Nguy cơ chiến tranh Lạnh Mỹ - Nga

(Baonghean) - Quan hệ Mỹ - Nga - hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn nhất làm “nóng” bầu không khí chính trị cả hành tinh và là tâm điểm của dư luận quốc tế. 

Vực thẳm lòng tin

Sẽ không hiểu được quan hệ Mỹ - Nga hiện nay nếu không nhắc lại những “vết đen” trong lịch sử giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu. Từ cuối năm 1946 đến tháng 12/1991, Mỹ và Liên Xô luôn ở thế đối đầu Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên Xô tan rã (tháng 12/1991), Liên bang Nga tiếp quản địa vị pháp lý quốc tế và sức mạnh khoa học, quân sự.

Nhưng trong giai đoạn 1996-2004, Mỹ kết nạp hầu hết các nước Đông Âu và 3 nước Baltic vào NATO. Mỹ thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở các nước Đông Âu từ năm 2011 và triển khai vũ khí hạng nặng tại 3 nước Baltic và các nước Đông Âu từ năm 2014.Những năm 1989-1990, chính quyền Mỹ từng cam kết không kết nạp các nước Đông Âu và Baltic vào Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ lãnh đạo, không đặt căn cứ quân sự, triển khai vũ khí tại các nước Đông Âu và Baltic. 

Mỹ đã dồn ép Nga, thu hẹp không gian chiến lược của Nga, quân đội và vũ khí của NATO đã áp sát biên giới Tây Bắc và Tây Nam của Nga. Người dân Nga nói chung, giới tinh hoa Nga nói riêng cảm thấy bị Mỹ phản bội, lừa gạt và Mỹ đang cố làm cho Nga suy yếu, tan rã.

Quan hệ siêu cường với khủng hoảng Ukraine và xung đột Syria

Cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra từ tháng 11/2013 đến tháng 2/2014. Nhằm cứu vãn tình thế, quá trưa ngày 21/2/2014, Tổng thống Ukraine Yanukovych ký thỏa thuận với lực lượng đối lập, nhận được sự ủng hộ của 28 nước thuộc EU. 

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: Internet.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: Internet.
 

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Obama điện đàm với Tổng thống Nga Putin đề nghị Nga hợp tác với Mỹ giúp các bên liên quan thực hiện thỏa thuận vì đó là cách duy nhất để cứu Ukraine ra khỏi khủng hoảng. 14 giờ đồng hồ sau, Mỹ hậu thuẫn và chỉ đạo lực lượng đối lập họp Quốc hội Ukraine để phế truất Tổng thống Yanukovych.

Hiến pháp Ukraine quy định: khi có từ 75% đại biểu trở lên đồng ý thì Tổng thống mới bị phế truất. Cuộc họp trưa 22/2/2014 do Mỹ chỉ đạo chỉ có 71,8% đại biểu Quốc hội đồng ý, tức là không đủ điều kiện tối thiểu, thế mà Tổng thống Yanukovych vẫn bị phế truất?! Nga cho rằng họ bị Mỹ lừa dối.

Về cuộc chiến ở Syria, khó khăn lắm Nga và Mỹ mới đạt được thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 12/9. Thế nhưng 5 ngày sau, không quân liên quân do Mỹ cầm đầu lại không kích vào một đơn vị quân đội của chính quyền al Assad làm hơn 80 sỹ quan, binh sỹ thiệt mạng. Với hành động này, Mỹ đã xé bỏ thỏa thuận với Nga.

Tất nhiên, Nga và chính quyền al Assad sẽ không đơn phương thực hiện thỏa thuận. Ngày 19/9, quân đội của al Assad được Nga hậu thuẫn tấn công dữ dội vào thành phố chiến lược Aleppo; không quân Nga cũng tập trung không kích lực lượng khủng bố tại mặt trận Aleppo và một vòng xoáy bạo lực dữ dội bùng lên ở thành phố chiến lược này. Một lần nữa, Nga cảm thấy bị Mỹ lừa gạt.

Ngày 17/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: “Chúng tôi đang tiến tới một kết luận thực sự gây kinh hãi với cả thế giới, đó là Nhà Trắng đang bảo vệ IS. Giờ đây không còn nghi ngờ gì về điều đó”. Nga tố Mỹ ủng hộ và kiểm soát “một liên minh khủng bố quốc tế” thông qua việc ủng hộ các nhóm nổi dậy chống lại chính quyền al Assad được Nga hậu thuẫn.

Nga - Mỹ đối đầu

Nga và Mỹ hoàn toàn mất lòng tin với nhau. Khi không còn cơ sở cho đối thoại, họ “ăn miếng, trả miếng”. Ngày 3/10, Tổng thống Nga Putin tuyên bố đình chỉ thỏa thuận tiêu hủy 34 tấn plutoni dư thừa (có thể làm được 17.000 đầu đạn hạt nhân) ký với Mỹ năm 2010. Vài giờ sau, Mỹ tuyên bố tạm ngừng các cuộc đàm phán với Nga về việc tìm giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột đẫm máu kéo dài hơn 5 năm ở Syria.

Ngày 4/10, Nga chuyển hệ thống tên lửa hiện đại S-300VM đến căn cứ hải quân Tartous để bảo vệ căn cứ quân sự và các sỹ quan, binh lính Nga đang tham chiến tại Syria. Với hai hệ thống tên lửa hiện đại S-300VM và S-400 bố trí trên lãnh thổ Syria, Nga có thể bắn hạ mọi máy bay của Mỹ và các đồng minh để bảo vệ lực lượng Nga và bảo vệ chính quyền al Assad.

Ngày 7/10, Mỹ tố tin tặc Nga tấn công mạng máy tính của Mỹ và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống. Nga phản bác vì Mỹ không đưa ra được chứng cứ. Ngày 8 và 9/10, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc diễn ra khẩu chiến gay gắt giữa Mỹ và Nga về bế tắc trong việc tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria.

Robert Pary, một nhà bình luận chính trị quốc tế nổi tiếng của hãng tin AP và tạp chí “Newsweek” của Mỹ, đã khẳng định: “Chiến dịch truyền thông chống Nga của Mỹ đang vượt khỏi tầm kiểm soát và thậm chí còn có thể đẩy thế giới đến trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân”.

Gần một tháng nay, hệ thống truyền thông khổng lồ của Mỹ đã tung hàng nghìn bài viết chống Nga hết sức gay gắt, họ cho Nga phải chịu trách nhiệm về mọi vấn đề rắc rối, xung đột trên thế giới hiện nay; thậm chí có hàng chục bài bình luận kêu gọi Mỹ tấn công hạt nhân phủ đầu Nga!

Chiến tranh Lạnh - Chiến tranh Nóng?

Nga và Mỹ coi nhau là đối thủ chiến lược, họ mâu thuẫn đối kháng với nhau về lợi ích toàn cầu, lợi ích khu vực. Nhưng Nga cần Mỹ và Mỹ cũng cần Nga trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách của thế giới đương đại: Giải trừ và kiểm soát vũ khí giết người hàng loạt; Giải quyết các điểm nóng và xung đột (Ukraine, Syria...); Chống khủng bố,… Có thể nói Mỹ và Nga đang cận kề cuộc Chiến tranh Lạnh, chứ chưa thực sự ở trong trạng thái Chiến tranh Lạnh.

Vậy còn nguy cơ Chiến tranh Nóng - chiến tranh hạt nhân tổng lực hủy diệt hàng tỷ người - chiến tranh thế giới thứ III? Tháng 12/2015, khi được hỏi liệu có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga không, Tổng thống Nga Putin trả lời: “Bất luận thế nào, trong bối cảnh quốc tế hiện tại, đó sẽ là thảm họa của cả hành tinh. Và tôi rất muốn hy vọng là, sẽ không có những con người có những suy nghĩ điên rồ ấy trên Trái Đất này, những kẻ muốn sử dụng vũ khí hạt nhân ấy”.

Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine càng khiến quan hệ Nga - Mỹ trở nên tồi tệ kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Reuters.
Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine càng khiến quan hệ Nga - Mỹ trở nên tồi tệ kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Reuters.

Có lẽ, những người tỉnh táo trên thế giới đều có suy nghĩ như Tổng thống Putin. Nếu xảy ra Chiến tranh Nóng, sẽ không có ai thắng mà tất cả đều thua. Số lượng đầu đạn hạt nhân và các phương tiện truyền tải vũ khí của Mỹ và Nga hiện nay có khả năng 20 lần xóa sạch mọi sự sống trên hành tinh. Trước thảm họa hủy diệt nhân loại, mọi kẻ diều hâu, hiếu chiến đều phải đắn đo, kiềm chế.

Vấn đề quan hệ Mỹ-Nga về đâu là một phần quan trọng, phụ thuộc vào kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Dự báo sự phát triển quan hệ Mỹ - Nga từ nay đến ngày 20/1/2017 có 2 khả năng. Thứ nhất, cho dù không có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Mỹ ngang nhiên thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Syria và tiến hành ném bom rải thảm, dùng tên lửa hành trình để tiêu diệt lực lượng quân sự và loại bỏ chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad. Thứ 2, Mỹ và đồng minh cung cấp tên lửa, vũ khí phòng không hiện đại cho lực lượng đối lập để bắn hạ máy bay của quân đội al Assad và máy bay Nga.

Trong cả hai trường hợp trên, Nga sẽ dùng hệ thống tên lửa phòng không S.300VM và S-400 để đối phó, phản công các hành động quân sự của Mỹ. Như vậy, không loại trừ khả năng sẽ xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Nga tại chiến trường Syria. Nhưng có lẽ, cả Nhà Trắng lẫn Điện Kremlin sẽ tự kiềm chế để không dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ ba, bởi đó là kịch bản mà không ai mong muốn.

PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương

(Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới