Người uy tín ở Tam Bông làm kinh tế giỏi nhờ 'bám rừng'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Ông Kha Văn Toàn ở bản Tam Bông, xã Tam Quang (Tương Dương) luôn là tấm gương sáng trong các phong trào và giỏi làm kinh tế ngay trên mảnh đất của quê hương. Ông được dân bản bầu là người có uy tín.

Nghỉ hưu, không nghỉ việc

Đến bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, hỏi nhà ông Kha Văn Toàn, ai cũng biết và nhiệt tình chỉ lối, bởi ông không những làm kinh tế giỏi mà còn là người có uy tín trong bản.

Ông Kha Văn Toàn (người mặc áo sọc) cho biết, vườn mét cứ 2 năm thu hoạch một lứa, thu về hàng chục triệu đồng. Ảnh: Q.An
Ông Kha Văn Toàn (người mặc áo sọc) cho biết, vườn mét cứ 2 năm thu hoạch một lứa, thu về hàng chục triệu đồng. Ảnh: Q.An

Mở đầu câu chuyện, ông Kha Văn Toàn hồ hởi cho biết, ông là người đồng bào Thái bản địa. Trước đây, kinh tế gia đình gặp không ít khó khăn, song nhờ tích cực lao động và học hỏi các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi do ngành nông nghiệp tổ chức, cùng sự nỗ lực vượt khó của bản thân và gia đình, đến nay ông đã làm chủ khu đồi và được đánh giá là “triệu phú ở rẻo cao”.

Ông Toàn kể, gia đình có gần 11 ha đất rừng, trong suốt thời gian còn là cán bộ địa phương, những lúc nhàn rỗi, ông tích cực trồng mét, keo… Do vậy, năm 2020, nghỉ hưu ở tuổi 60, sau 38 năm tham gia công tác tại địa phương, ông đã có một vườn mét 8ha khép kín, cùng 1,5ha keo và 1,2ha cỏ voi. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện bảo vệ, chăm sóc nên các loại cây trồng thường bị gia súc phá hại.

Nhờ trồng được nhiều cỏ voi nên đàn bò của gia đình ông Kha Văn Toàn phát triển tốt. Ảnh: Q.An
Nhờ trồng được nhiều cỏ voi nên đàn bò của gia đình ông Kha Văn Toàn phát triển tốt. Ảnh: Q.An

Với phương châm "nghỉ hưu, không nghỉ việc", ông tận dụng cây rừng, mua dây thép gai, huy động nhân lực rào chắn cẩn thận, nhờ đó các loại cây trồng phát triển tốt. Song song với việc trồng rừng, ông Toàn còn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản với 8 con bò cái sinh sản. Nhờ tận dụng diện tích đất chân đồi để trồng cỏ voi, làm thức ăn bổ sung cho bò, nên đàn bò sinh trưởng tốt.

“Thấy rừng mét của gia đình phát triển nhanh, cây to đều tăm tắp, nhiều hộ dân trong bản đến học hỏi cách trồng và chăm sóc; đồng thời xin giống cỏ về trồng để chăn nuôi bò. Tôi sẵn sàng giúp đỡ tận tình, do đó hiện nay trong bản đã có nhiều hộ trồng được rừng mét đẹp và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi trâu, bò”, ông Toàn cho hay.

Trong vườn nhà, ông Kha Văn Toàn còn tận dụng 400m2 đào ao thả cá, thu về hàng chục triệu đồng vào dịp cuối năm. Ảnh: Q.An
Trong vườn nhà, ông Kha Văn Toàn còn tận dụng 400m2 đào ao thả cá, thu về hàng chục triệu đồng vào dịp cuối năm. Ảnh: Q.An

“Có chí ắt làm nên” cộng với tư duy kinh tế thị trường, từ năm 2020 đến nay, cứ 2 năm gia đình tiến hành thu hoạch một lứa mét với số lượng hàng nghìn cây, đàn bò mỗi năm xuất bán từ 4 – 5 con bê, chưa kể mỗi năm đánh bắt được hàng tạ cá thịt trong ao, thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Từ nguồn vốn tích lũy trong sản xuất, ngoài mua sắm đồ dùng trong gia đình, ông Toàn đầu tư lắp đặt đường ống dẫn nước từ khe, suối về phục vụ nuôi cá và chăm sóc cây trồng. Vào mùa hè khô nóng, nguồn nước sinh hoạt thường khó khăn, nhiều gia đình trong bản không có nước sinh hoạt, ông tạo điều kiện cho bà con lấy nước từ đường ống về sử dụng.

Để dân tin, mình phải gương mẫu

Ông Kha Văn Toàn chia sẻ: “Để nhân dân tin vào lời nói của mình, bản thân phải tiên phong, gương mẫu làm trước. Mọi người thấy việc làm của mình thiết thực, hiệu quả thì sẽ tin tưởng và làm theo. Những vấn đề người dân không hiểu, phải kiên trì, nhẫn nại, giải thích tường tận để người dân hiểu. Có như vậy mọi việc trong bản đều được giải quyết một cách khéo léo, hợp tình hợp lý”.

Có điều kiện kinh tế, gia đình ông Kha Văn Toàn xây dựng được ngôi nhà sàn truyền thống và mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt khác, tạo nên cuộc sống no đủ trên vùng rẻo cao. Ảnh: Q.An
Có điều kiện kinh tế, gia đình ông Kha Văn Toàn xây dựng được ngôi nhà sàn truyền thống và mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt khác, tạo nên cuộc sống no đủ trên vùng rẻo cao. Ảnh: Q.An

Là người hiểu biết các chính sách của Đảng, Nhà nước, ông Kha Văn Toàn còn tích cực vận động bà con trong bản tích cực chung tay thực hiện xây dựng nông thôn mới, cũng như các cuộc vận động khác; phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; là địa chỉ cho các hộ dân, đặc biệt là có hoàn cảnh khó khăn trong bản học hỏi cách làm kinh tế.

Bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: Ông Kha Văn Toàn từng là thợ điện của bản, trưởng bản, rồi lên xã làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, Phó Bí Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã. Dù ở vị trí công tác nào ông Toàn cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Không chỉ là tấm gương sáng nhiệt huyết với công việc của tập thể, ông Toàn còn tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế và trở thành hộ có thu nhập cao của xã Tam Quang. Ông xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người trong bản, xã học tập và làm theo, hiện tại ông là người có uy tín ở bản Tam Bông.

Tin mới