Nhà báo Lê Bá Dương: Người lữ hành trên sân ga

(Baonghean) - Không biết đã có bao nhiêu bài báo viết về anh - người con xứ Nghệ dũng cảm, chính trực, đầy trí tuệ và giàu yêu thương ấy. Người ta dùng nhiều cụm từ “đắt” để nói, để kể về nhà báo, nhiếp ảnh gia này: Người thả hoa trên dòng Thạch Hãn, Người trả nợ quá khứ, Người sống vì đồng đội, Người mang lời thề máu, Nhà thơ “một bài”, Cựu chiến binh nổi danh… Nhưng mỗi tên gọi ấy cũng chỉ nói được “một góc” con người Lê Bá Dương.

Tôi cũng đã loay hoay để có thể đọc được anh, viết ra một Lê Bá Dương mà tôi biết, nhưng rồi, cũng thật khó khăn. Và tôi, chọn vẽ anh bằng nét bút giản dị nhất, như  tôi đã thấy, trên sân ga - một trưa nắng , trước khi con tàu đưa anh rời Vinh để vào với Nha Trang. Khi ấy, trước mặt tôi là một người anh, một người bạn, một đồng nghiệp đang chậm rãi, bình thản kể với tôi những mẩu chuyện cuộc đời. Bên cạnh anh là một bọc cây, những chiếc lá xanh mềm vươn ra khỏi tờ báo cũ. Anh nói với tôi: Lá lằng quê mình đó em, anh muốn đưa vào trồng nó ở Khánh Hòa. Nhà anh trong đó toàn dùng “hàng” quê Nghệ. 
Nhà báo Lê Bá Dương trao ảnh Bác Hồ có bút tích bằng máu cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Nhà báo Lê Bá Dương (phải) trao ảnh Bác Hồ có bút tích bằng máu cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Chỉ thế, một câu nói giản dị, tôi đã thấy người cựu binh nổi danh này gần gũi dường bao. Bao năm xa xứ, trải qua bao thăng trầm, hàng trăm lần đối mặt với cái chết khi đi qua cuộc chiến, làm được bao nhiêu việc mà người đời gọi là “anh hùng”, để trong sân ga trưa nay, anh chỉ là một người con quê Nghệ bé nhỏ, không nguôi nhớ thương quê hương. 
“Nhớ thương vì xa xứ, bởi suốt đời mình mang tâm trạng người đi xa. Khao khát trở về, để rồi lại đến lúc phải lên đường, từ biệt. Cuộc đời mình, ngẫm cho cùng có bao nhiêu những từ biệt.” Anh trầm ngâm nói vậy, đôi mắt thoáng như đã trở về hơn 50 năm về trước. Ngày ấy, cậu bé Lê Bá Dương được cha mình - Nghệ sỹ nhân dân Lê Bá Tùng (ông là một trong những nghệ sỹ đầu tiên ở Nghệ An được phong tặng danh hiệu này) đưa ra ở cùng tại Hà Nội lúc còn rất nhỏ (NSND Lê Bá Tùng ngày ấy công tác ở Cục Nghệ thuật sân khấu). Nhớ mẹ, nhớ quê, nhưng trong hình dung của Lê Bá Dương, thì hình ảnh mẹ không rõ nét, chỉ biết mẹ giống hệt dì (mà dì anh ngày ấy cũng ở Hà Nội), thậm chí tên mẹ mình là gì, anh cũng không nhớ. Vậy mà, cậu bé 7 tuổi ấy đã quyết định một mình trốn lên tàu, tìm về quê ở Thái Hòa, Nghệ An.
Tàu chỉ đi đến ga Thanh Hóa, Lê Bá Dương xuống bắt xe tải về Thái Hòa. Ông lái xe hỏi cháu về đâu, nói rằng cháu về chợ Phủ Quỳ, hỏi tên mẹ, không nhớ, hỏi nhà ở đâu, chẳng hay. Chỉ biết mẹ mình bán hàng ở chợ. Người lái xe tốt bụng ấy không chỉ chiêu đãi cậu bé một bữa cơm dọc đường, mà còn dắt vào tận chợ Phủ Quỳ để cậu bé tìm mẹ. Kia rồi, một người phụ nữ có nét hao hao giống dì, chắc hẳn đó là mẹ, Lê Bá Dương ào đến: “Mẹ!”. Lúc ấy, người phụ nữ ngạc nhiên quay lại: “Em là ai, sao gọi tôi là mẹ?” “Con đây mẹ, Tư Dương đây. Con trốn cha, bắt xe về từ Hà Nội”. Đúng rồi, là thằng Tư Dương đây mà, sao lại gan lỳ thế con? Người mẹ ôm con vào lòng mà không thể ngờ được cậu con trai mấy năm xa của mình, bé nhỏ thế này mà dám làm chuyện tày trời đến vậy. Ngoài Hà Nội, cái tin con trai mất tích đã được ông Lê Bá Tùng đăng báo, sau này được báo tin mới biết, con đã trốn về nhà…
Trên tàu ra đảo Trường Sa.
Nhà báo Lê Bá Dương trên tàu ra đảo Trường Sa.
Quyết liệt, liều lĩnh, có thể đã khẳng định một phần tính cách Lê Bá Dương ngay từ bé. Cũng mấy ai hay, một “góc khuất” trong tâm hồn Lê Bá Dương, ấy chính là nỗi ám ảnh về cái nghèo. Nhưng, có lẽ điều đó cũng đã giúp anh rèn ý chí, giúp anh nỗi cảm thông, san sẻ với người, với đời, giúp anh biết yêu thương và trân trọng. Lê Bá Dương kể rằng, 13 tuổi anh đã thạo phát rẫy, dựng lán, ngủ trên rừng một mình. Một ngày của anh luôn khép kín: Sáng sớm đi học, trưa vô núi chặt củi, chiều đi đào giun dế, tối khuya đi đặt trúm lươn hoặc cất vó đêm để chị gái kịp chợ bán sớm. Rồi đến mùa, lại nhận chăn vịt, bóc lạc thuê. Có khi đi bộ lên rừng (cách nhà 20 cây số) chặt nứa, tối tối buộc mình ngủ giữa cái sạp nơi thân cây, khi đủ số lượng nứa, kết bè, xuôi về nhà. Trong lòng tâm niệm: Mình gắng sức để đỡ đần mẹ, giúp chị, giúp em đỡ vất vả… Cha ở xa, Lê Bá Dương gần như là trụ cột cho cả gia đình. Sau này vào lính, Lê Bá Dương cũng giữ cho mình thói quen chắt chiu, dành dụm. Anh đi nhặt về từng manh quần áo cũ, cắt ra, khâu vá, gửi về nhà cho em
15 tuổi, khi đang dở dang lớp 7, Lê Bá Dương xung phong vào bộ đội. Nói là xung phong, nhưng anh phải khai gian tuổi mình. Ấy là năm 1968 - chiến tranh đang ác liệt. Anh nói, mình phải ra mặt trận chứ, một phần vì không khí hừng hực những ngày ấy, phần nữa là do tính yêng hùng, cả tò mò nữa, của tuổi trẻ. Chỉ rất ít quãng thời gian sau khi nhập ngũ, khi anh vừa bước qua tuổi 15, Lê Bá Dương đã trở thành dũng sỹ diệt Mỹ trong trận đánh tại mặt trận Đông Hà (Quảng Trị).Trong một trận quyết chiến khác, Lê Bá Dương đã từng viết bằng máu nhỏ ra từ vết thương của mình trên một tấm ảnh Bác Hồ mà anh mang theo bên mình trước lúc vào trận đấu: “Bác Hồ ơi, bắt đầu từ hôm nay 20/6, con cùng đồng đội nổ súng bắt đầu diệt địch dự (giữ- PV) chốt đến cùng. Quán diệt được 7 tên, Hòe, Dương hơn một chục. Ghi sâu lời bác dạy, hễ còn tên xâm lược nào trên đất nước ta  thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi. Bác ơi, trách nhiệm, quyết tâm của chúng con là dự (giữ) chốt”. Sau này, bức ảnh Bác với bức huyết thư ấy được anh trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Cùng đồng đội thả hoa trên sông Thạch Hãn.
Nhà báo Lê Bá Dương cùng đồng đội thả hoa trên sông Thạch Hãn.
Chuyện dũng cảm trong chiến đấu, chuyện anh là dũng sỹ, được lên báo Tiền phong, Quân đội Nhân dân, Nhân dân những năm 70 ấy… đã được rất nhiều người viết và kể. Nhưng Lê Bá Dương nói với tôi, khi tôi muốn hỏi thêm về những chiến công của anh: “Chắc chắn rằng, nếu được lựa chọn, chẳng ai trong chúng ta chọn chiến tranh cả. Cũng giống như các Bà Mẹ VNAH, không ai muốn con cái chết trong trận mạc để được phong anh hùng. Nhưng ở đây vấn đề là chiến tranh nó lựa chọn chúng ta chứ không phải chúng ta chọn chiến tranh. Mình phải chấp nhận sự lựa chọn đó”. Năm 1972, trong một lần bước qua ngôi trường ở Hải Lăng, Quảng Trị, Lê Bá Dương chợt nhớ về một giấc mơ thơ trẻ: được cầm phấn đứng trên bục giảng. Như vô thức, anh đã thẫn thờ bước lên bục giảng, cầm phấn và viết dòng chữ: Sỹ số: 127,  có mặt: 87, vắng mặt: 40, Lý do: Hy sinh trên đường đến trường. Anh nói: Đau lắm!
Và bước ra từ cuộc chiến, Lê Bá Dương đã hiểu được rất nhiều điều về cái chết, về lẽ sống, về yêu thương, nghĩa tình. Anh nói, mình được sống bởi đồng đội anh đã chia cho anh cuộc sống, và mình phải sống  bằng tất cả những tri ân. Chính bàn tay anh đã từng ôm từng mảnh thân thể máu ròng, chính bàn tay anh đã chôn vào lòng đất thịt xương đồng đội, và vì thế, khi tan giặc trở về, chỉ mấy ngày sau anh lại khoác ba lô lên đường vào Quảng Trị - chiến trường một thuở của anh và bao đồng đội. Anh tìm đến các nghĩa trang, nằm chung với đồng đội mình, như để  họ có một chút hơi ấm, và cũng là để ấm lại lòng mình. Bè hoa đầu tiên anh thả xuống dòng sông Thạch Hãn, chỉ là hoa dại , để sau này đã hình thành nên một tập quán của người Quảng Trị và của bao người thân liệt sỹ vào mỗi dịp lễ Tết hay 27/7. Một nghĩa cử đã trở thành một lễ hội tri ân. Anh cũng là người tổ chức những cuộc hành hương, “ngủ  rừng đồng đội”, “mang đất nước, quê hương vào cho đồng đội” với tâm niệm: Nhiều người lính đã ở lại đất lửa, không tìm thấy hài cốt, không thể mang về quê nhà. Không đưa được đồng đội về quê, thì ta mang quê hương vào cho đồng đội, bằng từng vò nước sông quê, từng  nắm đất quê hương…
Cũng từ đây, những câu thơ được khắc vào bia đá, dựng bên sông Thạch Hãn đã ra đời: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.
Tự nhận mình “làm báo trại, thơ lều”, nhưng những vần thơ của Lê Bá Dương lại sống mãi trong lòng bạn đọc, trong lòng đồng đội của anh. Bởi thơ anh không lúc nào rời ra những cảm xúc chân thực nhất về đồng đội mình, với những kỷ niệm mà suốt cuộc đời mình anh không thể nguôi ngoai. Là câu chuyện của 2 cha con gặp nhau trên đường hành quân, hỏi thăm mãi mới nhận ra “Mi là con tau”, để rồi sau phút chia tay cả hai vĩnh viễn không trở về. Đó còn là câu chuyện của chính anh, đã giấu bạn rằng bản thân mình cũng đang bị thương để nhường cho bạn mình mảnh băng khi bạn bị bom xé toạc lồng ngực… Để rồi anh nhận được lời trăn trối, rằng đằng nào thì mình cũng chết, Dương hãy giữ lại mà băng bó cho mình…
Và không chỉ có thơ, Lê Bá Dương còn là nhiếp ảnh gia với triển lãm ảnh đã được trưng bày sau chuyến đi ra với Trường Sa của anh. Mảng ảnh của anh, cũng luôn gắn với người lính, với những hy sinh cao đẹp, thiêng liêng…
Quê Nghệ An (cha dân Vinh, mẹ Diễn Châu), sinh sống tại Nha Trang, nhưng Lê Bá Dương lại là công dân danh dự của Quảng Trị bởi những điều anh đã sống, đã làm cho mảnh đất này. 
Tạm biệt Lê Bá Dương với cái vẫy tay và nụ cười rất nhẹ, anh mang hành lý của mình vào phía những toa tàu. Cuộc đời  anh, vẫn mãi là những cuộc  hành hương. Anh mãi là người lữ hành trên những sân ga. Đi như mắc nợ. Và trở về cũng thế, như người mắc nợ. Bởi vì trái tim cậu bé gan dạ và liều lĩnh ấy từ ngày xưa ấy, luôn ăm ắp yêu thương…
Thùy Vinh

Tin mới