Người Việt ngày càng 'chi bạo' cho du lịch

Dịch vụ du lịch là sản phẩm đứng hàng thứ 4 trong top các nhóm sản phẩm được người Việt Nam chi tiêu nhiều nhất trên thương mại điện tử.

Việc đi du lịch tại Đông Nam Á của người Việt giờ đã khá phổ biến, không chỉ với những cư dân tại TP HCM hay Hà Nội. Cách đây ít ngày, AirAsia bất ngờ tuyên bố sẽ mở đường bay nối Nha Trang với Kuala Lumpur với tần suất hàng ngày từ giữa tháng 9 tới. Lãnh đạo hãng này lạc quan rằng người dân Khách Hòa cũng sẽ hào hứng với các điểm đến của Malaysia.

Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, có khoảng 6,5 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài vào năm ngoái, tăng khoảng 15% so với năm 2015. Và số này đã chi tiêu đến 7- 8 tỷ đôla. Tăng trưởng du lịch nội địa cũng không kém. Sáu tháng đầu năm, khách du lịch nội địa cả nước đạt 40,7 triệu lượt, tăng đến 25% so với cùng kỳ 2016 với 32,4 triệu lượt.

Thu nhập tăng là lý do chính. Nhưng theo các chuyên gia, lý do thứ hai khiến người Việt ngày càng chịu chi hơn cho du lịch chính là internet. Từ tiếp thị đến kinh doanh, các doanh nghiệp tham gia trong ngành du lịch đang tận dụng tối đa "cơn nghiện" internet và smartphone của người Việt để kích thích nhu cầu đi du lịch.

Internet và smarphone đang góp phần kích thích nhu cầu chi tiêu cho du lịch của người Việt. Ảnh: VNE
Internet và smarphone đang góp phần kích thích nhu cầu chi tiêu cho du lịch của người Việt. Ảnh: VNE

Bà Lê Tú, đại diện Google Asia Pacific dẫn số liệu của Google cho biết, 90% người dùng smartphone tại Việt Nam có độ tuổi từ 30 trở xuống, và có đến 40% người dùng có đến 2 chiếc điện thoại di động. Mỗi ngày, trung bình người Việt kiểm tra điện thoại đến 150 lần.

Mức độ tìm kiếm thông tin du lịch của người Việt còn đáng kinh ngạc hơn. 48% người dùng smartphone có tìm kiếm thông tin về khách sạn, 42% tìm thông tin về các chuyến bay. Ở Mỹ, tỷ lệ này cũng chỉ dừng lại ở con số 18% cho cả hai.

Không chỉ tìm, người Việt còn chi thật cho du lịch qua internet. Theo khảo sát của Nielsen, dịch vụ du lịch là sản phẩm đứng hàng thứ 4 trong top các nhóm sản phẩm được người Việt Nam chi tiêu nhiều nhất trên thương mại điện tử, sau thời trang, sản phẩm giải trí và mỹ phẩm.

Tăng cường khai thác mạng xã hội, tăng chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến và sáng tạo ra các mô hình du lịch mới… chính là các cách mà hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước đang áp dụng để tạo và khai thác cơn "thèm" du lịch của người Việt qua internet.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2017, cụm từ “du lịch trải nghiệm” xuất hiện đến hơn 670.000 lần trên các diễn đàn, trang mạng xã hội. Hiệu ứng này được tạo ra bởi các bộ phim điện ảnh trước đó như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" hay "Kong: Đảo đầu lâu".

Các chiến dịch quảng bá loại hình homestay của các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ và sự hoạt động mạnh mẽ của các KOL (những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng) du lịch với hậu thuẫn là các hãng bay, resort hay công ty lữ hành… cũng góp phần đáng kể vào hiệu ứng này.

Thị trường sôi nổi, béo bở song cũng lắm cạnh tranh. Với tính thuận tiện của thương mại điện tử, các đơn vị làm du lịch nội địa hiện chịu sức ép khá lớn từ các đơn vị nước ngoài.

“Đối với du lịch, cơ hội chúng ta tiếp cận ra thị trường nước ngoài lớn nhưng ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ dành túi tiền của mình để chi cho các dịch vụ ở nước ngoài.

Trong khảo sát của Nielsen, gần một nửa những người đã mua sắm online chọn dịch vụ của nước ngoài. Trong đó, ngành dịch vụ du lịch cũng là ngành đứng vị trí rất cao, xếp thứ 4 trong các ngành mà họ tìm kiếm từ nước ngoài. Chúng ta thấy rằng, túi tiền của người Việt Nam đang bị chia sẻ bởi các đối thủ ngoại”, ông Phạm Thành Công, chuyên gia từ Nielsen Việt Nam cho biết.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

 nhận định.

Tin mới