Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An qua cảm xúc của một người đồng hương

(Baonghean) - Tin nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh Trương Văn Kiện (còn gọi là Trương Kiện) từ trần làm cho tôi thật sự xúc động. Tôi nói với mọi người: Một trong những lãnh đạo tài năng của xứ Nghệ sang cõi thiên du.
Ông Trương Kiện quê ở xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu nay là thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Cuộc đời hoạt động, công tác của ông sôi nổi và phong phú. Khi mới 16 tuổi ông đã tham gia cách mạng; năm 20 tuổi đã công tác ở Tỉnh ủy Nghệ An. Ngoài 20 tuổi đã giữ chức vụ Phó Bí thư, Quyền Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu. 
Người con của mảnh đất dựa lưng vào biển có vóc người trung bình, nhưng có khuôn mặt cương nghị, đặc biệt đôi mắt rất sáng. Người đối diện thường bị cuốn hút bởi đôi mắt tự tin ấy. Trong hơn 40 năm cống hiến ông tham gia trên nhiều cương vị khác nhau: Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu; Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ  -Tĩnh, lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh; Đại biểu Quốc hội khóa VI; Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng; Thứ trưởng Bộ Lương thực (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… Bên cạnh đó ông Trương Văn Kiện còn tham gia hoạt động trên nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau: Làm báo, tuyên giáo; làm công tác tổ chức, văn phòng…
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh trong một lần đi cơ sở. Ảnh TL
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh trong một lần đi cơ sở. Ảnh TL

Những năm tháng hoạt động sôi nổi và thành công nhất của ông Trương Kiện là từ khi được Tỉnh ủy Nghệ An tăng cường về làm Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu lần thứ hai và khi được Trung ương điều trở lại làm chủ trì tỉnh Nghệ An và tỉnh Nghệ Tĩnh sau khi hợp nhất. Những đóng góp của ông cho các phong  trào thi đua, xây dựng kinh tế tỉnh nhà đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng cho đến ngày nay. Với tầm nhìn xa rộng, quyết đoán ông đã “bấm trúng nút” để tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội ở mảnh đất được biết đến là giàu nhiệt huyết cách mạng nhưng khắc nghiệt và đói nghèo.

Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, khi Tỉnh ủy Nghệ An quyết định tăng cường ông về làm Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu, ông đã nêu quyết tâm trước Đảng bộ và nhân dân  huyện nhà: “Muốn no ấm thì phải thâm canh, muốn thâm canh có hiệu quả thì yếu tố quan trọng và trước tiên phải là nguồn nước”. Thế là Quỳnh Lưu tiến quân vào mặt trận làm thủy lợi với khẩu hiệu: “Nghiêng đồng đổ nước ra sông và treo nước trên ngọn cây”.

Một góc thị xã Hoàng Mai hiện nay. Ảnh TL
Một góc thị xã Hoàng Mai hiện nay. Ảnh tư liệu

Vào cuối năm 1963, hơn 16.000 lao động huyện Quỳnh Lưu đi đào kênh tiêu Bình Sơn với chiều dài hơn 8 km giải quyết úng lũ cho 5 xã trung tâm vùng nông giang của huyện với diện tích hơn 2.000 ha, thay cho dòng sông Ngân đã bị bồi lắng. Bình Sơn (Quãng Ngãi) là huyện kết nghĩa với Quỳnh  Lưu những năm chiến tranh, khi đất nước còn  bị chia cắt. Tiếp đó, trong 3 năm 1964-1966, Quỳnh Lưu lại tiến quân lên vùng bán sơn địa xây hồ, đắp đập. Hồ An Ngãi ở xã Quỳnh Tân với trữ lượng trên 3 triệu m3 nước; hồ 3/2 ( khe Gỗ ) ở xã Quỳnh Tam trữ lượng trên 5 triệu m3 nước, tưới cho 3 xã Quỳnh Tam, Quỳnh Châu và Tân Sơn và một số công trình thủy lợi ở các xã  Quỳnh Thắng, Quỳnh Vinh, Ngọc Sơn... Những công trình thủy lợi trên tuy quy mô khiêm tốn, nhưng có ý nghĩa rất to lớn là mở đầu cho phong trào làm thủy lợi, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp của Quỳnh Lưu. Đó được xem là yếu tố tạo ra bước nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế huyện Quỳnh Lưu trên lĩnh vực nông nghiệp.

Với kết quả và kinh nghiệm ở Quỳnh Lưu, khi được điều trở lại tỉnh Nghệ An, ông đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch UBHC tỉnh kiêm Trưởng Ty Nông nghiệp. Khi ông làm Trưởng Ty, nông nghiệp Nghệ An lại sôi động phong trào thâm canh. Ông đã dẫn đầu đoàn cán bộ nông nghiệp tỉnh, huyện, cơ sở đi tham quan Thái Bình để học tập kinh nghiệm làm bèo hoa dâu và thâm canh. Ông đã  cùng lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng được nhiều mô hình sản xuất giỏi, tiêu biểu là HTX Hồng Long ở xã Quỳnh Hồng (huyện Quỳnh Lưu) và HTX Ba Tơ ở xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên). Hai HTX này và hai vị chủ nhiệm là Hoàng Quốc Đông và Cao Lục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Lúc bấy giờ đã có câu thành ngữ: “Ty ông Kiện, huyện Quỳnh Lưu” để ca ngợi ngành Nông nghiệp tỉnh và phong trào sản xuất ở huyện Quỳnh Lưu.

Hồ Kẻ Gỗ - công trình thủy nông để lại dấu ấn của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh Trương Kiện. Ảnh tư liệuHồ Kẻ Gỗ - công trình thủy nông để lại dấu ấn của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh Trương Kiện. Ảnh tư liệu

Năm 1976, tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh, ông Trương Kiện được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh; Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương khóa IV; Đại biểu Quốc hội  khóa VI. Khi được giao đảm nhận một trong hai vị trí chủ chốt của tỉnh, ông lại cùng với lãnh đạo tỉnh quyết tâm đẩy mạnh công tác thủy lợi. Mở đầu là đào kênh tiêu Vách Bắc, tiêu úng cho vựa lúa 2 huyện phía Bắc là Yên Thành và Diễn Châu. Rồi công trình đắp đập sông Nghèn và đặc biệt là công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ.

Công trình có dung tích 345 triệu m3 nước, giải quyết thủy lợi cho 21.000 ha của 63 xã 2 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh. Công trình dự kiến thực hiện trong 10 năm. Quá trình thi công đã vượt kế hoạch đề ra và hoàn thành chỉ trong 3 năm. Kẻ Gỗ hôm nay không chỉ là một công trình dân sinh kinh tế mà còn là một điểm du lịch khá hấp dẫn của tỉnh Hà Tĩnh. 

Đồng chí Trương Kiện trong lễ phát động xây dựng công trình thủy nông hồ Kẻ Gỗ. Ảnh TL
Đồng chí Trương Kiện trong lễ phát động xây dựng công trình thủy nông hồ Kẻ Gỗ. Ảnh tư liệu

Nhưng trong lòng của người con quê hương Quỳnh Lập hẳn đã rất trĩu nặng và có thể xem đó là nỗi day dứt, trăn trở lớn nhất của đời ông. Hệ thống kênh tưới Bắc huyện Đô Lương được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, qua gần 50 năm công trình bị sạt lở, bồi lắng cản trở dòng chảy. Tỉnh quyết định nạo vét tu sửa công trình này. Khi thi công công trình thì xảy ra một thảm họa lớn. Do đổ đất nạo vét kênh không đúng quy chuẩn nên bờ kênh bị trượt, cống Hiệp Hòa bị sập trong khi hàng trăm công nhân đang làm việc cao điểm… Gần 98 người đã tử vong. Trách nhiệm chính thuộc về cán bộ kỹ thuật. Nhưng là trưởng ban công trình nên ông Trương Kiện cũng là người liên quan và sự kiện đau buồn ấy đeo đuổi ông cho đến trước khi nhắm mắt.

Khi ông Trương Kiện công tác ở Bộ Lương thực, một lần tôi gặp ông khi về thăm Quỳnh Lưu. Hai anh em tâm sự vui vẻ, kết thúc câu chuyện, ông cười và nói: “Tớ ra bộ, nhưng không phải bộ” câu nói vui nhưng rất hóm, và cũng là một vế đối hóc búa vì rất đa nghĩa. Không hiểu từ đó đến nay đã ai đối lại được chưa.

Một góc biển Quỳnh. Ảnh: Nhật Thanh
Một góc biển Quỳnh. Ảnh: Nhật Thanh

Tuy không được làm việc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông, nhưng khi về công tác tại Huyện ủy Quỳnh Lưu, tôi được gặp và tiếp xúc với ông khá nhiều. Đó là những lần đi họp ở tỉnh và khi ông ra làm việc với Quỳnh Lưu thì tôi thường được trực tiếp đưa ông xuống các cơ sở theo yêu cầu. Tác phong làm việc của ông nhanh gọn, những ý kiến của ông mới và xác thực, mở ra ý tưởng tốt cho cấp dưới. Đặc biệt, ông có năng khiếu phát biểu. Bài phát biểu của ông có tính hùng biện, sâu sắc, có phân tích, so sánh nên sức thuyết phục rất cao. Tôi được nghe kể rằng khi làm Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu, ông phát biểu trong cuộc mít tinh ra quân đào kênh Bình Sơn, hàng vạn người tại buổi lễ im phăng phắc lắng nghe. Khi ông đã nghỉ hưu, mỗi lần về Quỳnh Lưu, tôi hay đến nhà khách huyện thăm ông và có vài lần ông đến nhà tôi chơi. Khi biết anh em văn nghệ Quỳnh Lưu tổ chức chương trình thơ nhạc ông cũng sẵn sàng đi dự và nói chuyện thơ. Là một người ở chức vụ như vậy nhưng tôi thấy ông giản dị, dễ gần. Nói chuyện với ông, người nghe thu nhận được nhiều thông tin bổ ích.

Ông Trương Kiện đã ra đi mãi mãi; nhưng hình ảnh một người lãnh đạo năng động, sáng tạo, tác phong sâu sát, gần gũi vẫn đẹp mãi trong tình cảm của nhân dân xứ Nghệ.

Tin mới