Nguồn gốc 5 món bánh không thể thiếu ngày Noel

(Baonghean.vn) - Noel là ngày lễ của các nước phương Tây được du nhập vào Việt Nam và được đông đảo mọi người hưởng ứng. Ngoài ý nghĩa theo đạo Thiên Chúa, Noel là dịp để mọi người biểu lộ, tạo những kỷ niệm chung dưới mọi hình thức cho nhau. Bằng cách thức riêng của mình, bạn có thể tạo dựng mối liên hệ qua chia sẻ với nhau một bữa ăn chung, một đêm không ngủ, nghe thuật lại một câu chuyện, quây quần bên cạnh cây sa pin Noël… 

Trong bữa ăn chung ấm áp, ngoài những món ăn chính đặc trưng cho ngày Noel như gà tây, đùi heo muối nướng thơm lừng thì cũng không thể nào bỏ qua các món bánh ngọt truyền thống. Hãy cùng tìm hiểu về cội nguồn của những món bánh thêm hương vị nồng ấm cho ngày lễ đặc biệt này.

1. Bánh khúc cây

Tương truyền rằng, người phương Tây vào đêm trước Noel thường phải chặt một khúc cây lớn đem về nhà làm lễ dâng rượu. Khúc cây được đặt trên lò sưởi, rắc thêm dầu, muối, rượu nóng và mọi người bắt đầu cầu nguyện. Người ta cho rằng tiếng lửa kêu lách tách và bột than từ khúc cây đã cháy sẽ bảo vệ ngôi nhà khỏi thiên tai và sự xâm nhập của ma quỷ. Vậy nên vào năm 1875, một người thợ làm bánh người Pháp đã nảy ra sáng kiến làm một chiếc bánh ngọt hình khúc gỗ thay cho khúc gỗ thật.

 

Bánh được làm từ bánh bông lan cuộn kem mềm mại với hương vị và màu sắc đa dạng, nhưng nhìn chung thì đều có một cách trang trí là làm chúng càng giống như khúc gỗ càng tốt!

Bánh khúc cây tuy không phải là món bánh truyền thống của người Việt Nam nhưng nhiều năm gần đây, cứ mỗi độ Giáng sinh về, các loại bánh ngày càng được làm nhiều hơn. Hương vị thơm ngon cùng ý nghĩa của món bánh làm cho không khí những ngày này thêm nhộn nhịp hơn, hấp dẫn hơn.

2. Bánh quy gừng

Tương truyền bánh có nguồn gốc từ Trung Đông rồi theo du nhập vào Châu Âu. Ban đầu, nó được làm từ hạnh nhân, vụn bánh mì cũ, nước hoa hồng, đường và gừng. Đến thế kỷ 16, người Anh đã “cải tiến” công thức bánh bằng cách thay vụn bánh bằng bột, cho thêm trứng và đường phèn. Nhằm thể hiện tình cảm với các chính khách nước ngoài, Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhất đã dày công tìm tòi một loại bánh vừa đơn giản vừa độc đáo. Và bà đã làm ra chiếc bánh quy gừng hình người đầu tiên của nước Anh với ruy-băng đỏ vòng quanh cổ, tượng trưng cho biểu tượng của tình yêu.

 

Sau đó, bắt nguồn từ ý tưởng trong những câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm (trong chuyện cổ tích của Grimm thường xuất hiện chiếc nhà được làm từ các loại bánh kẹo) nên các nghệ nhân Đức đã phát triển chiếc bánh quy gừng thành bánh nhà gừng đẹp mắt.

Thiếu mất bánh quy gừng là thiếu đi hương vị của một ngày lễ Giáng sinh an lành. Những chiếc bánh quy giòn tan với vị gừng ấm áp xua tan đi cái lạnh giá của mùa đông. Bánh có nhiều cách trang trí khác nhau (hình người, tuần lộc, trái tim, bông tuyết, đoàn tàu…) nhưng để đúng với tinh thần trong đêm Noel thì bánh thường đi theo 2 tông chủ đạo là đỏ và trắng với các loại hoa quả như hạt lựu, dâu tây,..

 

Bánh còn được bọn trẻ dùng làm món quà nhỏ tặng ông già Noel. Từ những năm 30, tục lệ tặng bánh cho ông già Noel bắt đầu hình thành. Theo đó, mỗi đứa trẻ sẽ để lại một ít bánh quy và sữa trên bàn vào đêm Giáng sinh như một cử chỉ nhằm bày tỏ sự biết ơn của ông già Noel đã đi một quãng đường xa để tặng quà cho mình.

3. Bánh Pavlova

Là một chiếc bánh được đặt theo tên của một vũ công ballet người Nga – Anna Pavlova khi cô đi lưu diễn ở Úc và New Zealand trong những năm 1920. Hiện nay, người ta vẫn chưa xác định được bánh có nguồn gốc từ Úc hay New Zealand. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ của món bánh này trong lễ Giáng sinh rất cao và trở thành một trong những món ăn không thể thiếu trong lễ Giáng sinh của cả 2 nước.

 

Bánh làm đơn thuần từ lòng trắng trứng đánh bông với đường (mà hỗn hợp này còn được gọi tên riêng là meringue), bên ngoài bánh là lớp vỏ cứng nhưng xốp, bên trong là lớp mashmallow (kẹo dẻo) mềm, hơi dai và trắng muốt. Bánh hay được ăn kèm với kem tươi đánh bông và hoa quả tươi, các loại quả dâu, kiwi hoặc là các loại hoa quả tươi khác.

Ngày nay, mỗi khi đến mùa Giáng Sinh, hình ảnh tuyệt đẹp của những chiếc bánh với đủ hình dáng đa dạng, phong phú bánh trở nên gần gữi hơn rất nhiều (đặc biệt là các quốc gia châu Á)

4. Bánh Pudding

Bữa tiệc Giáng Sinh sẽ không còn ngon nếu thiếu chiếc bánh pudding thơm lừng, béo ngậy. Tuy nhiên, bánh pudding ngày nay không giống ngày xưa lắm đâu. Vào khoảng thế kỷ 15, pudding được làm từ mận, rượu vang, thịt bê thái nhỏ, vụn bánh mỳ, thảo dược, hành rau, trái cây khô và gia vị.

 

Nhưng đến khoảng thế kỷ thứ 16, các loại rau và thịt dần được thay thế. Đến thế kỷ thứ 19 thì thành phần và vị của nó rất gần với bánh pudding ngày nay. Người ta còn cho vào bánh vài hạt đậu hoặc đồng xu và tin rằng người ăn phải phần bánh này, sẽ gặp may mắn cả năm.

5. Bánh nhân thịt

Từ thời xưa, con người đã biết băm thịt với mục đích để tận dụng phần thịt còn thừa hay trộn với các thực phẩm khác để làm ra món mới, trong đó có bánh thịt băm. Bánh thịt băm ra đời từ thời trung cổ. Nhân bánh bao gồm thịt heo băm và gan. Vào những ngày chay (đạo Thiên Chúa Giáo), người ta làm bánh có thêm nhân cá. Món bánh này thường được nướng hoặc rán.

 

Từ thế kỷ XVI cho đến nay, bánh thịt băm đã trở thành món ăn đặc biệt nhân dịp lễ Giáng sinh. Chiếc bánh như một “cái túi” đựng bên trong nào thịt băm, nào trái cây và chút đường, chút gia vị khác, nước cốt chanh, giấm hay rượu Brandy để tăng thêm hương vị. Món ăn như mong ước của bao người, luôn được hạnh phúc, no đủ, tròn đầy như chiếc bánh này vậy.

Lê Hoa

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới