Người Việt với chuyện vứt rác ở Thụy Sĩ

Để có một đất nước xanh sạch đẹp và lọt vào tốp những nơi đáng sống nhất trên thế giới, Thụy Sĩ đề ra những quy định rất nghiêm khắc trong việc giữ gìn môi trường, từ việc tưởng chừng đơn giản là vứt rác.

[Caption]Buổi sáng thu gom rác các túi rác được để ngay ngắn ven đường chờ xe đến gom.

Buổi sáng diễn ra việc thu gom rác, các túi rác được để ngay ngắn ven đường chờ xe đến mang đi. 

Tại các thành phố thuộc bang Zurich, mỗi tuần người dân chỉ có một buổi mang rác trong nhà ra để trước cửa cho xe chở rác đi gom. Trong các khu nhà chung cư, sẽ có một nơi tập trung rác và mỗi tuần rác sẽ chỉ được dọn một lần.

Rác phải để trong các túi rác do chính quyền thành phố bán. Phường nào chỉ được dùng đúng loại túi của phường đó có màu in riêng biệt với mức giá mỗi nơi có thể khác nhau.

Ví dụ, ở khu tôi ở, giá một túi rác có thể tích 35 lít là 2,3 CHF (50.000 VND). Các loại rác là đồ cũ như thảm, salon, ghế… không để vừa túi thì phải buộc gọn lại, mua tem về dán rồi để trước cửa vào ngày thu gom. Cứ một tem 2,3 CHF dán cho 5 kg.

Mỗi phường có một nơi để vứt các loại rác tái chế và chúng phải được cho vào đúng thùng theo màu quy định. Ví dụ, thùng cho thuỷ tinh phân ra các màu trắng, nâu, xanh, thùng cho nhôm kẽm là màu đỏ và thùng cho vải có chữ Texaid.

[Caption]Nơi thu gom thuỷ tinh, vải, nhôm kẽm ở 1 phường. 2 thùng ngoài cùng là thùng đổ dầu thải công nghiệp và dầu nấu ăn. Các loại dầu này cũng được khuyến cáo không đổ thẳng xuống cống nước thải.

Nơi thu gom thuỷ tinh, vải, nhôm kẽm ở một phường. 2 thùng ngoài cùng bên trái là thùng để đổ dầu thải công nghiệp và dầu nấu ăn. Các loại dầu này cũng được khuyến cáo không đổ thẳng xuống cống nước thải.

Các siêu thị sẽ có chỗ riêng để pin, bóng đèn, chai nhựa, đồ điện cũ… Đồ điện cũ nếu hỏng bạn nên cắt dây, nếu còn dùng được thì nên để trong hộp vì có thể có người tìm đồ mang về dùng.

Ngay cả thời gian vứt rác cũng phải đúng quy định, ví dụ không được vứt rác vào chủ nhật và sau 7 giờ tối vì thuỷ tinh và kim loại gây tiếng ồn.

Thông thường cứ hai tháng có một ngày vứt kim loại (nồi, chảo, giá đồ, xe đạp…), một tháng sẽ có một ngày vứt bìa, vứt giấy báo. Một tuần có một ngày vứt rác hữu cơ (cây, cỏ, thức ăn).

Rác hữu cơ do dễ bốc mùi nên mọi nhà thường đựng trong túi nilon trước khi vứt. Tuy nhiên, túi nilon này phải là túi nilon hữu cơ tiêu huỷ được, có giá khoảng 0,5 CHF cho một túi 9 lít.

[Caption]Một đống giấy được buộc rất ngay ngắn để bên đường chờ thu gom trong ngày vứt giấy

Một đống báo được buộc rất ngay ngắn để bên đường chờ xe đến thu gom trong ngày vứt giấy. 

Nhiều gia đình sát biên giới Đức, Pháp hay sang các nước này mua túi để được giá rẻ, có khi chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba so với giá ở Thụy Sĩ. Một năm chỉ có duy nhất một ngày vứt đồ hoá chất hay đồ chứa chất độc hại như thùng đựng sơn, xăng dầu...

Do việc nhớ ngày vứt rác rất quan trọng nếu không phải đợi đến tuần, tháng, thậm chí nửa năm sau mới được vứt hoặc phải tự chở đến trung tâm xử lý rác xa nhà, nên mỗi nhà phải treo một tờ lịch để đánh dấu ngày nào vứt đồ gì. Tờ lịch này thường được tải về từ trang web của phường. Một số thành phố, chính quyền áp dụng công nghệ gửi tin nhắn vào điện thoại người dân để nhắc ngày vứt rác.

[Caption]Một thùng rác ven đường cũng được thiết kế khá chi tiết: Nắp làm nghiêng để không đọng nước mưa, trong có lót túi ni lông để người thu gom lấy rác dễ dàng, có sẵn 1 loạt túi nhỏ bên cạnh để đựng chất thải của chó nếu dắt chó đi dạo.

Thùng rác ven đường được thiết kế khá chi tiết: nắp nghiêng để không đọng nước mưa, bên trong có lót túi nilon để người thu gom lấy rác dễ dàng, có sẵn một loạt túi nhỏ bên cạnh để đựng chất thải của chó nếu dắt chó đi dạo.

Việc vứt rác xây dựng khá nhiêu khê. Ví dụ, nhà tôi muốn bỏ đi hơn 10 viên gạch lát nền thì đầu tiên phải lái xe đến chỗ quy định, xếp hàng sau cả chục xe khác để được vào đăng ký thứ mà mình muốn vứt. Biển số xe được chụp lại. 

Sau đó, chúng tôi chở rác vào một thùng to để cân. Vứt rác xong, chúng tôi lái xe quay lại chỗ đăng ký và tiếp tục xếp hàng. Nhân viên quản lý sẽ soi camera để đối chiếu biển số, cân nặng thùng trước và sau khi vứt rác rồi tính tiền để in hoá đơn. Tôi vứt hơn 12 viên gạch cũ mất 10 CHF, được khuyến mại tiền cho 2 kg, và mất gần nửa tiếng xếp hàng.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới