độc tấu đàn bầu.

Đó là giải A Hội diễn Tiếng hát Làng Sen năm 2006; Huy chương vàng tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang toàn tỉnh năm 2006; Huy chương bạc tại hội diễn nghệ thuật quần chúng Quân khu 4 năm 2007; giải A tại hội diễn Công đoàn tỉnh...

Bên cạnh đó, ông từng được tham gia đệm nhạc cho chương trình Đàn và hát dân ca ví – giặm trên Đài tiếng nói Việt Nam (2008). Và tại các buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ ở các xã trong vùng gần như không lúc nào vắng tiếng đàn, tiếng sáo của “Nghệ sỹ sông Bùng” đệm cho các tiết mục dân ca ví – giặm.

Ông Túc cho biết thêm, ngoài đàn bầu và sáo, ông còn chơi thuần thục cả đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tam và đàn tứ. Đàn bầu luôn được ưu tiên số một, tiếp đến là đàn nguyệt và sáo. “Có người ví chơi đàn bầu tay phải cầm que gẩy là “cha sinh” ra âm thanh, tay trái là “mẹ dưỡng” âm thanh, tôi thấy sự ví von này rất có lý” – ông Túc chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Đình Túc (thứ 2, trái sang) tham gia đệm đàn tại buổi giao lưu các CLB Dân ca huyện Diễn Châu
Nghệ nhân Nguyễn Đình Túc (thứ 2, trái sang) tham gia đệm đàn tại buổi giao lưu các CLB Dân ca huyện Diễn Châu. Ảnh: Công Kiên

Bởi việc gảy đàn bầu đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt, với tay phải gảy đàn, phải biết đặt que gảy đúng vị trí trên lòng bàn tay và giữa các ngón tay, gảy đúng điểm mới có nguồn âm thanh đúng chuẩn. Còn với tay trái trên cần đàn và dây đàn, đòi hỏi thao tác phải chuẩn xác theo quy định về ngón rung, ngón vỗ, ngón vuốt, ngón luyến và ngón tạo tiếng chuông.

Cảm phục niềm đam mê và tài năng của ông Nguyễn Đình Túc, nhiều người đã tìm đến nhà để được ông hướng dẫn kỹ thuật sử dụng nhạc cụ dân tộc, nhất là đàn bầu. Đến nay, ông đã truyền dạy cho 15 người biết chơi đàn bầu thành thạo, trở thành hạt nhân của phong trào văn hóa quần chúng ở địa phương.

Khi viết những dòng này, chúng tôi nhận được tin vui, ông Nguyễn Đình Túc đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây chính là một phần thưởng xứng đáng, ghi nhận những đóng góp của ông – “Nghệ sỹ bên Bùng” với việc bảo tồn và phát huy bản sắc âm nhạc dân tộc.

Tin mới