Nguy cơ Thế chiến 3 do trí tuệ nhân tạo gây ra

Elon Musk, nhà sáng lập tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX cũng như Tesla và được xem là “Người sắt” của đời thực, đầu tuần này tô đậm viễn cảnh một cuộc chiến tranh thế giới lần ba do chính cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn cầu gây ra.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu AI xem đây là một công cụ giúp loài người phát triển vượt qua cả những giới hạn mà não bộ không thể nghĩ ra. Trong khi đó, một số khác tiên đoán AI là lời cảnh báo về ngày tàn của nhân loại. Những lời lẽ dường như “có cánh” về AI của Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cho thấy lĩnh vực này quan trọng đến mức nào.

Ai nắm AI, người đó thống trị thế giới

 

Hôm 1-9, trong bài phát biểu trước các học sinh, sinh viên tại TP Yaroslavl, cách thủ đô Moscow khoảng 250 km về phía Đông Bắc, nhân ngày bắt đầu năm học mới ở Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Trong một cảnh báo có vẻ đáng ngại, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố rằng “ai trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này thì sẽ trở thành người thống trị thế giới”.

“Trí tuệ nhân tạo là tương lai không chỉ đối với nước Nga mà còn đối với toàn thể nhân loại. Nó mang đến cho con người những cơ hội khổng lồ nhưng mối đe dọa thì khó mà đoán được. Bất cứ ai trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này sẽ trở thành nhà lãnh đạo của thế giới” - nhà lãnh đạo Nga nói trong bài phát biểu được phát sóng trực tuyến tới 16.000 ngôi trường tại Nga.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga nhấn mạnh ông không muốn ai đó độc quyền công nghệ này trong tương lai. “Nếu chúng ta trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này, chúng ta sẽ chia sẻ các kiến thức về nó với toàn thể thế giới, tương tự cách mà chúng ta chia sẻ công nghệ hạt nhân hiện nay” - RT dẫn lời ông Putin nói hôm 1-9.

Hơn nữa, nhà lãnh đạo Nga còn tưởng tượng về một tương lai khi mà các cuộc chiến tranh nổ ra, bên chiến thắng sẽ là bên nắm giữ các thiết bị bay không người lái (UAV) mạnh nhất. Ông nói: “Khi các UAV của một bên bị các UAV của bên địch tiêu diệt thì họ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đầu hàng”.

Sự vượt trội về công nghệ rất dễ sẽ được xem là phương tiện đo lường quyền lực chính trị toàn cầu trong tương lai, theo trang Futurism. Điều này có thể được thấy rõ thông qua một lĩnh vực tiềm năng tương tự sau Thế chiến 2, thời điểm các nước chạy đua về vũ khí hạt nhân.

Hai quốc gia mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ là Mỹ và Liên Xô đã nỗ lực hết mình để đạt được những bước tiến trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân nhằm “nắm đằng chuôi”. Tuy nhiên, kể từ khi mỗi bên đối trọng nhau xét về năng lực và đạt tới ngưỡng “đảm bảo hủy diệt lẫn nhau” (MAD), rất ít cuộc tranh chấp hay xung đột kéo dài hàng thập niên diễn ra.

Trong một ngữ nghĩa nào đó, khả năng này đã tạo ra cho mỗi bên quyền lực chính trị để buộc bên còn lại không thể tùy tiện làm theo những gì mình mong muốn.

Nguy cơ robot gây ra Thế chiến 3 - ảnh 1
Một robot có tên TOPIO chơi bóng bàn tại triển lãm robot quốc tế (IREX) ở Tokyo hồi năm 2009. Ảnh: HUMANROBO

Viễn cảnh Thế chiến 3

Nếu nhà lãnh đạo của một nước Nga to lớn phác họa nét chân dung chính của một người “nắm đằng chuôi” quyền lực trong tương lai thì Elon Musk, nhà sáng lập tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX cũng như Tesla và được xem là “Người sắt” của đời thực, đầu tuần này lại tô đậm viễn cảnh một cuộc chiến tranh thế giới lần ba do chính cuộc chạy đua AI trên toàn cầu gây ra.

“Trung Quốc, Nga - và sớm thôi - tất cả quốc gia đều sẽ nắm trong tay nền công nghiệp máy tính mạnh mẽ. Lúc này sự cạnh tranh về AI ở cấp độ quốc gia sẽ là nguyên nhân khả dĩ nhất dẫn tới Thế chiến 3” - ông nhận định trên Twitter hôm 4-9.

Theo CNBC, Mỹ nhìn chung được xem là quốc gia dẫn đầu trong việc nghiên cứu AI hiện nay. Điều này có thể được thấy rõ khi các gã khổng lồ công nghệ như Google và Microsoft đã đổ một số lượng lớn tiền của vào các dự án nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này.

Tuần trước, trong một báo cáo có tựa đề “Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực AI”, tập đoàn tài chính Goldman Sachs cho hay Trung Quốc có thể đã sở hữu năng lực AI để bắt kịp với Mỹ. “Chúng tôi tin rằng công nghệ AI sẽ trở thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính phủ Trung Quốc và chúng tôi dự báo Trung Quốc sẽ có thêm chính sách cũng như ngân sách hỗ trợ của trung ương và địa phương cho AI” - báo cáo có đoạn viết.

Trung Quốc vừa lập chiến lược dẫn đầu AI

Theo Wired, Quốc vụ viện Trung Quốc hồi tháng 7 đã công bố một chiến lược đầy chi tiết nhằm biến nước này trở thành “trung tâm đổi mới toàn cầu và là người dẫn đầu trong AI” vào năm 2030. Chiến lược bao gồm các cam kết về đầu tư và phát triển mà được kỳ vọng sẽ “tăng cường sức mạnh quốc phòng cũng như đảm bảo và bảo vệ an ninh quốc gia thông qua AI”.

Trong khi đó, mặc dù được xem là nơi phát triển AI sôi nổi và tiên tiến bậc nhất thế giới, Mỹ lại không có một “bản đồ chỉ dẫn” mang tính chi tiết như Trung Quốc. Tuy nhiên, trong vài năm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát triển một kế hoạch được gọi là “Chiến lược bù đắp thứ ba”. Theo đó, thông qua các vũ khí có sử dụng phần mềm thông minh, Mỹ sẽ có lợi thế chiến lược so với các đối thủ tiềm năng, những quốc gia mà Washington trước đây chỉ kiềm chế bằng bom hạt nhân và các loại vũ khí dẫn đường chính xác.

Hồi tháng 8, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực AI, khoa học người máy, gồm Elon Musk và Mustafa Suleyman của Google DeepMind, đã ký một lá thư kêu gọi Liên Hiệp Quốc cấm các vũ khí tự hành giết người, hay còn gọi là robot giết người.

Elon Musk thậm chí lo ngại rằng công nghệ AI có thể đặt ra mối đe dọa cho toàn thế giới. Ông nói có khả năng chiến tranh sẽ được khởi động một cách tự động. “Chiến tranh có thể được khởi động không phải bởi lãnh đạo các nước mà bởi một trong các AI nếu AI này quyết định một cuộc tấn công phủ đầu là con đường khả thi nhất dẫn tới chiến thắng” - vị chuyên gia tiên đoán.

Tuy nhiên, như trường hợp Mỹ và Liên Xô chạy đua hạt nhân sau Thế chiến 2, dù được con người phát triển và sử dụng thế nào đi chăng nữa, trí tuệ nhân tạo cũng sẽ biến đổi so với những gì trí tuệ con người ban đầu quy định.

Thậm chí một ngày nào đó, khi AI được xem là thất bại đối với các nhà phát triển vì nó mang đầy ác tâm thì cũng có khả năng nó được xem là “có ích” đối với loài người, theo Futurism. Nếu một người cố dùng AI để gây tổn hại cộng đồng, vẫn có khả năng các người máy sẽ từ chối và kháng cự. Và trường hợp này là một ví dụ về “tác dụng ngược không mong muốn” nhưng thực chất lại “được mong muốn”.

Theo PLO

TIN LIÊN QUAN

Tin mới