Nguyễn Tất Thành và khát vọng cứu nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Với ý chí, khát vọng và một hoài bão cứu nước, cứu dân mãnh liệt, cách đây 111 năm, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành đã vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ trong hành trình bôn ba 30 năm tìm đường cứu nước.

TÌM CON ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC

Vào cuối thế kỷ XIX, dân tộc Việt Nam bị thực dân Pháp thống trị, chế độ phong kiến ngày càng thối nát. Các phong trào đấu tranh yêu nước nổ ra liên tiếp và theo nhiều khuynh hướng khác nhau, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can... đã tìm đường cứu nước, nhưng kết cục đều bị thất bại.

Giữa hoàn cảnh tối tăm ấy, ngày 5/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với ý chí cứu nước mãnh liệt và lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

Tranh minh hoạ người thanh niên Nguyễn Tất Thành tìm đường cứu nước. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Tranh minh hoạ người thanh niên Nguyễn Tất Thành tìm đường cứu nước. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Trên con đường tìm chân lý của mình, Nguyễn Tất Thành đã đi đến “những đất tự do, những trời nô lệ”, tìm hiểu đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động, giới thợ thuyền, những người nông dân nghèo khổ đến các nông thôn hẻo lánh ở New York, Luân Đôn, Paris, Thái Lan, Trung Quốc... để tìm hiểu, tham gia vận động và tổ chức các phong trào cách mạng. Người đã nghiên cứu những cuộc cách mạng đã giành thắng lợi tại những nước tư bản phát triển nhất. Đó là cách mạng Mỹ (năm 1776), cách mạng tư sản Pháp (năm 1789) và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân. Người rất khâm phục tinh thần cách mạng ở những nước này, nhưng không thể đi theo con đường cách mạng của họ được. Vì như Người đã nói: “Cách mệnh Mỹ cũng như cách mệnh Pháp nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(1).

Tháng 11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại thắng lợi, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử xã hội loài người. Giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc rời Pháp sang Liên Xô trực tiếp tìm hiểu và hoạt động tại quê hương V.I.Lênin, tìm hiểu kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, quan sát trực tiếp nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, đồng thời tham gia hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Với tầm nhìn chiến lược của một nhà cách mạng kết hợp với thực tiễn Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc xác định được con đường giải phóng dân tộc, đã giải bày đúng đắn vấn đề mà Người rất quan tâm. Đó là con đường giải phóng dân tộc bị áp bức, độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội, góp phần định hướng con đường cứu nước, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đứng hẳn về con đường Cách mạng Tháng Mười, về chủ nghĩa Mác-Lênin, về Quốc tế Cộng sản. Như Người đã ghi lại trong tác phẩm Đường Kách mệnh: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mạng để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”(2).

Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911. Ảnh: Tư liệu

Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911. Ảnh: Tư liệu

Với lập trường yêu nước đúng đắn, Người đã vạch ra chân lý sáng ngời cho dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản(3). Người còn chỉ rõ: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”.

Cùng với những chuyển biến trên, cách mạng Việt Nam lúc này bắt đầu có những chuyển biến mới gắn liền với hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng ở các nước thuộc địa Pháp lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, nhằm tập hợp lực lượng chống chủ nghĩa thực dân.

Đến năm 1924, sau 13 năm tìm đường cứu nước, Người rời đất nước Nga Xô Viết trở về Phương Đông, Quảng Châu (Trung Quốc) gần Tổ quốc Việt Nam để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tới Quảng Châu, Người đã cùng những nhà lãnh đạo cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông.

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trên cơ sở cải tổ Tâm Tâm xã. Cùng với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin tạo nên những tác động trực tiếp đến sự chuyển biến của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, Người chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

TỪ LÒNG YÊU NƯỚC BÁC ĐÃ ĐẾN VỚI CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN

Là người Việt Nam đầu tiên từ lòng yêu nước mà đến với chủ nghĩa cộng sản, suốt 30 năm bôn ba nước ngoài, Bác Hồ đã đặt chân lên 28 quốc gia, 4 châu lục, kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau để hoạt động cách mạng, Người đã nhận ra sâu sắc sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười, đó là: Muốn giải phóng dân tộc thì phải làm cách mạng vô sản. Cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi không những tiếp tục củng cố sự nghiệp giải phóng đất nước về chính trị mà còn giải phóng một bước cao hơn về kinh tế, thực hiện dân chủ, công bằng, tự do, bình đẳng, đem lại nền văn minh, dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cách mạng xã hội chủ nghĩa đưa dân tộc ta trở thành một dân tộc khoa học, trí tuệ và hiện đại, trải qua trăm ngàn thử thách, ngày càng giành thêm những thắng lợi mới.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, năm 1920. Ảnh tư liệu

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, năm 1920. Ảnh tư liệu

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta từ ngày thành lập Đảng. Kiên định và thực hiện sáng tạo đường lối nhất quán ấy. Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện. Suốt cuộc đời vì nước vì dân, di sản vô giá mà Người để lại cho Tổ quốc ta, Nhân dân ta chính là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh sáng ngời cùng thời gian.

Kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022), chúng ta luôn ghi nhớ đây là cột mốc quý, mốc son vàng của lịch sử dân tộc, có ý nghĩa trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Nhớ về Người, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân phấn đấu đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đồng thời, ra sức đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, khóa XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, biểu hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong công việc và đời sống hằng ngày; noi theo tác phong giản dị, tinh thần cầu tiến, hoài bão cống hiến của Bác Hồ làm kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động, biến việc học tập cuộc đời, sự nghiệp của Bác thành mối quan tâm thường xuyên trong mỗi con Lạc cháu Hồng đất Việt, “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng “Ý Đảng, lòng dân”, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

__________________________

Tư liệu tham khảo:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.31.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr. 304.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr.603Ths. Nguyễn Thanh Hoàng

Tin mới