Ngưỡng nguy hiểm khi Thổ Nhĩ Kỳ đẩy tình thế lên cao tại Idlib (Syria)

(Baonghean) - Đúng 1 ngày sau khi hết thời hạn mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra cho quân chính phủ Syria rút khỏi các trạm kiểm soát của mình tại Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ đã tung đòn cực mạnh: bắn hạ 2 máy bay chiến đấu của Syria, triển khai máy bay không người lái tấn công vào các mục tiêu của Syria và tiêu diệt 19 binh sĩ.

Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy cuộc xung đột tại Idlib tới ngưỡng nguy hiểm mới, khi ai cũng hiểu đằng sau chính phủ Syria chính là Nga. Trong một cuộc chiến ủy nhiệm như ở Syria, một khi “người chơi chính” phải lộ diện để đối đầu trực tiếp, đó sẽ là kịch bản vô cùng khó lường.

“Lời nói gió thoảng”

Ngày 29/2, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng ra thông báo về cuộc tham vấn của các nhà ngoại giao hai nước tại thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, đại diện cả hai bên đều khẳng định mục tiêu giảm căng thẳng tại Idlib, Syria.

Thế nhưng, 29/2 cũng là thời hạn cuối cùng mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra để quân chính phủ Syria rút lui khỏi các trạm kiểm soát của mình tại Idlib. Khi yêu cầu này không được đáp ứng, mọi lời cam kết của các nhà ngoại giao chỉ còn là “những lời gió thoảng”.

Lực lượng Dân tộc Giải phóng Syria bắn rocket vào quân chính phủ. Ảnh: The Guardian
Lực lượng Dân tộc Giải phóng Syria bắn rocket vào quân chính phủ. Ảnh: The Guardian

Một ngày sau đó, máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ ném bom các mục tiêu của chính phủ Syria ở Idlib, tiêu diệt 19 binh sĩ, máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi 2 máy bay Su-24 của Syria, lực lượng phiến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nã pháo vào các vị trí của quân đội Syria.

Giao tranh đã bùng nổ dữ dội gần thị trấn chiến lược Saraqeb - thị trấn nằm trên đường cao tốc Damascus - Aleppo và đã phải “đổi chủ” liên tục giữa hai bên trong những tháng gần đây. Thổ Nhĩ Kỳ cũng chính thức xác nhận khởi động chiến dịch quân sự mang tên Lá chắn Mùa xuân, và đây là lần thứ 4 Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự quy mô lớn vào Syria kể từ năm 2016. Trong chiến dịch này, Thổ Nhĩ Kỳ đã “vô hiệu quá” 103 xe tăng, 8 máy bay trực thăng và hơn 2.200 binh sĩ của Syria.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết “làm căng” ở Idlib xuất phát từ những tính toán chiến lược của Tổng thống Tayip Erdogan. Từ trước đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là người bảo trợ chính của các lực lượng đối lập Syria ở Idlib, bởi đây là vùng đệm an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong lãnh thổ Syria, giảm bớt mối đe dọa về an ninh và nguy cơ tấn công của lực lượng người Kurd ở Syria và lực lượng Đảng Công nhân người Kurd mà nước này coi là khủng bố. 

Lực lượng quân đội Syria xác nhận 2 máy bay chiến đấu bị bắn hạ. Ảnh: Euro Post
Lực lượng quân đội Syria xác nhận 2 máy bay chiến đấu bị bắn hạ. Ảnh: Euro Post

Nhưng những đòn tấn công dồn dập của quân chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của Nga thời gian gần đây khiến Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với nguy cơ bị “đẩy bật” khỏi Idlib, làm “phá sản” những tính toán lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong bất kỳ giải pháp chính trị nào ở Syria thời kỳ hậu chiến. Bởi thế, việc 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong một cuộc tấn công hôm 27/2 đã trở thành “cái cớ hoàn hảo” cho việc triển khai chiến dịch quân sự lớn lần thứ 4 của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

Tất cả mọi thông tin từ Idlib được báo cáo đến thời điểm này mới cho thấy thiệt hại của quân chính phủ Syria. Có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ đã chủ động “né” các mục tiêu của Nga tại thị trấn chiến lược này, đúng như khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar rằng mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là đối đầu với lực lượng chính phủ Syria chứ không phải đụng độ trực tiếp với quân đội Nga.

Nhưng theo giới phân tích, những tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy tình thế tại Idlib tới ngưỡng nguy hiểm, bởi chắc chắn Nga không để quân chính phủ Syria liên tục phải “chịu trận” trước các đòn tấn công của đối phương. Thậm chí, các cố vấn quân sự của Nga còn so sánh cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào binh sĩ Syria giống như việc máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ bắn tên lửa vào máy bay của Nga hồi năm 2015 - kích hoạt một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa hai quốc gia.

Nhiều công trình ở Idlib bị bắn phá. Ảnh: DW
Nhiều công trình ở Idlib bị bắn phá. Ảnh: DW

“Đứt gãy” lợi ích chiến lược Nga - Thổ

Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là vừa tránh đụng độ trực tiếp với quân đội Nga, vừa bảo vệ được lợi ích chiến lược tại Idlib. Tuy nhiên, đây là một tính toán không khả thi, bởi việc giành lại Idlib có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chính quyền Syria, trong khi Nga là người ủng hộ kiên định với chế độ của Tổng thống Syria Bashar al Assad.

Chiến thắng tại Idlib không chỉ là hoàn thành mục tiêu thống nhất lãnh thổ của chính phủ Syria mà còn đồng nghĩa với việc kiểm soát phần lớn nguồn dầu mỏ tại quốc gia Trung Đông này. Bởi vậy, không khó hiểu khi Nga đã đứng về phía chính phủ Syria và cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ làm leo thang căng thẳng tại Idlib, đồng thời chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện cam kết đã đưa ra tại Sochi, đó là phân lập các lực lượng đối lập Syria với các nhóm khủng bố. Nga cũng cảnh cáo sẽ không đảm bảo sự an toàn cho các máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria - lời cảnh cáo mà Nga đã nhiều lần chứng tỏ là “nói được, làm được”.

Sau một thời gian cùng nhau hợp tác tìm kiếm các giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria, những diễn biến nguy hiểm gần đây tại Idlib cho thấy sự hội tụ lợi ích chiến lược giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang dần đứt gãy. Với chiến dịch Lá chắn Mùa xuân, Thổ Nhĩ Kỳ đẩy tình hình tại Idlib tới ngưỡng nguy hiểm với nguy cơ đối đầu trực diện giữa những “người chơi chính” trong cuộc chiến ủy nhiệm tại Syria.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại một chốt quan sát ở tỉnh Idlib (Syria) ngày 14/2. Ảnh: AFP
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại một chốt quan sát ở tỉnh Idlib (Syria) ngày 14/2. Ảnh: AFP

Theo đó, một kịch bản có thể xảy ra tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ viện tới sự trợ giúp của NATO bằng việc kích hoạt Điều 5 trong Hiệp ước NATO về bảo vệ thành viên trong khối, để NATO răn đe Nga và “nhờ tay” Nga kiềm chế chính phủ Syria không tiếp tục “lấn tới” tại Idlib. Khi đó, vấn đề giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ trở thành vấn đề giữa NATO và Nga.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, NATO chưa bắn đi bất kỳ tín hiệu nào về việc trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi vì, Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm này không sở hữu một lá bài nào đủ sức nặng để gây sức ép với NATO, trong khi đối đầu với Nga chưa bao giờ là một bài toán dễ dàng với khối quân sự này, ngay từ việc thống nhất quan điểm giữa các thành viên trong khối. Và nếu không có NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiên không đủ tiềm lực để đối đầu với Nga. Sự xuống thang nhanh chóng của Tổng thống Tayip Erdogan hồi năm 2015 sau khi bắn hạ máy bay của Nga chắc chắn là bài học mà Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể quên.

Theo dự kiến, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin vào ngày 5 hoặc 6/3 tới đây tại thủ đô Mockva của Nga. Giới phân tích cho rằng, đây là cơ hội để đi tới một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Idlib. Điều quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ có muốn nắm bắt cơ hội đó hay không.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 5 hoặc 6/3 tới. Ảnh: Al Jazeera
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 5 hoặc 6/3 tới. Ảnh: Al Jazeera

Xét về lợi ích chiến lược ở Idlib, lợi ích của Nga lớn hơn và rõ ràng hơn lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ rất nhiều. Xét về bàn cờ chiến lược Syria, Nga cũng là bên có quyền quyết định hơn rất nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ. Xét về chiến thuật gây áp lực trên thực địa để tạo lợi thế trên bàn đàm phán, Nga cũng là người chơi vô cùng xuất sắc… Đó sẽ là những yếu tố mà ông Tayip Erdogan sẽ phải cân nhắc khi gặp gỡ với ông Vladimir Putin, tránh đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” như đã từng diễn ra hồi năm 2015.

Tin mới