Người vô gia cư sống lay lắt trong những ngày thành phố Vinh giãn cách xã hội

(Baonghean.vn) - Đã hơn 1 tháng kể từ khi thành phố Vinh thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, cuộc sống của những người vô gia cư càng trở nên lay lắt, bữa đói bữa no. Họ lang thang, vật vờ nơi đầu đường xó chợ vắng người qua lại, sống nhờ vào các suất cơm từ thiện.

“Ai cho thì có ăn, không ai cho thì nhịn đói”

“Mỗi lần mang các suất ăn tặng những người vô gia cư, ngoài lời cảm ơn thì điều khiến tôi ám ảnh nhiều nhất vẫn là những khuôn mặt tiều tụy, nhem nhuốc cùng lời nói thều thào của họ - ai cho thì có ăn, không ai cho thì nhịn đói” - chị Đặng Thị Lưu ở phường Lê Mao, một người thường xuyên nấu cơm từ thiện cho biết và đưa ra ví dụ về hoàn cảnh đáng thương của cụ Trần Nhật Minh - người sống nhờ các suất cơm từ thiện từ hai năm nay.

Những người vô gia cư ở thành phố Vinh. Ảnh: Hoài Thu
Những người vô gia cư ở thành phố Vinh. Ảnh: Hoài Thu

 Cụ Minh quê ở Hà Tĩnh, năm nay đã 83 tuổi, và đã lang thang không nhà cửa ở TP. Vinh ngót nghét 30 năm. Sau một vụ tai nạn, ông Minh mất hết người thân, bán hết nhà cửa, gia tài để đền bù cho người ta và trở thành người lang thang. Ông Minh từ Hà Tĩnh ra Vinh kiếm sống bằng nghề mài dao kéo thuê. Ban ngày cụ đạp xe đi các chợ trong thành phố Vinh, đêm về tá túc trước các ki-ốt kinh doanh đã đóng cửa ở chợ Cửa Bắc.

Đến nay đã già yếu, cụ Minh hầu như không còn khả năng lao động, lại đau ốm suốt. Hai năm nay, cụ Minh sống nhờ vào các suất cơm từ thiện của nhóm thiện nguyện của chị Đặng Thị Lưu. Rồi nhờ sự kêu gọi của nhóm Xe không đồng lan tỏa trên mạng xã hội, cụ Trần Nhật Minh nhận được sự ủng hộ của một Việt kiều ở Đức mỗi tháng 800 ngàn đồng để thuê một phòng trọ nhỏ trên đường Kim Đồng, phường Hưng Bình giúp cụ có chỗ tá túc, tránh mưa gió. Còn thức ăn thì do nhóm thiện nguyện kêu gọi, cung cấp miễn phí hàng ngày . Hiện nay một phần do cụ tuổi cao sức yếu, một phần do nơi cụ thuê trọ đang bị phong tỏa nên ngày nào nhóm thiện nguyện mang cơm tới thì cụ có cái ăn, không thì phải nhịn đói.

Nhóm thiện nguyện thăm hỏi cụ Trần Nhật Minh. (Ảnh chụp tháng 3/2019)
Nhóm thiện nguyện thăm hỏi cụ Trần Nhật Minh. (Ảnh chụp tháng 3/2019)

Theo thống kê của chị Đặng Thị Lưu, trên địa bàn thành phố Vinh hiện có khoảng 15 người sống không nhà không cửa, lang thang vật vờ ở các con ngõ và một số tuyến đường như Đốc Thiết, Hồ Tùng Mậu, Minh Khai, Trần Phú… Trong số đó, có 10 người không có người thân, không nhà cửa và lang thang kiếm sống ở thành phố Vinh đã hàng chục năm nay như bà Hoàng Thị Thanh, ông Nguyễn Văn Hường...

Bên cạnh đó, có nhiều người địa phương khác đến Vinh tìm việc làm, lao động kiếm tiền nuôi gia đình nhưng bị “mắc kẹt” không về được nhà. Những người này đến từ nhiều vùng quê khác nhau, do thành phố Vinh thực hiện giãn cách xã hội nên họ không có việc làm, cũng không có nhà cửa, không có họ hàng quen biết nên đành đi lang thang, sống nhờ vào các suất cơm từ thiện của cộng đồng.

Những tấm lòng nhân ái

Đã hai năm nay, vợ chồng chị Đặng Thị Lưu - một tiểu thương nhỏ ở phường Lê Mao mỗi buổi chiều về lại nấu những suất cơm từ thiện, đem tặng những người vô gia cư ở thành phố Vinh. “Có khoảng 10 người vô gia cư, số còn lại là lao động tự do, người nghèo khổ. Mỗi ngày tôi nấu khoảng 15 suất cơm tặng cho họ vào cuối mỗi buổi chiều” - chị Lưu cho biết.

Chị Đặng Thị Lưu nấu cơm từ thiện tặng những người vô gia cư ở TP. Vinh. Ảnh nhân vật cung cấp
Chị Đặng Thị Lưu nấu cơm từ thiện tặng những người vô gia cư ở TP. Vinh. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Phan Hùng Sơn, một người làm nghề bốc vác ở chợ Vinh đam mê thiện nguyện với mong mỏi giúp đỡ những mảnh đời nghèo khổ, anh Sơn đã lập nhóm thiện nguyện Xe không đồng, rồi thành lập Quán cơm 2000 đồng bán suất ăn cho bệnh nhân nghèo với giá 2000 đồng/suất. Cùng với chị Đặng Thị Lưu, bằng nhiệt huyết và sự lan tỏa qua mạng xã hội, kêu gọi cộng đồng cùng hỗ trợ người vô gia cư có cơm ăn hàng ngày. “Số tiền các nhà hảo tâm ủng hộ chúng tôi mua thực phẩm nấu cơm, mua quần áo, chăn màn… tặng người vô gia cư. Những lúc không có ai ủng hộ thì tự bỏ tiền túi nấu cơm tặng họ” - anh Sơn cho biết.

Bền bỉ cả năm trời, những tấm lòng thiện nguyện đã giúp các mảnh đời khốn khó ấm bụng, sống qua ngày. “Kể cả đêm 30 Tết chúng tôi vẫn mang cơm tặng người vô gia cư. Ngày nào không có cơm nhà hảo tâm cho thì ngày đó họ nhịn đói. Có người nhịn từ sáng tới tối, khi chúng tôi mang cơm đến tặng thì họ xin 2 suất, vì đói quá. Và thật may là vẫn có những tấm lòng nhân ái quan tâm tới những số phận vô gia cư, có người thì góp bằng tiền, người thì góp bằng công sức” - anh Phan Hùng Sơn chia sẻ.

Anh Phan Hùng Sơn (trái) phát cơm miễn phí cho người vô gia cư trú ngụ ở khu vực vườn hoa cuối đường Minh Khai, TP. Vinh. Ảnh nhân vật cung cấp
Anh Phan Hùng Sơn (trái) phát cơm miễn phí cho người vô gia cư trú ngụ ở khu vực vườn hoa cuối đường Minh Khai, TP. Vinh. Ảnh nhân vật cung cấp

Khi đang tìm hiểu để viết bài này, sáng ngày 29/6, chúng tôi nhận được điện thoại của gia đình hai bạn nhỏ Bin và Bem ở phường Trường Thi tỏ ý muốn tặng 1 triệu đồng cho những người vô gia cư. Đây là số tiền hai bạn tiết kiệm được từ những suất ăn sáng, từ sự chăm chỉ trong học tập. Chúng tôi lập tức được chuyển số tiền đến cho chị Đặng Thị Lưu. Chị Lưu vui mừng cho biết, với số tiền này hơn 10 người vô gia cư có thể được ăn ngon, yên tâm trong khoảng 5 ngày. Vì dịch bệnh, giá cả thực phẩm cũng có tăng so với ngày thường, mỗi ngày nhóm thiện nguyện của vợ chồng chị Lưu nấu 15 suất cơm, mỗi suất chi phí khoảng 25-30 ngàn đồng...

Tin mới