'Người tiên phong' phát triển kinh tế ở Cẩm Hòa

(Baonghean.vn) - Là giáo dân thuộc giáo xứ Đồng Lam, anh Lang Duy Chung ở thôn Cẩm Hòa, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) là một trong những người “đi đầu” trong phong trào thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế.

Vừa rảo bước giữa đồi chè, anh Lang Duy Chung vừa kể: “Trước đây, gia đình tôi cũng như hầu hết các hộ ở Cẩm Hòa, cuộc sống vất vả lắm, thu nhập chỉ trông vào bãi bồi ven sông và một ít ruộng trong hốc chọ, hầu như năm nào cũng bị ngập lụt, nguồn thu nhập rất bấp bênh.

Từ năm 2006 bắt đầu thí điểm trồng chè, ban đầu chỉ 6 hộ tham gia, về sau thấy cây chè mang lại hiệu quả kinh tế nên diện tích được nhân rộng, nay tổng diện tích cả thôn có trên 110 ha, đời sống cũng được cải thiện đáng kể”.

1.	Anh Lang Duy Chung
 Anh Lang Duy Chung
Gia đình anh Chung thuộc diện trồng chè sớm nhất trong thôn nên có được nguồn thu nhập ổn định, lại tích lũy được nhiều kinh nghiệm về chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Cùng với sự cần cù, chăm chỉ và năng động trong sản xuất, thu nhập của gia đình ngày càng cao. Hiện tại, anh Chung có đồi chè hơn 7 sào, cùng với đó là 5 sào ruộng nước, 3 sào đất bãi...
Ngoài ra, anh còn tổ chức thu gom chè của bà con trong thôn để nhập cho nhà máy, bình quân thu nhập của gia đình anh gần 20 triệu đồng/tháng. Chưa kể 3 ha keo sắp đến kỳ thu hoạch, hứa hẹn có thêm hàng trăm triệu đồng và các loại vật nuôi như trâu, lợn, gà luôn có sẵn trong chuồng.
2.	Anh Lang Duy Chung (trái) kiểm tra chu kỳ sinh trưởng cây chè nguyên liệu của gia đình

 Bà con thôn Cẩm Hòa, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) có nguồn thu nhập ổn định nhờ phát triển trồng chè nguyên liệu.

Thấy anh Lang Duy Chung và những hộ nhận làm thí điểm trồng chè mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều bà con ở thôn Cẩm Hòa cũng đăng ký nhận đất trồng chè. Thời gian đầu do chưa nắm vững kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc nên diện tích chè của nhiều hộ phát triển chậm hoặc bị chết, anh Chung đã tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người.
Làm theo hướng dẫn của anh, cây chè dần phát triển tốt, từng bước có nguồn thu nhập ổn định, ai cũng nhớ đến anh với sự tin tưởng và biết ơn.
Ngoài ra, nếu gia đình nào gặp cảnh túng thiếu hay ốm đau, hoạn nạn, anh Chung sẵn sàng cho vay để kịp thời giải quyết công việc. Khi phát động đóng góp hay ủng hộ phong trào của thôn, xã, anh là người hưởng ứng trước tiên và còn tham gia vận động mọi người cùng chung tay vào cuộc. Vì thế, anh luôn được bà con cũng như Ban quản lý thôn tin tưởng, được bầu là Ủy viên Ủy ban MTTQ xã.
2.	Anh Lang Duy Chung (trái) kiểm tra chu kỳ sinh trưởng cây chè nguyên liệu của gia đình
Anh Lang Duy Chung (trái) kiểm tra chu kỳ sinh trưởng cây chè nguyên liệu của gia đình
Vợ chồng anh Lang Duy Chung có 5 người con, tất cả đều được bố mẹ nuôi ăn học. Đầu năm 2019 này, con trai thứ hai là Lang Duy Kha đã đăng ký lên đường làm nghĩa vụ quân sự. “Vừa học xong THPT, nó xin bố mẹ vào miền Nam làm ăn, tôi động viên rằng con còn trẻ, cần thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, vào quân ngũ để vừa rèn luyện sức khỏe và bản lĩnh của mình” - anh Chung chia sẻ.
Thôn Cẩm Hòa hiện có 147 hộ, trong đó 14 hộ theo đạo Thiên Chúa, lâu nay, bà con lương, giáo ở đây luôn đoàn kết một lòng, cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, góp phần xây dựng quê hương. Nhờ đó, năm 2015 thôn Cẩm Hòa cùng xã Cẩm Sơn đã về đích nông thôn mới, ghi nhận sự nỗ lực của bà con ở một thôn thuộc huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn.
4.	Cuộc sống ở Cẩm Hòa, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) đã có nhiều khởi sắc
Cuộc sống ở Cẩm Hòa, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) đã có nhiều khởi sắc.

Tin mới