Nguy cơ Mỹ thất trận khi đối đầu trực diện với Nga, Trung

Các chuyên gia cho rằng Mỹ có thể thất bại nếu phải chiến đấu với Nga ở vùng Baltic hoặc đối đầu với Trung Quốc vì vấn đề Đài Loan.
Nguy cơ Mỹ thất trận khi đối đầu trực diện với Nga, Trung ảnh 1

Lực lượng Mỹ và Nhật diễn tập gần Trung Quốc hồi đầu tháng 11. Ảnh: US Navy.

"Khả năng bảo vệ đồng minh, đối tác và các lợi ích then chốt của Washington ngày càng bị hoài nghi. Mỹ có thể phải chật vật để giành chiến thắng, thậm chí hứng chịu thất bại trong cuộc chiến với Trung Quốc hoặc Nga nếu không được tăng cường đầu tư", CBS News dẫn nội dung báo cáo do Ủy ban Chiến lược Phòng thủ Quốc gia Mỹ (NDSC) công bố hồi tuần trước.

Báo cáo này do nhóm 12 chuyên gia và cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ soạn thảo sau một năm đánh giá các hệ thống phòng thủ và Chiến lược An ninh Quốc gia do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng 1/2018. Kết luận trên được đưa ra sau các cuộc phỏng vấn với nhiều quan chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ, cũng như nghiên cứu tài liệu do Lầu Năm Góc cung cấp.

Báo cáo này khẳng định nhiều ưu thế quân sự của Mỹ đang mất dần, thậm chí đã bị xóa nhòa khi các đối thủ ngày càng khôn khéo, hùng mạnh và sẵn sàng có các hành động quyết liệt hơn.

"Nga và Trung Quốc đang thách thức Mỹ cùng các đồng minh, đối tác ở quy mô lớn hơn rất nhiều so với mọi đối thủ trong gần 30 năm qua. Nếu phải chiến đấu với Nga ở vùng Baltic hoặc đối đầu với Trung Quốc vì vấn đề Đài Loan, Mỹ có thể hứng chịu thất bại quân sự mang tính quyết định", nhóm tác giả cho biết, lưu ý rằng Moskva và Bắc Kinh đang triển khai những công cụ kết hợp kinh tế, ngoại giao, chính trị và thông tin để đạt được mục tiêu.

"Họ học được những gì chúng ta đã làm và rút ra bài học từ sự thành công của Mỹ. Trong khi chúng ta tập trung vào tác chiến chống phiến quân, họ đã chuẩn bị cho loại hình chiến tranh quy mô lớn giữa các cường quốc mà chúng ta không chú trọng trong thời gian dài", đồng chủ tịch NDSC Eric Edelman nhận định.

Michael Morell, thành viên NDSC phụ trách mảng tình báo, cho rằng các đối thủ của Mỹ đã nghiên cứu chiến lược can thiệp quân sự sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, nhằm phát triển các biện pháp đối phó phi đối xứng và vô hiệu hóa sức mạnh của Washington.

"Tên lửa đạn đạo và tên lửa diệt hạm trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) khiến Mỹ gặp khó khăn, không thể chiến đấu theo cách truyền thống", Morell nói.

Nguy cơ Mỹ thất trận khi đối đầu trực diện với Nga, Trung ảnh 2

Tàu khu trục Trung Quốc (trái) bám đuôi chiến hạm USS Decatur trên Biển Đông. Ảnh: US Navy.

NDSC xác định các chiều hướng thay đổi trong môi trường chiến lược Mỹ đang phải đối mặt, gồm sự trỗi dậy của các cường quốc như Nga và Trung Quốc, cũng như việc các đối thủ của Washington theo đuổi phát triển vũ khí siêu vượt âm. Việc Iran và Triều Tiên tăng cường tiềm lực quân sự, cùng mối đe dọa từ các nhóm Hồi giáo cực đoan cũng là thách thức mới đối với Mỹ trong những năm gần đây.

Nhiều đối thủ của Mỹ đang sử dụng chiến thuật "gây hấn vùng xám", sử dụng sức ép về kinh tế, tấn công mạng, thao túng truyền thông, lực lượng bán quân sự hoặc ủy nhiệm để đối phó Mỹ, thay vì mạo hiểm làm bùng phát xung đột quân sự trực diện. "Điều này khiến việc quy trách nhiệm và trả đũa nhắm vào họ trở nên khó khăn hơn", báo cáo viết.

Sự xói mòn trong lợi thế công nghệ then chốt như vũ khí siêu thanh và trí tuệ nhân tạo, cùng những mâu thuẫn chính trị nội bộ khiến Mỹ không duy trì được nguồn ngân sách quốc phòng ổn định và phải cắt giảm đáng kể chi tiêu quân sự. "Khi thế giới ngày càng bất ổn, Mỹ lại tự làm suy yếu nền quốc phòng của mình. Chúng ta không cung cấp đủ nguồn lực tài chính cho Lầu Năm Góc trong thời gian dài", Edelman nhận xét.

NDSC đề xuất chính phủ Mỹ tăng ngân sách quốc phòng 3-5% trên mức lạm phát, hoặc Lầu Năm Góc cần thay đổi chiến lược và mục tiêu toàn cầu. "Mỹ đang lâm vào khủng hoảng an ninh quốc gia, đặc biệt là khi phải đối mặt với nhiều cuộc xung đột cùng lúc", báo cáo nhấn mạnh.

Tin mới