Nguy cơ mắc sán lá gan từ thói quen ăn đồ sống

Sán lá gan lá loại sán có hình dạng như chiếc lá, thường sống ký sinh chủ yếu ở trâu,bò, chó mèo, ốc. Ấu trùng sán thường đóng kén trên các thực vật thủy sinh.

Mới đây, anh P.T.M. (30 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) thể trạng hoàn toàn bình thường, đến khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện đa khoa Medlatec phát hiện ổ sán lá gan lớn khu trú trong gan. Theo chia sẻ, bệnh nhân có thói quen ăn lẩu, gỏi cuốn, rau sống, và rất có thể sán trong thức ăn đã chui vào gan và âm thầm phá hủy cơ quan quan trọng này.

Rất may, bệnh nhân đi khám bệnh và được phát hiện kịp thời khi kích thước khối áp xe còn nhỏ (3cm) nên đã được can thiệp kịp thời, giúp giảm các biến chứng nguy hiểm như vỡ áp xe, nhiễm độc hoặc xơ gan, nguy cơ ung thư gan gây nguy hiểm đến tính mạng.

Sán lá gan là loại sán có hình dạng như chiếc lá. Sán lá gan phân ra thành hai nhóm: sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ (do kích thước khác nhau). Sán lá gan thường sống ký sinh chủ yếu ở động vật ăn cỏ như trâu, bò... và cả ở chó, mèo, ốc.

Ấu trùng sán thường đóng kén trên các thực vật thủy sinh như rau cải xoong, rau muống, rau ngổ, rau rút… hoặc thông qua nguồn nước nhiễm ấu trùng, chờ thời cơ thì xâm nhập cơ thể người. Nếu người sử dụng (uống nước lã, ăn rau sống, ăn ốc luộc) từ nguồn nước có chứa ấu trùng sán thì có nguy cơ bị nhiễm bệnh sán lá gan. Tại đây, ấu trùng thoát kén, đi xuyên qua thành dạ dày và tìm đường đến gan, đến đường mật, ở đó chúng định vị và thành sán trưởng thành.

Triệu chứng của nhiễm sán lá gan:

- Mệt mỏi, sốt vặt, có thể sốt cao hoặc sốt nhẹ liên tục;

- Đau nhẹ ở hạ sườn phải;

- Đôi khi thấy đau bụng âm ỉ không rõ vị trí, đi khám bệnh sẽ thấy gan bị sưng to và đau;

- Một số trường hợp rối loạn tiêu hóa bất thường như đột ngột chán ăn, tiêu chảy;

- Một số khác bị dị ứng da như mọc nốt sần trên da đùi, da mông, lưng...;

- Một số người bệnh lại bị ho kéo dài đi kèm với đau tức ngực.

Người thường xuyên ăn rau sống, gỏi cuốn hoặc có biểu hiện nghi ngờ nhiễm sán lá gan cần đi khám ngay để được điều trị tránh lây lan, biến chứng nguy hiểm. Không tự ý dùng các thuốc giun sán thông thường.

Cách đơn giản nhất để phòng tránh các bệnh do ký sinh trùng gây ra là: thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh cá nhân và định kỳ tẩy giun sán 12 tháng/lần; Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 12 tháng/lần tại các cơ sở y tế uy tín.

Tin mới