Nguy cơ lây nhiễm chéo từ những điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Mặc dù ngành y tế đã rất nhiều lần chỉ đạo nhưng hiện nay tình trạng lộn xộn, tập trung đông người ở các điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại một số địa phương vẫn chưa được chấn chỉnh.

Mang hoa quả ra điểm tiêm để bán

Những ngày này, huyện Quỳ Hợp đang phải ráo riết thông báo khẩn tìm người từng đến tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở Trạm Y tế xã Tam Hợp. Động thái này diễn ra sau khi kết quả truy vết cho thấy, một F0 từng ghé trạm y tế này để tiêm vào buổi sáng 4/11. Việc một lần nữa phát hiện F0 từng đi tiêm vắc-xin đã khiến không ít người dân lo lắng, đặc biệt là trong bối cảnh một số điểm tiêm đã để xảy ra tình trạng chen lấn, không đảm bảo khoảng cách.

Những ngày cuối tháng 10, tại điểm tiêm vắc-xin ở Trạm Y tế thị trấn Thạch Giám (Tương Dương), phóng viên Báo Nghệ An đã chứng kiến tình trạng lộn xộn, mất an ninh, trật tự. Tại đây, hàng trăm người chen lấn, tụ tập chờ đến lượt để vào tiêm vắc-xin, một số người dân thậm chí còn không đeo khẩu trang. Người dân đến tiêm còn đứng tràn ra ngoài Quốc lộ 7, gây ra nguy cơ mất an toàn giao thông.

“Đấy là may mắn trời không mưa đấy. Nếu trời mưa, hàng trăm người phải chen nhau trong sân của trạm y tế, chắc chắn sẽ không còn một chỗ trống”, một người dân ở thị trấn Thạch Giám nói. Thấy đông người tụ tập, thậm chí một phụ nữ ở địa phương còn chở cả xe hoa quả ra trước cổng Trạm Y tế thị trấn Thạch Giám để bán cho người đi tiêm. Phóng viên sau đó đã liên hệ lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Tương Dương phụ trách ở điểm tiêm này nhưng vẫn không chấn chỉnh được tình trạng lộn xộn. Chỉ sau khi lực lượng công an có mặt, nhiều lần đề nghị người phụ nữ bán hoa quả mới chịu rời đi. Tuy nhiên, tình trạng tập trung đông người, chen lấn nhau thì vẫn không có cách nào để giải quyết.

Mang hoa quả ra điểm tiêm vắc-xin để bán. Ảnh: Tiến Hùng
Mang hoa quả ra điểm tiêm vắc-xin để bán. Ảnh: Tiến Hùng

Trên thực tế, không chỉ huyện Tương Dương, thời gian qua đã có không ít địa phương để xảy ra tình trạng lộn xộn ở các điểm tiêm, không đảm bảo giãn cách, gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo. Có thể kể đến như điểm tiêm ở Trường Tiểu học Lê Mao do TP. Vinh phụ trách, hay điểm tiêm ở thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc). “Chúng tôi được gọi đến để tiêm, nhưng chẳng dám vào mà phải về dù đã có danh sách tiêm”, một người dân ở thị trấn Quán Hành nói.

Cũng lo ngại khi chứng kiến cảnh chen lấn ở điểm tiêm, bà Nguyễn Thị Hoan (65 tuổi, phường Vinh Tân, TP. Vinh), phải chờ lượt sau để tiêm. Bà Hoan cho rằng, điểm tiêm chủng phải hẹn lịch theo giờ để giảm bớt mật độ tập trung đông người. “Đằng này, tất cả đều được hẹn vào một khung giờ, tập trung đến một lúc gây tình trạng quá tải, chen chúc nhau. Điều này rất nguy hiểm nếu có F0 ở đây”, bà Hoan lo lắng. Trên thực tế, đã có không ít địa phương phải phát thông báo khẩn tìm người sau khi phát hiện bệnh nhân Covid-19 từng ghé các điểm tiêm.

Tính đến ngày 9/11, Nghệ An mới chỉ tiêm được hơn 1,5 triệu mũi vắc-xin, trong đó, phần lớn là tiêm mũi 1. Hiện mới chỉ có gần 200.000 người dân Nghệ An tiêm đủ liều vắc-xin, cùng với Thanh Hóa, là 2 địa phương có tỷ lệ tiêm 2 mũi thấp nhất cả nước. Chính vì thế, chiến lược tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở Nghệ An vẫn còn dài, số lượng người tiêm trong những ngày tới được dự báo là rất lớn. Trong khi đó, các chuyên gia nhiều lần cảnh báo, điểm tiêm chủng là khu vực đông người nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 luôn hiện hữu.

Cảnh chen chúc ở điểm tiêm thị trấn Quán Hành. Ảnh: CTV
Cảnh chen chúc ở điểm tiêm thị trấn Quán Hành. Ảnh: C.T.V

Làm sao để đi tiêm an toàn?

Trao đổi về tình trạng này, một lãnh đạo Sở Y tế cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về triển khai công tác tiêm chủng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc tổ chức tiêm chủng tại một số điểm tiêm trên địa bàn tỉnh còn để xảy ra tình trạng tập trung đông người, mất an ninh, trật tự và không đảm bảo giãn cách xã hội.

Theo vị lãnh đạo này, tại các điểm tiêm không được để tụ tập đông người, vì virus lây lan rất nhanh, nhất là biến chủng Delta. Sở Y tế đã rất nhiều lần đề nghị các huyện, thành, thị triển khai tiêm vắc-xin nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả; xem đây là nhiệm vụ bắt buộc và ưu tiên đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay. Sở Y tế cũng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch tiêm chủng. Trong đó, lựa chọn địa điểm phù hợp để hạn chế tối đa sự di chuyển của người dân, đặc biệt là các khu vực đang thực hiện giãn cách, khu vực phong tỏa… Bố trí nhân lực để tổ chức phân luồng, thông báo cho các đối tượng đến tiêm theo các khung giờ khác nhau để tránh tập trung đông người và hướng dẫn cho các đối tượng tiêm chủng giữ khoảng cách tối thiểu 1m giữa người với người nhằm đảm bảo an ninh, trật tự và công tác phòng, chống dịch tại điểm tiêm.

Người dân chờ tiêm vắc-xin đứng tràn ra Quốc lộ 7. Ảnh: Tiến Hùng
Người dân chờ tiêm vắc-xin đứng tràn ra Quốc lộ 7. Ảnh: Tiến Hùng

Tuy nhiên, mặc dù đã nhiều lần chỉ đạo, nhưng ở một số điểm tiêm vẫn không tránh khỏi tình trạng chen lấn, tập trung đông người. Theo các chuyên gia, mỗi điểm tiêm chủng được cấp bao nhiêu vắc-xin thì các địa phương cần phải kế hoạch tính toán đăng ký hẹn lịch tiêm theo giờ để phù hợp với tốc độ tiêm; đăng ký tiêm online; tổ chức tiêm ở phòng rộng như trường học; người đến tiêm đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách… để tránh lây nhiễm. Đặc biệt, các điểm tiêm cần phải phân luồng 1 chiều, đảm bảo giãn cách từ các khâu khai báo y tế, sàng lọc, tiêm và theo dõi sau tiêm. Mỗi người phải nghiêm túc, tự giác tuân thủ nguyên tắc "5K" đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch.

Cảnh lộn xộn ở điểm tiêm thị trấn Thạch Giám. Ảnh: Tiến Hùng
Cảnh lộn xộn ở điểm tiêm thị trấn Thạch Giám. Ảnh: Tiến Hùng

Để đảm bảo an toàn, rút ra bài học từ các địa phương như TP. HCM, Bình Dương…, các chuyên gia đề nghị người dân trước tiên phải có các biện pháp để tự bảo vệ mình đúng cách và nghiêm túc. Đầu tiên, khẩu trang phải che chắn cả mũi, miệng, cằm. Mang theo nước rửa tay sát khuẩn, phải rửa tay thường xuyên và đặc biệt khi chạm vào những vật dùng chung. Tốt nhất nên tránh sờ mó những vật xung quanh nếu không cần thiết. Lưu ý, nhiều người mang găng tay y tế, nhưng vẫn phải tuân thủ việc rửa tay (rửa bên ngoài bàn tay mang găng), bởi vì virus vẫn có thể bám lên bề mặt găng, gây lây nhiễm khi bạn chạm tay lên mũi, miệng.

Covid-19 lây truyền qua đường hô hấp, không phải qua da. Trước khi ra về, phải lột bỏ găng, bỏ vào thùng rác y tế tại điểm tiêm chủng, rửa tay thật sạch. Tuyệt đối, không được mang găng về nhà. Người đi tiêm nên mang theo 1 cây bút riêng, vì có thể phải điền thông tin cá nhân vào các tờ phiếu tiêm chủng, hạn chế dùng bút chung.

Cũng theo các chuyên gia, nhiều người mặc đồ phòng hộ cá nhân (PPE) đi tiêm chủng, nhưng nếu không nắm rõ quy trình tháo bỏ PPE, có thể làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm. Bên ngoài PPE sẽ là nơi có thể có virus bám vào, do đó, khi cởi bỏ PPE phải tuân thủ theo quy trình chuẩn.

Thứ 2, là phải đảm bảo khoảng cách an toàn. Nếu đứng xếp hàng, nên giữ 2 mét cách người trước và người sau, hạn chế nói chuyện, đùa giỡn khi đang ở nơi đông người. Nếu không phải xếp hàng, bạn nên đứng nơi vắng, không nên gia nhập vào nhóm đông người. Hạn chế mặt đối mặt với nhân viên y tế: khi ngồi khai báo, khám sàng lọc hay tiêm ngừa, người dân nên ngồi “vuông góc” với nhân viên y tế, không mặt đối mặt trực tiếp với nhân viên y tế, trừ những trường hợp bất khả kháng.

Cuối cùng là phải vệ sinh cơ thể đúng cách khi về đến nhà. Việc tắm gội ngay sau khi về đến nhà rất quan trọng, tuy nhiên, nên làm tuần tự theo các bước để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm./.

Tin mới