Nhà ở cho công nhân Nghệ An: 'Cú hích' từ Nghị định 49/2021/NĐ-CP

(Baonghean.vn) - Khu công nghiệp phải quy hoạch diện tích đất phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, thiết chế của công đoàn - đó là một trong những quy định mới đáng chú ý trong Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

NHU CẦU LỚN CỦA CÔNG NHÂN VỀ NHÀ Ở 

Trong nhiều buổi khảo sát của các cấp công đoàn Nghệ An, vấn đề về nhà ở công nhân luôn là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm. Hầu hết công nhân lao động đều có nhu cầu lớn về nhà ở nhưng thực tế không thể đáp ứng được. 

Ảnh:
Xóm trọ công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Vinh đã xuống cấp và ẩm thấp. Ảnh: D.T

Trong buổi làm việc của Liên đoàn Lao động tỉnh tại Công ty TNHH May Minh Anh, công nhân Vi Văn Cường (Con Cuông) chia sẻ: “Tôi đã làm việc tại công ty hơn 12 năm nay, hiện 2 vợ chồng đều đang thuê trọ, con đang gửi ông bà nuôi tại huyện miền núi Con Cuông. Với mức thu nhập của 2 vợ chồng, việc mua được một căn nhà nhỏ để an cư ngay tại TP. Vinh là điều không tưởng. Vì thế, tôi mong rằng tổ chức công đoàn có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho những công nhân như chúng tôi được thuê hoặc mua nhà giá rẻ nhằm ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất”.

Cùng tâm nguyện, chị Ngô Thị Thu cũng mong mỏi một chính sách mới về nhà ở cho công nhân để cải thiện điều kiện sống. Hiện tại, vợ chồng chị cùng 2 con nhỏ đang thuê phòng tại một trong những dãy nhà trọ trên đường Đặng Thai Mai. Căn phòng 18m2 của chị là nơi sinh hoạt của cả 4 thành viên. Chật chội, thiếu thốn, nhưng chị không nỡ đưa con về quê cho ông bà chăm. “Tôi hiểu rằng điều kiện sống ở nhà trọ không phù hợp với các con, vừa chật chội, vừa thiếu an toàn, phức tạp. Nhưng vì tôi muốn tự mình nuôi dạy, chăm sóc con thay vì phó thác cho ông bà nên đành chấp nhận. Tôi có nghe nói về thiết chế công đoàn với các hạng mục nhà ở cho công nhân, khu vui chơi, nhà văn hóa... Chỉ mong sao công trình này sớm được triển khai để chúng tôi có cơ hội sử dụng”, chị Thu thổ lộ.

Ảnh:
 

Vấn đề của anh Cường, chị Thu cũng là vấn đề của hàng ngàn công nhân lao động trên địa bàn tỉnh. Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cũng cho biết nguyên nhân của tình trạng này, chủ yếu là do việc quy hoạch trước đây chưa xác định, bố trí quỹ đất phù hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách, xúc tiến, thu hút đầu tư, khuyến khích các dự án nhà ở xã hội chưa được quan tâm, thủ tục đầu tư còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, khó khăn nhất vẫn là vốn đầu tư.

Theo tổng hợp của Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam, hiện nay ở các KCN của Nghệ An có gần 24.000 lao động đang làm việc, trong đó, số lao động đang có nhu cầu về nhà ở là gần 7.000 người. Tuy nhiên, số nhà đầu tư lập dự án xây dựng khu nhà ở để bán hoặc cho công nhân thuê trên địa bàn tỉnh Nghệ An hầu như rất ít, số lao động phải tự túc, thuê nhà ở còn rất lớn. Tại KCN VSIP, có một số doanh nghiệp đã đầu tư xây ký túc xá cho công nhân, đảm bảo chỗ ở cho hàng ngàn lao động, song hầu hết những đơn vị khác chưa quan tâm đến hạng mục này.

"CÚ HÍCH" TỪ NGHỊ ĐỊNH 49/2021/NĐ-CP

Để tháo gỡ nút thắt về nhà ở công nhân, ngày 1/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2021/NĐ-CP để thay thế cho Nghị định 100/2015/NĐ-CP về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó quy định bắt buộc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, thiết chế Công đoàn. Đây được coi là “cú hích” quan trọng có thể tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp nói riêng.

Ảnh:
LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn thăm hỏi và trao quà hỗ trợ Covid-19 cho công nhân tại khu nhà trọ. Ảnh: CĐNĐ

Ông Vương An Nguyên - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam chia sẻ: “Nghị định 49/2021/NĐ-CP đã giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong vấn đề nhà ở cũng như xây dựng thiết chế công đoàn cho công nhân. Tôi tin tưởng rằng, khi nhà đầu tư được giao đất “sạch” để xây dựng thì các hạng mục trên sẽ sớm được triển khai, giúp cho công nhân lao động “an cư lạc nghiệp”, cải thiện đời sống, thoát cảnh ở thuê trong những ngôi nhà chật chội, nóng bức”.

Từ năm 2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chọn Khu Công nghiệp Bắc Vinh để triển khai dự án Thiết chế Công đoàn cho công nhân với diện tích đất được giao là 5ha. Dự án này có mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, trong đó có 12 dãy nhà chung cư 9 tầng, có siêu thị, nhà đa năng, sân thể thao, nhà trẻ... Nghị định 49/2021/NĐ-CP có hiệu lực sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để dự án sớm được triển khai tại Khu Công nghiệp Bắc Vinh trong thời gian tới.

Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi Điều 6 của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại khu công nghiệp như sau:

1. Khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở xã hội.

2. Trường hợp khu công nghiệp đang trong giai đoạn hình thành thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.

3. Trường hợp khu công nghiệp đã hình thành mà chưa có hoặc chưa đáp ứng đủ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó thì việc quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại khu công nghiệp, thực hiện như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch (hoặc điều chỉnh quy hoạch) để bổ sung quỹ đất phù hợp phát triển nhà ở xã hội;

b) Đối với các khu công nghiệp chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp đó để dành phần diện tích đất phát triển nhà ở xã hội, thiết chế của công đoàn cho công nhân.

Tin mới