Nhà máy gỗ MDF Nghệ An: Chính sách thỏa đáng đảm bảo quyền lợi người trồng rừng

(Baonghean.vn)- Với việc Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An chính thức đi vào hoạt động và đồng thời áp dụng một số cơ chế chính sách trồng, thu mua chế biến nguyên liệu đã tạo ra những cơ hội mới cho người dân trồng rừng vùng miền Tây tỉnh nhà.

Hiệu quả hoạt động của Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An đứng chân tại KCN Nghĩa Đàn đã thực sự mở hướng đi khả quan cho nghề trồng rừng miền Tây Nghệ An. Lợi ích kinh tế từ việc trồng rừng mang lại đã được khẳng định, song điều bà con lo lắng đó là nguồn vốn phục vụ việc trồng rừng, bởi bà con vùng miền Tây còn nghèo, và lo nhất là sau 5 - 7 năm trồng rừng vất vả thì sản phẩm gỗ nguyên liệu sẽ được tiêu thụ như thế nào?

Lãnh đạo công ty khảo sát nguyên liệu tại huyện Con Cuông
Lãnh đạo công ty khảo sát nguyên liệu tại huyện Con Cuông.

Sự chèn ép giá do tư thương thu mua của người trồng bán lại cho một số nhà máy băm dăm và việc Nhà máy chế biến bột giấy Tân Hồng chuẩn bị đi vào hoạt động đã phải dừng lại, gây hoang mang, mất niềm tin cho bà con vùng nguyên liệu các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương.

Đã có hàng ngàn ha rừng nguyên liệu được trồng, đến kỳ thu hoạch buộc phải bán rẻ, rồi lại bị tư thương ép giá. Sự thiếu bài bản trong đầu tư dự án, sự cam kết thiếu tính ràng buộc giữa nhà máy và vùng nguyên liệu đã được Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An xem xét, bổ cứu khắc phục trong mục tiêu phát triển của mình.

Theo Công văn số 90/CV/2016/MF JSC gửi Sở NN& PTNT, UBND các huyện về "Chính sách trong thu mua nguyên liệu gỗ và tổ chức trồng rừng trên vùng đất được quy hoạch nhằm phục vụ cho Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An" đã thể hiện rõ sự đồng bộ, hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người trồng rừng và bà con vùng nguyên liệu. Đó là chính sách đầu tư, cho vay hỗ trợ lãi suất trồng rừng áp dụng theo định mức đầu tư theo quy định của Chính phủ tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg bao gồm chính sách cây giống (trồng và trồng dặm) 1.820 cây/ha, phân bón hữu cơ vi sinh 332 kg/ha, thuốc diệt mối 3 kg/ha... với điều kiện các hộ trồng rừng cam kết bán lại 100% nguyên liệu gỗ cho nhà đầu tư khi thu hoạch theo cơ chế thị trường tại thời điểm bán.

Công nhân nhà máy gỗ Nghệ An vận hàng máy cắt gỗ thành phẩm định hình
Công nhân nhà máy gỗ Nghệ An vận hàng máy cắt gỗ thành phẩm định hình.

Ngoài chính sách đầu tư trồng mới rừng nguyên liệu, thì sự ưu việt về cơ chế thu mua, bù giá, trợ cước vận chuyển, cơ chế thanh toán linh hoạt của Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An ban hành đã thực sự hài hòa lợi ích, tạo điều kiện hỗ trợ người trồng rừng nhằm gắn kết chặt chẽ giữa nhà máy và vùng nguyên liệu. Theo đó, nhà máy quy định hỗ trợ bù giá thu mua nguyên liệu từ 80 km trở lên 3%, và 120 km trở lên 5% giá thu mua tại cổng nhà máy. Khoản hỗ trợ này bên B (bên thu mua) phải trả cho người trồng rừng bán gỗ đứng với mục đích nâng cao thu nhập cho người trồng rừng ở vùng sâu, vùng xa.

Ông Nguyễn Công Vĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm, khẳng định quan điểm: "Chúng tôi hỗ trợ giá thu mua nguyên liệu theo cự ly là muốn thực hiện chính sách một giá trong điều kiện vùng nguyên liệu của nhà máy rất rộng lớn, trải dài hàng trăm km; hạn chế thực trạng đơn vị thu mua ép giá bà con vùng nguyên liệu. Đồng thời, thông qua đó đảm bảo quyền lợi, lợi nhuận cho bà con khi tham gia vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chúng tôi". Ngoài cơ chế thu mua có lợi cho bà con vùng nguyên liệu, thì cơ chế thanh toán cũng linh hoạt khi Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An cam kết sẽ thanh toán qua tài khoản cho khách hàng không quá 10 giờ đồng hồ kể từ thời điểm nhập gỗ, nếu khách hàng có tài khoản và sẽ thanh toán bằng tiền mặt không quá 1 ngày kể từ thời điểm nhập gỗ.

Lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh tham quan nhà máy trong buổi Lễ khánh thành
Lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh tham quan nhà máy trong buổi Lễ khánh thành.

Đối với Tương Dương, huyện xa nhất trong vùng nguyên liệu của Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An, sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, địa phương này đã ban hành các nghị quyết, đề án về phát triển rừng, lên kế hoạch trồng rừng mỗi năm gần 1.000 ha với quyết tâm kinh tế rừng và chăn nuôi đại gia súc là 2 mũi chủ lực trong phát triển kinh tế.

Để phát triển vùng nguyên liệu tại đây, lãnh đạo Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đã có 3 phiên làm việc với lãnh đạo huyện Tương Dương, thông báo cơ chế chính sách phát triển vùng nguyên liệu của nhà máy với lãnh đạo địa phương.

Theo đó, UBND huyện Tương Dương đang trình UBND tỉnh thu hồi 13.838 ha đã quy hoạch cho Nhà máy chế biến bột giấy Tân Hồng và rà soát lại quy hoạch, diện tích để tăng mức tối đa diện tích có thể trồng rừng nguyên liệu tập trung để bổ sung quy hoạch cho Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An. UBND huyện Tương Dương đã cử 2 đoàn công tác tham quan nhà máy, tham quan mô hình trồng cây gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế cao.

m
Lãnh đạo Trung ương và tỉnh thăm quan dây chuyền công nghệ của Nhà máy.

Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương tin tưởng: "Chúng tôi hy vọng rất lớn đối với Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An không những tạo cơ hội cho nghề trồng rừng ở Tương Dương phát triển, mà còn giúp huyện lấy lại niềm tin đối với bà con trong công tác chỉ đạo trồng rừng nguyên liệu sau dự án Nhà máy chế biến bột giấy Tân Hồng không thành công".

Còn lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Tương Dương, đơn vị được UBND huyện giao nhiệm vụ kết nối với Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An để phát triển nguyên liệu trên địa bàn, thì cho biết: Tương Dương là địa bàn nguyên liệu xa nhất của nhà máy này. Với việc nhà máy áp dụng một loạt các cơ chế chính sách về trồng mới, chính sách thu mua, chính sách thanh toán linh hoạt không những tạo sự yên tâm sản xuất cho bà con vùng nguyên liệu, mà còn hạn chế tối đa tình trạng bà con bị chèn ép, khó khăn khi đến thời điểm thu hoạch rừng trồng.

Vận hành máy ép thủy lực
Công nhân nhà máy đang vận hành máy ép thủy lực.

Ông Nguyễn Thọ Cảnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn phát triển nguyên liệu TH khẳng định: "Với cơ chế đầu tư ban đầu về giống, phân bón, thuốc diệt mối không tính lãi suất cho đến khi thu hoạch và hỗ trợ đầu tư khuyến nông cho bà con, cơ bản đã giải quyết được bài toán khó khăn về nguồn vốn của bà con vùng miền Tây trong điều kiện có tư liệu sản xuất nhưng thiếu vốn đầu tư ban đầu. Đồng thời, công ty đảm bảo cam kết thu mua tất cả nguyên liệu theo giá thị trường, đảm bảo sự yên tâm cho bà con vùng nguyên liệu".

Rõ ràng, với sự đồng bộ, linh hoạt trong cơ chế đồng bộ đầu tư trồng mới nguyên liệu, cơ chế thu mua, cơ chế thanh toán... của Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An đã tạo được niềm tin, động lực phát triển rừng nguyên liệu của bà con, thiết lập quan hệ đối tác bền vững giữa nhà máy và bà con vùng nguyên liệu miền Tây tỉnh nhà.

Hồng Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới