THÔNG TIN NHÀ TÀI TRỢ GIẢI BÓNG ĐÁ TN-NĐ CÚP BÁO NGHỆ AN LẦN THỨ XXIII

Nhà máy Xi măng Sông Lam cần có nguồn nguyên liệu mới

(Baonghean) - Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty CP Xi măng Sông Lam đã sản xuất và tiêu thụ gần 3 triệu tấn xi măng và 7 triệu tấn clinker, xuất, nhập hàng hóa qua Cảng Nghi Thiết đạt 5,8 triệu tấn. Tổng nộp ngân sách 1.057 tỷ đồng. Nhà máy đang triển khai dự án giai đoạn 2 nhưng gặp nhiều khó khăn.
Đóng góp lớn
Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sản xuất 4 triệu tấn clinker/năm đầu tư theo chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Nghệ An với tổng mức đầu tư là 12.500 tỷ đồng. Đến đầu năm 2017, cả 2 lò nung đều đã đi vào hoạt động, đây là một trong những nhà máy xi măng có quy mô lớn và hiện đại nhất trong cả nước.
Nhà máy xi măng Sông Lam ở Đô Lương (Nghệ An) đi vào hoạt động ổn định sản xuất Clinker cuối tháng 11/2016.
Nhà máy xi măng Sông Lam ở Đô Lương (Nghệ An) đi vào hoạt động ổn định sản xuất clinker cuối tháng 11/2016. Ảnh: Tư liệu
Mặc dù 2 năm đầu mới đi vào hoạt động gặp nhiều khó khăn (thị trường xi măng sụt giá, đường N5 lúc bấy giờ chưa hoàn thiện, cảng Nghi Thiết chậm tiến độ do khó khăn giải phóng mặt bằng, phải thuê cảng khác để vận chuyển, hệ thống quản lý sản xuất và tiêu thụ chưa đồng bộ... ), công ty bị thua lỗ lớn.
Nhưng với chỉ đạo của tập đoàn và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công nhân viên toàn công ty, sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Xi măng Sông Lam đã đi vào ổn định nề nếp, nâng cao hiệu quả, đời sống của CBCNV đang từng bước được cải thiện, bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn, thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước, tham gia nhiều đóng góp an sinh xã hội trên địa bàn. Hàng hóa xuất, nhập qua cảng Nghi Thiết năm 2018 đạt gần 5 triệu tấn, chiếm hơn 50% tổng hàng hóa xuất nhập qua các cảng của tỉnh. 
Hoạt động sản xuất tại khu điều hành nhà máy Xi măng Sông Lam. Ảnh: Lâm Tùng
Hoạt động sản xuất tại Khu điều hành Nhà máy Xi măng Sông Lam. Ảnh: Lâm Tùng
Nguy cơ thiếu nguyên liệu 
Về dự án giai đoạn 2, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 922/2016 chấp thuận chủ trương đầu tư với 2 dây chuyền sản xuất clinker công suất 12.000 tấn/ngày, 2 dây chuyền nghiền xi măng đồng bộ và đóng bao công suất 3.800.000 tấn xi măng/năm tại Trạm nghiền Nghi Thiết cùng với một tuyến băng tải clinker dài 45 km, tổng mức đầu tư 9.449 tỷ đồng. Tuy nhiên trong quyết định này, UBND tỉnh chưa xác định mỏ đá vôi nguyên liệu cho dự án.

Hưởng ứng chủ trương kêu gọi đầu tư và chấp hành sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Vissai nhận chuyển nhượng 2 dự án xi măng mà các chủ đầu tư cũ không còn đủ khả năng đầu tư, bị dừng từ nhiều năm để đầu tư đồng bộ, hiện đại. Được sự ủng hộ nhiệt tình từ tỉnh, Tập đoàn đã tập trung mọi nguồn lực để các chủ đầu tư là Công ty cổ phần xi măng Sông Lam và Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam 2 sau một thời gian ngắn (chỉ hơn 18 tháng) đã đưa 2 nhà máy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định mang lại hiệu quả kinh tếcao cho địa phương. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề báo động là nguồn nguyên liệu không đảm bảo cho hoạt động của nhà máy. 

Ông Nguyễn Ngọc Oánh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP xi măng Sông Lam.

Cụ thể: Nhà máy Xi măng Sông Lam có nhu cầu đá vôi 4 triệu tấn clinker. Công ty đã được cấp phép khai thác (Giấy phép số 1698/2017) trên diện tích 36,8 ha với trữ lượng được khai thác 46.735.020 tấn chỉ đủ cho nhà máy hoạt động 9 năm. Công ty đang trình xin bổ sung quy hoạch 64,5 ha ở Bài Sơn (Đô Lương).
Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của công ty tư vấn, khu vực này trữ lượng đá vôi đạt tiêu chuẩn sản xuất xi măng rất thấp vì nhiều mỏm răng cưa nhỏ lẫn núi đất, hang caster và nhiều dải đá dolomit không thể sản xuất xi măng, dự kiến chỉ đạt 64.163.000 tấn.
Mỏ đá vôi của nhà máy Xi măng Sông Lam ở huyện Đô Lương. Ảnh: P.V
Mỏ đá vôi của Nhà máy Xi măng Sông Lam ở huyện Đô Lương. Ảnh: P.V
Cả 2 khu vực mỏ này không thể đủ nguyên liệu cho giai đoạn 1, vì vậy chưa có mỏ đá cho giai đoạn 2 với công suất như giai đoạn 1. Hiện Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đã sẵn sàng mọi điều kiện nội tại để triển khai giai đoạn 2 dự án như vốn, đào tạo sẵn sàng nhân lực, đàm phán và ký hợp đồng cung cấp với các nhà thầu quốc tế…
Dự án giai đoạn 2, tập đoàn chủ trương đầu tư bằng công nghệ mới nhất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tiêu chuẩn cao phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu, theo đó các vấn đề xây dựng, lắp đặt, các thiết bị đo đếm, kiểm soát bảo vệ môi trường sẽ được tối ưu, đồng bộ hóa theo tiêu chuẩn cao nhất.
Dây chuyền sản xuất Clinker. Ảnh: Tư liệu
Dây chuyền sản xuất clinker. Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Ngọc Oánh cho biết thêm: Hiện công ty phải trình xin khảo sát mỏ đá Tân Kỳ phục vụ giai đoạn 2 và bổ sung cho giai đoạn 1 số nguyên liệu còn thiếu. Đây cũng là một thiệt hại lớn cho chủ đầu tư vì kèm theo đó phải xây dựng một tuyến băng tải đá vôi dài 20 km từ mỏ đá Tân Kỳ về nhà máy. 
Trước đó, tại cuộc họp với Tập đoàn The Vissai (tháng 9/2018), lãnh đạo tập đoàn cũng đề xuất về vấn đề này với lãnh đạo UBND tỉnh. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã thống nhất địa điểm khảo sát vùng nguyên liệu đá vôi ở Tân Kỳ, đề nghị tập đoàn hoàn tất các thủ tục pháp lý để Trung ương và tỉnh phê duyệt. 
Sản phẩm Clinker ra lò. Ảnh: Tư liệu
Sản phẩm clinker ra lò. Ảnh tư liệu
Hiện nay Công ty CP Xi măng Sông Lam đã và đang thực hiện các thủ tục để được khảo sát mỏ đá vôi ở Tân Kỳ, tuy nhiên vướng mắc là quy hoạch đá vôi ở Tân Kỳ đã được dành cho dự án khác. Công ty mong muốn tỉnh quan tâm kiến nghị hủy bỏ quy hoạch cũ vì dự án xi măng Tân Kỳ đã không thực hiện nữa. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để làm đầu mối chỉ đạo giúp chủ đầu tư giải quyết thủ tục đầu tư kịp thời các vấn đề của nhà đầu tư. 

Tin mới