Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Mất cán bộ rất đau

Nói về hàng loạt án kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên gần đây, kể cả cán bộ cấp cao, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: “Mất cán bộ là rất đau, mất một cán bộ là thiệt hại cho tổ chức, cho cách mạng”.

Nguyên Tổng bí thư cho rằng, cán bộ là vấn đề có tính chất quyết định. Việc lựa chọn, đào tạo cán bộ trở thành lãnh đạo quản lý là một bước vô cùng quan trọng. 

Ông chia sẻ:

Tôi và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới ngồi với nhau cũng có nói đến vấn đề này. Chúng ta vừa qua đã làm được nhiều việc, nhưng tại sao mấy ông phụ trách về kinh tế, ngân hàng lại để xảy ra nhiều sai phạm như vậy.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Bản thân cán bộ là một chuyện, nhưng tổ chức quản lý cán bộ phải chặt chẽ, phải hiểu được quá trình trưởng thành của cán bộ, có ưu điểm, nhược điểm gì. Còn cứ để thế, quan liêu không nắm, chỉ thấy vài thành tích tốt rồi tâng lên ghê gớm khiến họ tự kiêu, trở thành người thành tích.

Còn những điểm yếu nảy sinh có vài vấn đề mà không thấy hoặc bỏ qua thì điểm yếu, cái xấu nảy sinh ra ngày càng nhiều hơn khiến cái mạnh giảm đi, cái yếu tăng lên, khiến cán bộ ban đầu tốt nhưng về sau xấu, sau đó thoái hoá dần dần, người tốt cũng có khi thành xấu.

Chưa kể đến tiêu cực, hiện tượng nể nang, bao che để đến lúc bùng lên bị kỷ luật, mất cán bộ. Mất cán bộ là rất đau, vì để bồi dưỡng được một cán bộ đòi hỏi rất nhiều vấn đề, mất một cán bộ là thiệt hại cho tổ chức, cho cách mạng.

Có những cán bộ có biểu hiện không tốt từ khi còn ở cấp nhỏ nhưng ta không theo sát, không đánh giá được diễn biến, con người của họ.

Công tác cán bộ giống như gieo hạt giống, phải theo dõi xem nó phát triển thành cây như thế nào. Đánh giá con người phải hết sức khách quan và rất trong sáng, nội bộ mà không trong sáng thì khó đánh giá lắm.

Như Bí thư Đà Nẵng, người ta có ý kiến, có phản ánh trước đó, tôi cũng vào và nói rồi. Không phải dân không biết, Đảng bộ không biết, mà họ biết nhưng không nói, không nói trong tổ chức nhưng bên ngoài người ta nói.

Tôi hoan nghênh việc tốt cứ nói tốt, không tốt nói không tốt để sửa. Góp ý đúng thì sửa, không đúng thì thanh minh.

Khoá 11, 12 của TƯ vừa qua có những chuyển biến mạnh, trong đó đấu tranh chống tham nhũng có khá lên. Nhưng có những vụ xảy ra từ khóa 10, thậm chí có những vụ tôi có ý kiến từ năm 2010 nhưng 7 năm sau mới bắt. Vì vậy quan trọng là phải làm sớm, để bung ra rồi thì đã phá rất nhiều thứ.

Không chỉ xử cấp bộ trưởng 

Việc xử lý kỷ luật cán bộ đã và đang diễn ra nhằm tăng cường kỷ luật kỷ cương, thể hiện quyết tâm xử lý “không có vùng cấm” của Đảng?

Chúng ta đang chứng kiến những bước mạnh mẽ của TƯ, của Bộ Chính trị và Tổng bí thư. Chính điều đó nói lên quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực ‘không có vùng cấm’ của Đảng ta. Hiện giờ chúng ta đang làm, phải làm và nghiên cứu tiếp tục làm.

Đây là bước đi tốt, nhưng không phải như thế là xong mà làm sao để mọi đảng viên tự giác để không vi phạm pháp luật, giữ con người mình trong sáng. Sức đề kháng của mỗi đảng viên, dù ở cấp thấp hay cao đều phải có dũng khí giữ gìn. Còn có sai có kỷ luật, dứt khoát phải làm.

Ông thấy có thời kỳ nào “lò nóng” đến mức như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Lò đã nóng lên rồi, đến củi tươi cũng phải cháy”?

Nóng bỏng hay không thì trong Đảng cũng có lúc này lúc kia, có từng thời kỳ. Thời kỳ này ta dám làm, ta kiên quyết làm, tinh thần là cấp cao cũng không né tránh. Không chỉ là cấp bộ trưởng đâu mà còn cao hơn nữa.

Tới đây, hội nghị TƯ 6 có bàn về nhân sự, ông có gửi gắm và kỳ vọng gì?

Theo tôi cứ thẳng thắn, ưu điểm phải nói rõ, khuyết điểm đến đâu phải nói rõ đến đó, từ đó có mức xử lý cho phù hợp, nhưng dứt khoát phải có xử lý. Như vụ Đà Nẵng phải xử lý, quan trọng là xử lý mức độ nào.

Theo Vietnamnet.vn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới