Nguyễn Duy Trinh - người con ưu tú của quê hương Nghệ An

(Baonghean) - Nhận xét về nhà ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Anh Nguyễn Duy Trinh là một đồng chí lãnh đạo có tác phong khiêm tốn, đoàn kết, điềm tĩnh, cụ thể, tỉ mỉ, một phong cách làm việc nghiêm túc, nói đi đôi với làm, coi trọng gắn lý luận với thực tiễn”.

“Cả Biền xuất quỷ nhập thần”

Làng Cổ Đan nép bên bờ Lam, vào chiều 20/5/1965 (ngày 20/4 Ất Tỵ) oằn mình dưới trận bom hủy diệt, khiến 48 dân thường bị sát hại, hàng chục người khác bị thương, biến ngôi làng thành vùng trắng, toàn bộ cư dân phải rời làng đi tìm đường sống... Mùa hè năm 1965, tại nơi sơ tán kỳ Đùng Ràn, bà ngoại tôi tên là Nguyễn Thị Thẹp (1893 - 1981), mấy chục năm mắt chìm trong bóng tối, nhưng khi nghe Đài TNVN xướng danh Nguyễn Duy Trinh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thì mắt bà ngỡ như sáng lại. Trưa ấy, ngoại kể cho tôi nghe chuyện về “anh cả Biền xuất quỷ nhập thần”.

Vợ chồng cụ Nguyễn Đình Tiếp và Hoàng Thị Lựu (còn gọi là bà Thất Xứ) sinh Nguyễn Đình Biền là trưởng nam. Cụ Nguyễn Đình Tiếp là anh con bác, bà ngoại tôi là em con chú thuộc họ Nguyễn Đình - Thượng Xá - Nghi Hợp. Ông Nguyễn Duy Trinh gọi ngoại tôi bằng O (cô).

Nguyễn Duy Trinh -  người con ưu tú của quê hương Nghệ An ảnh 1
Nguyễn Duy Trinh - nhà ngoại giao xuất sắc.

Từ thời Nghệ An bị Pháp khủng bố trắng, cả Biền và các chiến sỹ yêu nước nằm vùng được gia đình ngoại tôi và dân làng Cổ Đan âm thầm đùm bọc, chở che. Thế nên sau hơn ba chục năm, dù ông đã làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thì trong tâm thức ngoại tôi và những cao niên người làng vẫn gọi ông Nguyễn Duy Trinh là cả Biền.

Nguyễn Duy Trinh tên khai sinh là Nguyễn Đình Biền, sinh ngày 15/7/1910 tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị (1956 - 1976), nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1965 - 1980). Ông mất ngày 20/4/1985 tại Hà Nội, thọ 76 tuổi.

Xuất thân từ gia đình thuần nông, cả Biền sớm kế thừa truyền thống yêu nước thương nòi. Năm 1927, ông tham gia phong trào học sinh yêu nước tại thị xã Vinh. Năm 1928, ông gia nhập Đảng Tân Việt – một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối tháng 11/1928, ông đang hoạt động cho Đảng Tân Việt tại Đakao Sài Gòn (nay thuộc quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) thì bị Pháp bắt. Vì chưa đủ 18 tuổi nên bị địch nhốt vào khám vị thành niên, bị kết án 18 tháng tù. Ở trong tù tháng thứ 8 thì ông bị trục xuất về nguyên quán.

Từ tháng 5/1930 đến tháng 5/1931, cao trào Xô Viết phát triển mạnh tại huyện Nghi Lộc, thực dân Pháp tăng cường bắt bớ, truy lùng, hàng trăm chiến sỹ yêu nước bị giết hại, hàng chục ngôi làng bị triệt phá. Ngày 13/9/1931, cơ quan Huyện ủy Nghi Lộc bị bao vây, một số cán bộ Xứ ủy, Huyện ủy bị địch bắt, các tổ chức Đảng bị tổn thất nặng nề. Trước tình thế đó, Nguyễn Đình Biền chủ động móc nối với một số đồng chí may mắn thoát khỏi khủng bố. Sau khi chủ trì lập ra Ban cán sự của Huyện ủy để khôi phục phát triển phong trào tại Nghi Lộc từ trong máu lửa, ông được các đồng chí bầu làm Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc.

Bàng Nguyên là em ruột bà Thất Xứ, ông ta làm tay sai cho Pháp, một hôm Nguyên dẫn lính Pháp và tay sai thình lình về vây làng Cổ Đan. Chúng chốt chặn các ngõ ngách, lục soát khám xét toàn bộ nhà dân. Hôm ấy, cả Biền đang trong buồng không kịp thoát ra ngoài, đang tiến thoái lưỡng nan, bà Thất Xứ liền ấn đầu con trai xuống nền nhà, bình tĩnh ngồi lên ghế để tấm váy trùm kín hình hài. Vừa lúc Bàng Nguyên dẫn lính vào nhà lục soát, bà Thất Xứ vẫn ngồi khâu vá trước thềm lạnh lùng nói với hắn:

- Hắn đi biệt tăm biệt tích có mô ở nhà mà cậu tìm!

Sau bữa đó dân làng Cổ Đan rì rầm cả Biền có phép tàng hình mới thoát khỏi cuộc vây ráp rất quy mô. Nhưng sau đó không lâu, ngày 18/12/1932 Nguyễn Đình Biền bị địch bắt, bị lưu đày qua các nhà tù khét tiếng như Vinh, Kon Tum, Côn Đảo...

Ra tù tháng 5/1945, tháng 8/1945 Nguyễn Đình Biền tham gia khởi nghĩa tại Vinh và Huế. Ông lần lượt giữ chức Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung Bộ. Năm 1949 là Bí thư Liên khu ủy V, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Trung Bộ. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (tháng 3/1951), Nguyễn Duy Trinh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; năm 1954 ông là Chánh Văn phòng Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tư lệnh xuất sắc trên mặt trận ngoại giao

Mảnh đất Cổ Đan - Phúc Thọ từng sinh ra và nuôi dưỡng nhiều danh nhân nổi tiếng. Từ bề dày truyền thống yêu nước của gia đình - dòng họ - quê hương, Nguyễn Đình Biền sớm tự giác rèn phẩm cách đạo đức cách mạng.

Năm 1955 ông Trinh được bầu vào Ban Bí thư; năm 1956 ông là Ủy viên Bộ Chính trị; năm 1958 là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Tại Đại hội III của Đảng vào năm 1960 ông tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, rồi kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước (từ năm 1963); tháng 4/1965 là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Từ năm 1965, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Nguyễn Duy Trinh luôn thể hiện được tầm vóc của một nhà ngoại giao xuất sắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét về ông: “Trong công tác ngoại giao anh đã cùng với Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề xuất những chủ trương đối ngoại đúng đắn, sáng tạo… Qua công tác đối ngoại, anh thể hiện là một nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta”. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông hiện thực hóa lời dạy “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách trọn vẹn. Là nhà ngoại giao từng bôn ba năm châu bốn biển, ông vượt lên những cuộc đấu trí vì mục đích đoàn kết, tập hợp lực lượng quốc tế hiểu đúng Việt Nam, giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ. Ông để lại những dấu ấn trên trường quốc tế về một nhà ngoại giao sâu sắc với mục đích cao nhất là hòa bình, quyền và lợi ích chính đáng của Tổ quốc, nhân dân Việt Nam.

Khu lưu niệm nhà ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tại xóm 10, xã Phúc Thọ (Nghi Lộc). Ảnh: Giao Hưởng
Khu lưu niệm nhà ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tại xóm 10, xã Phúc Thọ (Nghi Lộc). Ảnh: Giao Hưởng

Sau khi đất nước thống nhất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đề nghị Bộ Chính trị mở rộng quan hệ láng giềng với các nước trong khu vực. Tháng 12/1976, Đại hội Đảng lần thứ IV tiếp tục bầu ông Nguyễn Duy Trinh vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bầu vào Bộ Chính trị, vào Ban Bí thư Trung ương, tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho đến năm 1980. Năm 1982, tại Đại hội lần thứ V của Đảng, ông tiếp tục được bầu vào BCH Trung ương. Và cho dù được  giao vị trí công tác nào ông vẫn giữ đức tính cần kiệm, giản dị, yêu mến nhân dân. Với 76 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Nguyễn Duy Trinh thuộc lớp cán bộ tiền bối cách mạng với gần 60 năm liên tục cống hiến cho Tổ quốc. Tên ông được đặt làm tên đường tại thành phố Vinh, TP. Hồ Chí Minh. Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông  (15/7/2010), một ngôi trường cấp 3 của huyện Nghi Lộc được vinh dự mang tên Trường THPT Nguyễn Duy Trinh.

Tin mới