Nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh và hành trình nhặt nhạnh ký ức chiến tranh

(Baonghean) - Đã lại thêm lần thứ 72 (22/12/1944 -  2016) cả dân tộc trân trọng, trìu mến nhắc tới sự kiện ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sỹ ban đầu tại khu rừng Trần Hưng Đạo, chiến khu Việt Bắc, tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng hôm nay.

Với ông Đào Tam Tỉnh, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có uy tín, người kiên nhẫn nhiều năm sưu tầm, lưu giữ một khối lượng cổ vật đồ sộ mang giá trị văn hóa hàng nghìn năm, ông trải lòng mình với bấy nhiêu thế hệ cầm súng bảo vệ tổ quốc bằng bộ sưu tập hiện vật gắn bó máu thịt cùng người lính Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Đào Tam Tỉnh và vật điêu khắc bằng chất liệu xác máy bay.
Ông Đào Tam Tỉnh và vật điêu khắc bằng chất liệu xác máy bay.

Chẳng biết ý tưởng của ông được khởi nguồn từ lúc nào, chỉ biết cơ ngơi bảo vật chiến tranh của ông phong phú, độc đáo đến vậy. Hãy xem và nâng niu trên tay chiếc mũ đan bằng nan tre đã ngả màu nâu xỉn, bọc lưới dù, kết mảnh dù ngụy trang từ thời kháng chiến chống Pháp. Chỉ với chiếc mũ nan và tấm chăn dù hoa chiến lợi phẩm thời “áo vải chân không, đi lùng giặc đánh” đã làm sống dậy “đời bộ đội quen với gian lao” trong thiếu thốn, khó khăn những năm đánh Pháp. Ta bắt gặp vũ khí thô sơ của anh vệ quốc đoàn buổi đầu kháng chiến như thanh kiếm, nòng súng hỏa mai được đúc từ thời khởi nghĩa Phan Đình Phùng.

Hiện vật đồng hành với anh giải phóng quân thời chống Mỹ được lưu giữ khá hệ thống và phong phú. Từ chiếc bi đông Liên Xô (cũ), ăng-gô nấu nước, đựng thức ăn đến chiếc ca uống nước tráng men in hình anh giải phóng quân dưới lá cờ giải phóng cùng dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Từ lưỡi giao găm, lưỡi lê trang bị cho người lính bộ binh đến túi thuốc tự cứu thương tại mặt trận đều mang đậm dấu ấn chiến trường.

Có chiếc ăng gô khắc tên người lính và địa danh Khe Sanh, Trường Sơn, nơi từng xảy ra những trận đánh khốc liệt của các binh đoàn, bảo vệ sự sống còn tuyến đường vận tải chiến lược mang tên đường mòn Hồ Chí Minh. Hầu hết các hiện vật gốc đã trải qua một cuộc đời mặt trận, chiến trường nên gần như không nguyên vẹn, lành lặn, một số còn ám mồ hôi người lính đậm đặc, đến độ giặt gột không thể phai. Hẳn vậy chăng nên mỗi hiện vật dù chưa có lý lịch chính xác vẫn toát lên giá trị chân thực, có sức lay động, khi ta chạm vào biểu tượng của ký ức hào hùng, bi tráng.

Hiện vật hội đủ gương mặt lính vận tải cơ giới Trường Sơn với chiếc bi đông “khủng” đựng nước làm mát máy, chiếc xe đạp vĩnh cửu của chiến sỹ giao liên khu trung tuyến; chiếc tăng ni lông che mưa, nắng bạc màu thời gian. Chỉ bấy nhiêu thôi, với những người lính Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn từng gùi hàng trên vai vượt dốc Ba Thang, đỉnh 1001, mở đường Tây Trường Sơn cho cơ giới chuyển hàng vào tận mặt trận B2, Đông Nam bộ từ những năm 1966 đều như bất chợt bắt gặp lại gương mặt đồng đội trẻ trai, tươi tắn thân thương cùng ra trận năm nào.

Trong bấy nhiêu kỷ vật chiến tranh, có một thứ gây chết chóc, tàn phá của kẻ địch được người lính Cụ Hồ dù ở mặt trận hay hậu phương tỉ mẩn, sáng tạo vô vàn đồ dùng sinh hoạt cá nhân hàng ngày. Đó là mảnh xác máy bay F105D được khắc chạm thành phù điêu với hình ảnh cô dân quân mang súng đi cày. Bức phù điêu độc đáo bởi lưỡi cày lật đất chính là chiếc máy bay bị bắn rơi thứ 300 trên miền Bắc tại thành phố Vinh. Rồi nào bộ ấm trà, bộ phin cà phê, vỏ phích nước, đĩa chén, lược chải tóc, đèn đi biển, đèn bàn có phao chụp xinh xắn... đều được làm tinh xảo, bắt mắt, tiện ích từ ống pháo sáng, vỏ bom bi, cánh bom, cánh rốc két.

Đây là sản phẩm khéo tay của người lính được tạo ra giữa hai trận đánh ở mặt trận, ở các binh trạm vận tải dọc tuyến đường Trường Sơn, thậm chí ở bệnh xá chiến trường. Lấp lánh sau hình khối, vóc dáng của vật dụng được tái sinh từ vũ khí, phương tiện giết người là tâm trạng bình thản, tự tin của người chiến thắng ngay cả khi mỏng manh dưới tầm bom B52, dưới làn pháo chụp, pháo bầy và chất độc đi ô xin vây bủa. Hiện vật như gợi lại thời chống Mỹ thiếu thốn, gian khổ nhưng đầy ắp ý chí thắng Mỹ, tất cả cho miền Nam. Còn đây chiếc xe đạp thồ hàng với tay ngai, bộ giá chịu tải. Còn đây chiếc mâm ăn cơm được đúc từ vỏ bom bi, ống pháo sáng.

Còn đây hơn nửa thế kỷ chiếc đèn bão phòng không của cô thanh niên xung phong đêm nào dẫn xe vượt trọng điểm Bến Thủy. Còn đây lưỡi bừa vét, bừa xốc lật đất gieo trồng khoai, lúc trên bấy nhiêu cánh đồng lỗ chỗ hố bom, hố đạn pháo kích. Còn đây cối xay lúa bằng tay, thùng quạt thóc sạch đan bằng cật tre đen bóng, in đậm dấu thời gian hàng đêm mẹ ta, em ta, cả người yêu ta cần mẫn sàng sảy, chọn lựa hạt gạo chắc, sạch gửi ra chiến trường.

Còn đây lưỡi liềm, lưỡi hái cắt lúa thuở hợp tác xã nông nghiệp là điển hình thâm canh giành năng suất lúa 5 tấn, 6 tấn. Những hiện vật có tuổi và không tuổi được nhà nghiên cứu dân gian, nguyên Giám đốc thư viện Nghệ An Đào Tam Tỉnh sưu tầm, nhặt nhạnh tự bao giờ với đam mê tận cùng hẳn chẳng mấy giá trị vật chất, thậm chí nhiều người không nhận ra tên gọi nhưng nó chính là những mảnh ghép sinh động bức tranh nông nghiệp, nông thôn hậu phương lớn miền Bắc thời đánh Mỹ với ý chí “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Còn cả đây những chiếc bát tráng men mà thuở đội bom cày ruộng, san lấp hố bom bến phà, mố cầu ra mặt trận, bà con xã viên hợp tác phải là điển hình sản xuất, dân quân giỏi mới được bình xét mua theo phiếu mậu dịch. Còn cả đây hòm đồ cắt tóc dạo tại các khu phố, khu dân cư sơ tán của hợp tác xã cắt tóc thị xã Vinh và hòm đựng quần áo vốn là hòm đạn pháo 37 li của lực lượng phòng không khu vực Vinh - Bến Thủy. Tất cả hiện vật còn mang vẻ nguyên sơ thời trận mạc, chết chóc và tình người hậu phương, mang đậm dấu ấn lam lũ, chắt chiu hạt gạo ám mùi khói bom của bấy nhiêu làng quê xứ Nghệ gửi ra tiền tuyến.

Hiện vật chiến tranh.
Hiện vật chiến tranh.

Vừa mới đây, ông Đào Tam Tỉnh có thêm hiện vật kháng chiến chống Pháp, đó là huy hiệu chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm chương bộ đội Trường Sơn, huy hiệu chiến sỹ tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam mang tên Hồ Chí Minh và chiếc ra-đi-ô bán dẫn chạy pin hiệu Nationnan trang bị cho cán bộ thời đánh Mỹ. Ông Đào Tam Tỉnh nhận được hiện vật chiến tranh từ bạn bè, đồng nghiệp đam mê sưu tâm đồ cổ và nhiều hơn cả vẫn là những cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, may mắn còn sống sót, nhiều người mang thương tật suốt đời.

Tới thăm căn nhà khiêm nhường của ông Đào Tam Tỉnh tại xóm Xuân Hùng, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh ta bắt gặp không gian bề bộn lưu giữ biết bao hiện vật lịch sử chiến tranh cách mạng. Hẳn ông còn tâm nguyện làm giàu thêm kho tàng bảo vật mà không phải ai cũng có thể ngày một, ngày hai tạo lập được cho mình nếu chỉ đơn thuần mưu cầu lợi ích giá trị vật chất. Ông cười hiền, trả lời câu hỏi về ý tưởng xây dựng bảo tàng chiến tranh cách mạng cá nhân của mình trong nay mai là muốn dành cho thế hệ hôm nay những ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc, chứ không phải chỉ là những di vật quý hiếm phải chịu số phận lưu lạc khô lạnh, rụng rơi hao khuyết dần theo mặt trái đời sống thị trường.

Vinh, ngày 7/12/2016.

Bài, ảnh: Văn Hiền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới