Nguy cơ xóa sổ giống lợn đen đặc sản Kỳ Sơn vì dịch tả

(Baonghean.vn) - Chưa thể thống kê hết số lợn đen đặc sản Kỳ Sơn đã chết vì căn bệnh này. Người chăn nuôi lo ngại lợn đen bản địa sẽ bị xóa sổ trong tương lai gần.

Các chốt kiểm dịch vắng bóng người

Chốt kiểm dịch đầu huyện Kỳ Sơn được bố trí tại bản Hồng Tiến - xã Chiêu Lưu Ảnh : Hữu Vi
Chốt kiểm dịch đầu huyện Kỳ Sơn được bố trí tại bản Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu. Ảnh: Hữu Vi

Di chuyển hướng Tương Dương – Kỳ Sơn trên Quốc lộ 7A, rất dễ nhận thấy một biển báo chốt kiểm dịch đặt tại bản Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu. Thế nhưng hầu như rất ít khi nhận sự hiện diện của lực lượng làm nhiệm vụ kiểm dịch tại đây.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên tại địa bàn xã Bắc Lý vào chiều 30/5, công tác kiểm tra dịch tại địa bàn này đang rất lơi lỏng. Trong khi đó, tại đây đã có hai mẫu bệnh phẩm thu tại bản Buộc và bản Phia Khăm cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay trên Quốc lộ 16 đoạn dẫn vào xã Bắc Lý có một biển được ghi bằng tay: “Chốt kiểm dịch” nhưng tại đây cũng không có sự hiện diện của lực lượng chức năng.

Vào cuối chiều, tại chốt kiểm dịch ở bản Huồi Cáng xã Bắc Lý không có sự hiện diện của lực lượng làm nhiệm vụ Ảnh : Lữ Phú
Tại chốt kiểm dịch ở bản Huồi Cáng, xã Bắc Lý (ảnh chụp chiều 30/5) không có sự hiện diện của lực lượng làm nhiệm vụ. Ảnh : Lữ Phú

Khi vào địa bàn bản Buộc, mọi người không thể nhận biết rằng ở cộng đồng người Thái này đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Bản không có chốt kiểm dịch, trong khi người dân vẫn còn thói quen thả rông lợn.

Ông Vi Văn Tiến, phụ trách thú y tại bản Buộc cho hay, đến chiều 30/5 địa bàn này đã có 70 con lợn chết. Trước đó vào ngày 27/5, mẫu bệnh phẩm được lấy tại bản này đã cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Cũng theo người dân tại bản Buộc thì những con lợn bị chết bệnh đều được nuôi theo hình thức thả rông. Hiện tại nhiều con khác được các hộ gia đình nuôi nhốt cũng xảy ra hiện tượng ốm, bỏ ăn, chảy máu mũi, lười vận động, nằm trốn trong bóng tối…

Người dân bản Buộc xã Bắc Lý đem lợn bị chết đi tiêu hủy Ảnh : Hữu Vi
Ông Lô Văn Sơn, bản Buộc, xã Bắc Lý đem lợn bị chết đi tiêu hủy Ảnh : Hữu Vi

Ông Lô Văn Sơn, người nuôi 10 con lợn tại bản Buộc cho hay, gia đình đã tiêu hủy 7 con lợn chết. Hiện còn 2 con nhưng cũng bỏ ăn, nằm một chỗ đang chuẩn bị được đưa đi tiêu hủy.

Một số người dân tại bản Buộc cho hay có một số con lợn nái nặng hàng tạ khi chết phải xẻ thịt để vận chuyển đi chôn lấp. Một số người tiêu hủy bằng cách đem vứt xác lợn vào rừng.

Tuy đã có kết quả dương tính với bệnh tả lợn châu Phi nhưng tại bản Buộc chưa có chuồng nuôi lợn nào được phun thuốc xứ lý. Người dân bản Buộc cho hay, lợn ốm, chết đã xảy ra từ nhiều tuần về trước và họ không rõ nguyên nhân. Bà con có đi mua thuốc về tiêm nhưng không hiệu quả.

“Những lần trước khi tiêm thuốc lợn có khỏi bệnh. Nhưng lần này thì lợn chết rất nhiều” – ông Lô Văn Sơn cho biết.

Người dân bản Buộc vẫn còn thói quen thả rông lợn và nuôi nhốt dưới gầm nhà sàn Ảnh : Hữu Vi
Người dân bản Buộc vẫn còn thói quen thả rông lợn và nuôi nhốt dưới gầm nhà sàn Ảnh: Hữu Vi

Nguy cơ xóa sổ giống lợn đen bản địa

Tại bản Huồi Cáng 2 (xã Bắc Lý), trong số 200 con lợn đen của bản một số con đã chết. Còn bản Huồi Cáng 1, theo thông tin từ Ban quản lý bản người Khơ mú này, tại đây bà con nuôi 188 con lợn nhưng chúng đã chết sạch không còn một con nào, vậy nên cán bộ thú ý chưa kịp lấy mẫu bệnh phẩm.  

Người dân bản Huồi Cáng 1, xã Bắc Lý sấy khô thịt lợn chết bệnh trên gác bếp để ăn dần Ảnh : Hữu Vi
Người dân bản Huồi Cáng 1, xã Bắc Lý sấy khô thịt lợn trên gác bếp để ăn dần. Ảnh : Hữu Vi

Nhiều người dân tại bản Huồi Cáng 1 khi được hỏi đã nói rằng họ không biết đàn lợn chết vì bệnh gì. Một số nhà còn mổ thịt lợn ốm, chết hong trên gác bếp để ăn dần.

Thông tin từ chính quyền các xã cho hay, hiện trên địa bàn các bản làng khác lợn vẫn tiếp tục ốm, chết. Hiện tại Kỳ Sơn đã có 11/21 thị trấn phát hiện dịch tả châu Phi trên đàn lợn. gồm các xã như: Mương Ải, Mường Típ, Bắc Lý, Na Loi, Keng Đu, Tà Cạ, Hữu Kiệm, Bảo Nam, Bảo Thắng, Phà Đánh và thị trấn Mường Xén…

Riêng tại xã Mường Ải, theo Chủ tịch UBND xã Lữ Quang Hưng, tính đến thời điểm này đã có 70 con lợn chết tại 4/6 bản toàn xã. Các xã như: Chiêu Lưu, Mỹ Lý cũng đã xảy hiện tượng tương tự.

Cán bộ xã Bắc Lý kiểm tra một đàn lợn đang bị ốm tại bản Huồi Cáng 2 Ảnh : Lữ Phú
Cán bộ xã Bắc Lý kiểm tra một đàn lợn đang bị ốm tại bản Huồi Cáng 2. Ảnh : Lữ Phú

“Có thể chỉ trong một thời gian ngắn nữa, giống lợn đen bản địa là đặc sản của huyện Kỳ Sơn sẽ bị xóa sổ. Có lẽ chính quyền cần vào cuộc quyết liệt hơn” – một người chăn nuôi bày tỏ.

Thông tin từ Trạm Thú y huyện Kỳ sơn, tính đến hết ngày 31/5 đã có 11 xã, thị trấn có kết quả dương tính với bệnh tả lợn châu Phi. Chính quyền địa phương đã cho công bố dịch tại các địa bàn có dịch. Tuy nhiên địa phương này chưa có công bố dịch trên toàn huyện.

Một đàn lợn chạy rông trên đường tại xã Tà Cạ. Nơi đây là một trong những xã phát hiện bệnh tả lợn Châu Phi ở Kỳ Sơn Ảnh : Lữ Phú
Một đàn lợn chạy rông trên đường tại xã Tà Cạ. Đây là một trong những xã phát hiện bệnh tả lợn châu Phi ở Kỳ Sơn. Ảnh : Lữ Phú

Theo ông Nguyễn Công Hiếu, Trạm trưởng thú y huyện Kỳ Sơn, tính đến hết ngày 31/5, thị trấn Mường Xén là đơn vị hành chính cấp xã thứ 11 được xác định có dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, trong lúc chưa có kết quả xét nghiệm, chủ hộ nuôi lợn tại khối 4, thị trấn Mường Xén đã mổ và đem bán thịt. Theo ông Hiếu, chính sự không phối hợp của người dân cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện biên giới này trở nên khó kiểm soát.

Thông tin từ ngành Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn, trước khi xuất hiện dịch tả châu Phi, tổng đàn lợn của toàn huyện là 25.000 con.

Huyện biên giới Kỳ Sơn, nơi chăn nuôi là mũi nhọn phát triển kinh tế, trong khi đó dịch tả lợn Châu Phi đã lan sang xã thứ 11 Ảnh : Google Maps
Huyện biên giới Kỳ Sơn, nơi chăn nuôi là mũi nhọn phát triển kinh tế, trong khi đó dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng trên địa bàn 11 xã.  Ảnh : Google Maps

Tin mới