Nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam: “Tham nhũng ẩn mình trong hệ thống chính trị“

Theo các đại biểu, muốn chống tham nhũng hiệu quả phải kiểm soát được quyền lực, điều tra, xử lý nghiêm không trừ một ai.

Ngày 6/8, tại hội thảo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí khu vực phía Nam, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm nói rằng, tham nhũng là giặc nội xâm, rất tinh vi mang danh đột lốt và ẩn mình trong hệ thống chính trị nên khó nhận ra, phòng chống rất khó. Muốn phát huy vai trò của Mặt trận trong công tác phòng chống tham nhũng thì trước hết Mặt trận phải mạnh mới giám sát được.

Để có cơ chế giám sát quyền lực, ông Đảm đề nghị MTTQ tiếp tục kiến nghị để có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ, hoặc mỗi năm một lần đối với những người do HĐND bầu ra.

"Lấy phiếu tín nhiệm là có cơ sở đánh giá một cách chính xác cán bộ. Tôi có niềm tin như vậy, chứ nói chung chung không bao giờ có hiệu quả", ông Đảm nêu quan điểm.

Nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam: “Tham nhũng ẩn mình trong hệ thống chính trị“ ảnh 1

Ông Huỳnh Đảm. Ảnh: Minh Ngọc.

Không nên đặt nặng vai trò cá nhân

Trong khi đó, phát biểu với tư cách là nhà khoa học, TS Nguyễn Ngọc Điện (Hiệu phó Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM) thấy hoài nghi về khả năng thành công của Luật Phòng chống tham nhũng mà Quốc hội chuẩn bị thông qua.

"Ngay từ cách chúng ta đặt vấn đề và phương pháp giải quyết vấn đề đã không ổn. Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng hiện còn chưa rõ ràng trong việc xác định vai trò của các lực lượng phòng chống, còn đặt nặng vai trò cá nhân trong công tác này", ông đánh giá.

Theo ông Điện, chống tham nhũng là cuộc chiến với sự đối đầu của thế lực tham nhũng và thế lực phòng chống. Chỉ có những tổ chức, những lực lượng lớn mạnh mới có khả năng giành chiến thắng. Nói cách khác, muốn phòng chống tham nhũng phải nêu cao vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức xã hội.

"Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng cần được viết lại. Nếu cứ để vậy mà thông qua thì rốt cuộc nó cũng sẽ có chung số phận với các Luật Phòng chống tham nhũng trước đây. Chúng ta cần cần xác định những tổ chức xã hội là trung tâm chứ không phải những cá nhân là nhân vật trung tâm trong cuộc chiến này", ông Điện nói và cho là phải xây dựng tốt các lực lượng xã hội, trao cho họ những công cụ, quyền hạn hữu ích thuận lợi trong việc tham gia vào cuộc chiến này.

Ngăn chặn tham nhũng về chính sách

Cùng quan điểm Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi năm 2012 còn nhiều điểm bất cập, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM) cho rằng dự thảo chưa phát huy hiệu quả, dù bổ sung nhiều quy định mang tính đột phá nhưng còn một số điểm không hợp lý.

"Bản chất của tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn lạm dụng quyền lực để vụ lợi. Do đó, muốn kiểm soát tham nhũng thì ít nhất kiểm soát được quyền lực. Cần có cơ chế giám sát hoạt động của các đơn vị phòng chống tham nhũng, điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm tham nhũng mà không trừ một ai", ông Hậu nói.

Vấn đề khác rất quan trọng trong công cuộc chống tham nhũng, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, là phải xử lý tận gốc tham nhũng về chính sách - loại tham nhũng làm kìm hãm sự phát triển của xã hội, dẫn đến sự méo mó, cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

"Những kẻ đầu cơ hoặc nhóm lợi ích móc nối các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền soạn thảo, thông qua quyết sách để đưa ra chính sách có lợi cho họ", ông Hậu nêu.

Để chống loại tham nhũng này cần thay đổi tư duy quản lý và nhận thức về vai trò của các chính sách, pháp luật. Từ đó lường được những hậu quả khi soạn thảo, ngăn chặn việc tác động và làm sai lệch chính sách của các nhà đầu cơ.

Nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam: “Tham nhũng ẩn mình trong hệ thống chính trị“ ảnh 2

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Thiên Ngôn.

Trong khi đó, GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và pháp luật (thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, ở nước ta cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước chưa hiệu quả, mang tính hình thức. Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực gần 5 năm nhưng những cơ sở hiến định cho việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế này chưa thực sự phát huy vai trò.

Theo ông Đường, cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế này nhằm góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong đó phải đổi mới tư duy, nhận thức về giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Hệ thống quản lý không tự phát hiện tham nhũng

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra thực tế rất ít vụ tham nhũng được phát hiện từ trong hệ thống. Tuy nhiên, ở các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cho biết rất bức xúc và đã gửi đơn khiếu nại về các trường hợp tham nhũng. Điều này báo chí cũng phản ánh rất nhiều.

"Nguy cơ tham nhũng có rất nhiều nhưng vấn đề nằm ở chỗ phân công xử lý còn nhiều hạn chế", ông Nhân nói và cho biết Thành ủy đã có cơ chế xử lý thông tin về suy thoái tư tưởng.

Cụ thể là Quy định 1374 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật.

Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Tô Thị Bích Châu thông tin thêm, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã tiếp nhận và xử lý 7 đơn phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức, cá nhân có những hành vi vi phạm theo Quy định 1374.

Tuy nhiên, bà Châu nhìn nhận, công tác phối hợp với các tổ chức thực hiện việc giám sát thái độ giao tiếp, thực thi công vụ của cán bộ công viên chức; nhất là ở người đứng đầu chưa được thường xuyên.

Tin mới