Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - Vị 'tư lệnh' phòng chống tham nhũng

(Baonghean.vn) - Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã vĩnh biệt dương gian, song những cống hiến của đồng chí được cán bộ, đảng viên và Nhân dân ghi nhận. Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, đồng chí có những luận điểm và chỉ đạo tích cực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao Huy hiệu 70 tuổi Đảng đến nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (2019). Ảnh tư liệu
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao Huy hiệu 70 tuổi Đảng đến nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (2019). Ảnh tư liệu

Những luận điểm đi cùng thời cuộc

Trong thời gian giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có nhiều cống hiến trí tuệ cho đất nước. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 02/02/1999 Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” (Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII). Nghị quyết có 10 luận điểm, trong đó luận điểm thứ 5 nêu rõ: “Tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả”. Nội hàm của Luận điểm này có 5 điểm nêu rõ:

Thứ nhất: Các cấp ủy đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở nơi mình phụ trách. Bộ Chính trị phân công một số Ủy viên Bộ Chính trị, các cấp ủy phân công ủy viên ban thường vụ trực tiếp chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí quan liêu. Khi xảy ra tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực ở địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì tùy theo mức độ và tính chất vi phạm của vụ việc mà xem xét hình thức kỷ luật đối với cấp ủy và người đứng đầu về chế độ trách nhiệm. 

Thứ hai: Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp cùng với các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án phải nắm chắc tình hình và khẩn trương kiểm tra, kết luận, xử lý kịp thời đúng pháp luật những đơn tố cáo về đạo đức, lối sống tiêu cực của cấp ủy viên và người đứng đầu các cơ quan, trước hết đối với Ủy viên Trung ương, Trưởng ban, Bộ trưởng, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương và cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị.

 Thứ ba: Không ngừng hoàn thiện các chính sách, pháp luật, trước hết là về quản lý ngân sách, quản lý tài sản doanh nghiệp, quản lý đất đai nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực. Các chương trình kinh tế - xã hội, vǎn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại đều phải có biện pháp thực hành tiết kiệm và phòng chống tham nhũng. 

Thứ tư: Sử dụng đồng bộ hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là sự giám sát của tổ chức đảng, trước hết là từ chi bộ, sự giám sát của nhân dân và các cơ quan đại diện nhân dân, sự giám sát của công luận. Củng cố tổ chức và có cơ chế quản lý chặt chẽ bảo đảm các cơ quan kiểm tra, thanh tra, bảo vệ luật pháp trong sạch, vững mạnh để làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu.

Thứ năm: Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng nêu gương “người tốt, việc tốt” giới thiệu kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến; lên án cái xấu, cái ác, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội; chống những quan điểm sai trái, thù địch.

Chống tham nhũng từ những người có chức quyền

21 năm qua kể từ ngày Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII) ra đời, nhiều vấn đề đã được cụ thể hóa vào công tác lãnh đạo và có sức sống mãnh liệt. Những luận điểm của Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII) đang được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tiếp tục phát huy với những chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: NT/LĐO
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: NT/LĐO

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng chỉ đạo, cần có sự “ràng buộc” chặt chẽ giữa trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức với kết quả “thành công” hay “thất bại” của cơ quan mà người đứng đầu tổ chức ấy đảm trách.

 Trước tình hình tham nhũng lãng phí ngày càng tinh vi hơn, đồng chí đưa ra quan điểm: “Chống tham nhũng phải chống từ cơ quan công quyền, từ người có chức quyền”. Để trong sạch bộ máy, cơ quan công quyền phải “thanh liêm”. Muốn thanh liêm, phải chống tham nhũng. Chống tham nhũng trong cơ quan công quyền không phải “chống cơ quan đó” mà chống “lòng tham của con người trong cơ quan đó”. Con người trong cơ quan đó trước hết là người đứng đầu tổ chức, người nắm giữ quyền cao chức rộng, sau đó với đến cán bộ, đảng viên thuộc quyền.

Đậm chất lính với đức tính giản dị
 Hồi đó (năm 2003) tôi đang công tác ở huyện miền núi cao Con Cuông (Nghệ An). Cụ lên thăm huyện (lúc này cụ - đồng chí Lê Khả Phiêu - không làm Tổng Bí thư nữa) và tôi được ngồi cùng xe để dẫn cụ vào thăm thác Khe Kèm, nằm sâu trong rừng nguyên sinh Pù Mát.
Lúc bấy giờ đường vào thác chưa được rải nhựa, bằng phẳng, dễ đi như bây giờ. Qua một trận mưa thì rất trơn. Đến gần thác xe bị pan (mắc lầy). Tôi và chú cận vệ xuống xe để đẩy. Ngay lập tức thấy cánh cửa phía cụ ngồi bật ra và cụ nhanh nhẹn đi ra đuôi xe rồi... cũng đẩy. Chúng tôi không cho cụ làm, nhưng cụ khoát tay bảo “Mình làm được”. Chú cận vệ hiểu cụ nên nói: “Thôi để bác làm chứ không ngăn được đâu anh ạ”. Mọi người tròn mắt nhìn cụ khom lưng đẩy xe cùng 2 anh em. Lúc đó mà chụp được một pô ảnh thì thật là tuyệt vời, nhưng không kịp vì sự việc diễn ra nhanh quá. Đúng là chất lính!
Lúc quay trở ra có vài thanh niên đi rừng nhận ra cụ và có ý muốn được chụp ảnh với cụ nhưng còn ngại. Đoán được ý, cụ vẫy tay lại hỏi “Muốn chụp ảnh à? Thì ta chụp thôi”. Thật là giản dị.
Nhớ mãi tác phong dứt khoát của người lính, đức tính giản dị, gần gũi, đời thường đó của Cụ.
Viết ra đây với lòng kính trọng, tiếc thương thay nén hương tiễn đưa Cụ về với cõi vĩnh hằng!
Nguyễn Văn Thông

Tin mới