Nguồn lực quan trọng cho an sinh xã hội ở Nghệ An

(Baonghean) - Trong 11 tháng năm 2019, có 58.075 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Nghệ An được cấp vốn tín dụng ưu đãi. Tín dụng chính sách tiếp tục có những đóng góp quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và ổn định an ninh, chính trị tại địa phương.
Những kết quả quan trọng
Huyện Nghi Lộc là địa bàn giáp ranh thành phố Vinh nên có những khó khăn nhất định trong công tác huy động, cho vay do yếu tố cạnh tranh với các địa bàn thành phố Vinh, TX. Cửa Lò. Ông Nguyễn Viết Hà - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghi Lộc cho biết: Hiện nay chúng tôi đang thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách với tổng số hộ đang còn dư nợ trên địa bàn là 13.278 hộ. Bình quân mỗi hộ được vay 29 triệu đồng. Toàn huyện có 462 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó có 91% tổng số tổ xếp loại giỏi. Về số dư nguồn ngân sách địa phương, Nghi Lộc nằm trong tốp đơn vị có số dư cao trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu ngân sách 2020, đơn vị cũng đã tham mưu cho UBND huyện giao chỉ tiêu cho các xã.
Giải ngân vốn tại điểm giao dịch xã Nghi Long, Nghi Lộc. Ảnh: Việt Phương
Giải ngân vốn tại điểm giao dịch xã Nghi Long, Nghi Lộc. Ảnh: Việt Phương

Hiện Nghệ An có 19 chương trình tín dụng chính sách đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh với tổng nguồn vốn đạt trên 8.280 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 6,84%. Doanh số cho vay đạt hơn 2.600 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các chương trình trọng điểm, ưu tiên cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, vùng nông thôn và vùng khó khăn. Cụ thể: Cho vay hộ cận nghèo 876 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 498 tỷ đồng, hộ nghèo 425 tỷ đồng, nước sạch VSMT nông thôn 382 tỷ đồng, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 336 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ tạo việc làm 114 tỷ đồng, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở 31 tỷ đồng,...

Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tập trung triển khai quyết liệt các chương trình mới, đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, gồm: giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đạt 31 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội đã giải ngân 18,7 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất theo Quyết định số 2085 đạt 25,7 tỷ đồng.
Chú thích
 Đồ họa: Lâm Tùng

Cùng đó, thực hiện chủ trương cho vay nâng hạn mức và thời gian vay tối đa phục vụ sản xuất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 12 của Hội đồng quản trị kịp thời. Công tác triển khai được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch. Đến ngày 30/9 toàn tỉnh đã giải ngân cho 64 khách hàng với số tiền 4.498 tỷ đồng có nhu cầu vay nâng mức, có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đáp ứng được các điều kiện cho vay. Doanh số thu nợ đến nay đạt 2.070 tỷ đồng. Doanh số thu nợ tốt tạo ra nguồn vốn cho vay quay vòng ổn định (chiếm 76% doanh số cho vay), giúp đơn vị chủ động nguồn vốn đầu tư tại chỗ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư cho sản xuất và phục vụ nhu cầu thiết yếu về đời sống. 

Tổng dư nợ đạt 8.270 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng khoảng 7%. Hầu hết các chương trình tín dụng cơ bản đã hoàn thành kế hoạch giao. Một số chương trình tiếp tục có mức tăng trưởng cao như: cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, NS&VSMT, giải quyết việc làm (tăng trên 32 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay), cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; cho vay hộ đồng bào DTTS theo Quyết định 2085... Năm 2019, nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu vẫn tập trung vào vùng nghèo và các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nhằm thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo 2016-2020 và xây dựng nông thôn mới. Riêng doanh số cho vay dành cho 3 đối tượng (hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo) đạt 1.800 tỷ đồng, chiếm 64% tổng doanh số giải ngân. 
Chú thích
 Các chương trình vốn vay đóng vai trò là nguồn lực quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Việt Phương
Tiếp tục nâng chất lượng tín dụng
Cùng với tăng trưởng tín dụng, chi nhánh đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng thường xuyên được quan tâm, giám sát chặt chẽ. Tích cực chỉ đạo các cấp hội cơ sở và tổ TKVV bình xét cho vay đảm bảo công khai, đúng đối tượng; hướng dẫn lập hồ sơ thủ tục, phối hợp với Ngân hàng tổ chức giải ngân kịp thời đến từng hộ. 
Dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội đến nay đạt 8.245 tỷ đồng, chiếm 99,73% tổng dư nợ toàn chi nhánh. Các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và cách thức tiết kiệm, từ đó tích cực tích lũy để tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng thông qua tổ TKVV.
Nhờ đó, hoạt động gửi tiền tiết kiệm đã được duy trì rất ổn định và tăng dần theo thời gian. Đến 30/9/2019, số dư tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách tích lũy được là 421,5 tỷ đồng. Có 239.076 hộ nghèo và các đối tượng chính sách tham gia gửi tiền tiết kiệm tại 7.506 tổ TKVV, bình quân mỗi hộ có số dư tiết kiệm là 1,76 triệu đồng. 
Người dân Anh Sơn sử dụng vốn vay chính sách phát triển kinh tế. Ảnh: Việt Phương
Người dân Anh Sơn sử dụng vốn vay chính sách phát triển kinh tế. Ảnh: Việt Phương
Thời gian qua, Ban đại diện Hội đồng quản trị, cùng hệ thống kiểm soát nội bộ của Ngân hàng CSXH các cấp và các cấp hội nhận ủy thác từ cấp tỉnh đến cấp huyện/xã đều đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh kịp thời các tồn tại cũng như ngăn chặn, ngăn ngừa rủi ro trong quá trình triển khai thực hiện tín dụng chính sách tại cơ sở. 

Qua kiểm tra, các cấp hội nhận định, đánh giá nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục được quản lý chặt chẽ; công tác bình xét, giải ngân nguồn vốn đúng đối tượng, người vay sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả đồng vốn. Vốn vay tiếp tục đóng vai trò là nguồn lực quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và từng bước vươn lên thoát nghèo.

Bà Trần Thị Hương - Trưởng phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ, Ngân hàng CSXH tỉnh

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 29-CT/TU của BTV Tỉnh ủy và kế hoạch của tỉnh trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm bố trí nguồn lực ủy thác sang Ngân hàng CSXH trong năm 2019 nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao. Đồng thời, chỉ đạo Ban đại diện HĐQT cấp huyện tham mưu UBND trình HĐND cùng cấp phê duyệt nguồn vốn ngân sách ủy thác năm 2020; Khai thác tối đa các nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương, tiếp tục trình Trung ương bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ năm 2019 tối thiểu 7%... Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.

Tin mới