Nguyện vọng tha thiết của một gia đình chính sách

Đầu tháng 8/2022, ông Nguyễn Hữu Thân ở khối Xuân Nam, phường Hưng Dũng, TP. Vinh có đơn kiến nghị gửi đến Báo Nghệ An mong được giúp đỡ. Ông trình bày việc gia đình ông có cha là cán bộ tiền khởi nghĩa (1930 – 1931), thuộc diện gia đình có công với cách mạng. Hiện ông đang thờ cúng anh trai là liệt sỹ. Mảnh đất vợ chồng ông đang sinh sống là của cha ông để lại, nhưng đã hơn 40 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này đồng nghĩa với việc vợ chồng ông không có tài sản thế chấp để buôn bán, cải thiện cuộc sống, lo cho con cái ăn học; cũng không thể bán đất khi gia đình có việc cần sử dụng đến số tiền lớn như xây mới hoặc sửa chữa nhà cửa, phải chịu cảnh sống trong căn nhà đã dột nát, chắp vá, tạm bợ.

Để kiểm chứng những thông tin ông Nguyễn Hữu Thân trình bày, chúng tôi đã đến nhà ông. Quan sát thực tế cho thấy, tình trạng hư hỏng, xuống cấp của căn nhà vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thân đang ở tại số 24, đường Phùng Khắc Khoan, khối Xuân Nam, phường Hưng Dũng quả đúng như những gì ông trình bày.

Căn nhà của ông Nguyễn Hữu Thân nằm khuất sau con ngõ nhỏ ở đường Phùng Khắc Khoan, phường Hưng Dũng (TP. Vinh).
Căn nhà của ông Nguyễn Hữu Thân nằm khuất sau con ngõ nhỏ ở đường Phùng Khắc Khoan, phường Hưng Dũng (TP. Vinh).

Đường vào nhà của gia đình ông Nguyễn Hữu Thân đi sâu vào một con ngõ nhỏ men theo tường của dãy nhà cao tầng dọc đường Phùng Khắc Khoan. Trận mưa giữa tháng 8/2022 chỉ mới bắt đầu chừng 15 phút, con đường đất ngoằn ngoèo hình chữ S dẫn vào mảnh sân ghép gạch tạm bợ của gia đình ông đầy bùn, cát khá lầy sục khiến giày dép ướt nhẹp. Ghé thăm không báo trước, khi thấy chúng tôi đến, hai vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thân vội vàng dọn dẹp mấy chiếc xô, chậu hứng nước mưa đang đặt ngổn ngang trước sân, bên mép thềm. Ngay trước cửa ra vào gian nhà chính, một dòng nước chảy xối xả xuống mặt sân vì mái tôn bị thủng. Trần và tường xung quanh của mái via trước hiên nhà, một số vạt tường ở gian phòng khách và gian buồng cũng bắt đầu thấm đẫm nước, rỉ thành dòng.

“Nếu mưa to như thế này khoảng nửa tiếng nữa thì nhà tôi không đủ xô chậu mà hứng nước. Mấy chục năm nay rồi, mỗi lúc mưa bão là cả gia đình tôi không dám ngủ, vì sợ nhà sẽ sập. Bệnh tim của chồng tôi cũng vì thế mà ngày càng nặng” – bà Lê Thị Tuyết, vợ ông Thân buồn rầu cho biết. Chỉ mới mưa chưa đến nửa tiếng đồng hồ, nhưng mấy vạt rau trước sân đã ngập nước. Bên cạnh vườn rau là nhà tắm rêu mốc bám đầy tường, có diện tích chỉ đủ chỗ cho một người đứng cùng 1 chiếc chậu nhỏ đặt trong góc. Kế đó là khu bếp che bằng mái tôn, nước mưa đã ngập gần đến nơi kê nồi nấu, xung quanh là đủ thứ rổ rá, bao bì chất ngổn ngang.

Ông Thân cho biết, căn nhà vợ chồng ông và cô con gái hiện đang học năm thứ 6 Đại học Y khoa Vinh đang ở được xây dựng từ năm 1982. Thời điểm xây nhà, vì không có điều kiện kinh tế nên gia đình ông chỉ trát da mặt tường phía trong, còn mặt ngoài vẫn để vậy cho đến nay. Bởi thế, mỗi lúc trời mưa thì tường nhà ngấm đẫm nước. Ngôi nhà xây hai gian, gồm một gian buồng chỉ đủ để kê một chiếc giường và một chiếc bàn học. Gian chính cũng chỉ đủ để một bộ bàn ghế nhỏ, một chiếc giường và một chiếc tủ. Phía Tây của gian phòng khách, ở vị trí ngay trên cửa sổ có treo ban thờ anh trai ông Nguyễn Hữu Thân là liệt sỹ Nguyễn Hữu Khoa (hy sinh năm 1968). Theo quan sát của chúng tôi, mặt tường xung quanh ban thờ liệt sỹ Nguyễn Hữu Khoa đã có nhiều vết nứt ngang dọc, đe dọa bong tróc tường, rơi sập ban thờ bất cứ lúc nào. Không chỉ vị trí xung quanh ban thờ, mà nhiều nơi khác tường nhà cũng đã nứt toác, bong rơi vôi vữa. Những góc tường nối với trần nhà nhiều nơi đã hằn vệt nước chảy dài từ trên xuống dưới đen ngòm.

Căn nhà của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thân xây từ năm 1982 trong tình trạng không da trát phía ngoài, đã xuống cấp nghiêm trọng; Trong nhà, có nhiều vết nứt tường, vôi vữa bong tróc do hàng chục năm không được phép sửa chữa; khu vực vườn rau ngập nước chỉ sau trận mưa chừng 15 phút.
Căn nhà của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thân xây từ năm 1982 trong tình trạng không da trát phía ngoài, đã xuống cấp nghiêm trọng; Trong nhà, có nhiều vết nứt tường, vôi vữa bong tróc do hàng chục năm không được phép sửa chữa; khu vực vườn rau ngập nước chỉ sau trận mưa chừng 15 phút.

Nhà cửa càng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng là vậy, nhưng ông Nguyễn Hữu Thân cho biết: “Từ năm 1982 đến nay, gia đình tôi vẫn phải chịu sống cảnh không chủ quyền ngay trên mảnh đất cha ông để lại. Nhà xây xong một thời gian, khi có dấu hiệu hư hỏng, muốn sửa chữa thì chính quyền địa phương đến nhà thông báo là nhà của gia đình tôi nằm trong vùng di tích cần được bảo vệ, nên không được sửa chữa mà phải giữ nguyên trạng. Nhiều lần tôi viết đơn xin được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cán bộ địa chính UBND phường Hưng Dũng đều trả lời rằng, nhà tôi nằm trong vùng di tích nên không được cấp bìa”.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Hữu Thân: “Năm 2000, Đảng và Nhà nước có chủ trương cho từng hộ gia đình khai báo làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình tôi cũng tiến hành làm các thủ tục để được cấp bìa. Nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Mỗi lần có ý kiến phản ánh lên phường thì tôi đều nhận được câu trả lời của chính quyền địa phương rằng, nơi gia đình tôi đang ở hiện nay là địa chỉ di tích lịch sử cách mạng nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cũng có một số lần cán bộ phường, cán bộ Sở Văn hoá đến nhà tôi nói là khảo sát, xem qua hiện trạng rồi lại đi, chưa thấy có sự hướng dẫn nào để giúp đỡ gia đình tôi”.

Tìm hiểu, xác minh những nội dung ông Nguyễn Hữu Thân phản ánh, chúng tôi đã gặp lãnh đạo và cán bộ chuyên môn UBND phường Hưng Dũng, Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao. Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh – Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng, trường hợp mảnh đất hiện tại mà gia đình ông Nguyễn Hữu Thân đang sinh sống nằm trong Di tích Làng Đỏ thuộc phường Hưng Dũng. Hiện nay đây là di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia.

Bố của ông Nguyễn Hữu Thân – ông Nguyễn Hữu Diên là cán bộ tiền khởi nghĩa 1930 – 1931, từng tham gia nuôi giấu cán bộ, in ấn truyền đơn, tài liệu phục vụ cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vậy, Nhà nước đã quy hoạch địa điểm nhà ông Nguyễn Hữu Diên trở thành di tích lịch sử theo Hồ sơ Di tích Làng Đỏ do UBND tỉnh Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh lập ngày 26/4/1990.

Trên bản đồ quy hoạch đất đai của UBND phường Hưng Dũng hiện nay thể hiện mảnh đất gia đình ông Nguyễn Hữu Thân là thửa đất số 03, tờ bản đồ số 33, có diện tích 2000,6m²; hiện toàn bộ diện tích của thửa đất đang nằm trong vùng bảo vệ của Di tích Làng Đỏ. Vì vậy, UBND phường không có thẩm quyền để giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Nguyễn Hữu Thân.

Sơ đồ khu vực bảo vệ của Di tích Làng Đỏ (vùng đánh dấu gạch chéo) bao phủ toàn bộ diện tích đất của ông Nguyễn Hữu Thân.
Sơ đồ khu vực bảo vệ của Di tích Làng Đỏ (vùng đánh dấu gạch chéo) bao phủ toàn bộ diện tích đất của ông Nguyễn Hữu Thân.

Theo hồ sơ Di tích Làng Đỏ, Quyết định số 84-QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch ngày 27/4/1990, Di tích Làng Đỏ được công nhận là di tích lịch sử cách mạng năm 1990 có 5 địa điểm lịch sử tại Làng Đỏ, Hưng Dũng, gồm: Dăm Mụ Nuôi – nơi thành lập Chi bộ Đảng Hưng Dũng; Cây sanh chùa Nia; đình Trung; nhà ông Nguyễn Hữu Diên; nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến; nhà ông Lê Mai. Tại điều 2 của quyết định này ghi rõ: “Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực bảo vệ di tích đã khoanh vùng. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở nơi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch”.

Trao đổi về những phản ánh và nguyện vọng của ông Nguyễn Hữu Thân, bà Phan Thị Anh – Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, nhà ông Nguyễn Hữu Diên là 1 trong 3 trường hợp nằm trong Di tích Làng Đỏ. Theo quy định của pháp luật, khi Nhà nước quy hoạch phần đất của cá nhân trở thành di tích lịch sử, nằm trong vùng bảo vệ di tích lịch sử cấp quốc gia thì chỉ khi được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, cá nhân mới được cấp đổi, đền bù đất ở nơi khác, nếu phường, xã có thể bố trí được quỹ đất. Trường hợp địa phương không còn quỹ đất thì UBND tỉnh, trực tiếp là Sở Văn hóa và Thể thao có nghĩa vụ xem xét, lập hồ sơ đề nghị khoanh vùng lại di tích cần bảo vệ, sau đó địa phương sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình trên phần đất còn lại.

Như vậy, việc các gia đình nằm trong vùng bảo vệ của Di tích Làng Đỏ có nguyện vọng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chính đáng và được pháp luật quy định cụ thể. Thực tế, qua tìm hiểu, chúng tôi cũng được cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, trước đây toàn bộ phần đất của cả 3 hộ gia đình đều nằm trong vùng bảo vệ của Di tích Làng Đỏ. Khoảng đầu những năm 2000, dựa trên đề nghị của các hộ gia đình và trên kết quả khảo sát, đánh giá lại hiện trạng các địa điểm di tích, các ban, ngành đã thực hiện các bước lập hồ sơ đề nghị Trung ương chấp thuận phương án khoanh vùng lại di tích đối với 3 hộ gia đình, trong đó có hộ ông Nguyễn Hữu Thân (tức là Di tích nhà ông Nguyễn Hữu Diên).

Ông Nguyễn Hữu Thân chỉ vị trí ngày xưa cha ông chôn dấu tài liệu.
Ông Nguyễn Hữu Thân chỉ vị trí ngày xưa cha ông chôn dấu tài liệu.

Tuy nhiên, trong quá trình lập hồ sơ đề nghị khoanh vùng lại di tích thì người thân của ông Nguyễn Hữu Thân có đơn đề nghị xem xét lại việc chia tài sản thừa kế là đất đai của cha ông để lại, trong đó có liên quan mảnh đất mà hộ ông Nguyễn Hữu Thân đang sinh sống. Vì xảy ra tranh chấp, ranh giới đất đai chưa được thống nhất nên các cấp, ngành lúc đó đã tạm gác việc đánh giá hiện trạng và khoanh vùng lại di tích của nhà ông Nguyễn Hữu Diên, mà chỉ hoàn thiện hồ sơ đối với 2 hộ còn lại.

Đến năm 2014, sau khi được cấp Trung ương chấp thuận cho khoanh vùng lại Di tích Làng Đỏ đối với 2 Di tích nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến và Di tích nhà ông Lê Mai, dựa trên hồ sơ khoanh vùng lại di tích, chính quyền phường Hưng Dũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng một phần đất di tích trước đây cho 2 hộ này. Ví như đối với hộ ông Nguyễn Sỹ Huyến, trước đây toàn bộ diện tích mảnh đất là 875,1m² đều nằm trong vùng cần bảo vệ của Di tích Làng Đỏ. Sau khi khoanh vùng lại, “khu vực bảo vệ I có diện tích 139,5m², là vùng có các yếu tố gốc tạo thành di tích”, là vùng phải bảo vệ. Diện tích còn lại là 735,6m² nằm trong vùng bảo vệ II, có nghĩa đây là phần đất hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và năm 2014, con, cháu của ông Nguyễn Sỹ Huyến đã được cấp đổi đất là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tương đương phần diện tích 735,6m².

Xác nhận việc trước đây các anh em của mình có ý kiến khiếu nại về ranh giới đất đai, ông Nguyễn Hữu Thân cho biết, đây là điều đáng buồn. Ông Thân có 7 anh chị em, ông là con út. Mảnh đất ông Nguyễn Hữu Diên để lại đã chia cho cả 7 đứa con, và tất cả đều xây dựng nhà cửa hoặc bán một phần để xây nhà nơi khác, nhưng đều ở quanh khu vực phường Hưng Dũng. Các anh chị của ông đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, riêng gia đình ông vì ở vị trí quy hoạch di tích, lại xảy ra tranh chấp nên đã “vuột” mất cơ hội được cấp bìa đỏ.

Đối với nguyện vọng của gia đình ông Nguyễn Hữu Thân, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao cũng khẳng định: “Sở sẽ khẩn trương thực hiện các thủ tục đề nghị khoanh vùng lại di tích đối với Nhà ông Nguyễn Hữu Diên nằm trong Di tích Làng Đỏ, giúp gia đình chính sách được hưởng quyền lợi chính đáng”. Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng Nguyễn Ngọc Khánh cũng khẳng định phường sẽ tích cực phối hợp với các ban, ngành sớm giải quyết quyền lợi cho hộ ông Nguyễn Hữu Thân.