Nhà tầng Quang Trung: Những buồn, vui...

(Baonghean.vn) - Vài năm nữa, khu nhà tầng Quang Trung, với lợi thế đắc địa sẽ được xây dựng lại với những Building chọc trời và trở thành khu phố đẹp nhất của Vinh, đô thị trung tâm của Bắc Trung bộ. Để có được những tòa nhà sang trọng, tiện nghi…hơn 40 năm qua, khu nhà Quang Trung đã trải qua không biết bao nhiêu buồn vui.

Trong chiến tranh máy bay Mỹ đã ném xuống thành phố Vinh hàng chục nghìn quả bom các loại. Theo tính toán trung bình người dân ở lại thành phố Vinh phải gánh chịu hai tấn bom đạn. Bom đạn ngày đêm nổ chát chúa, rung rền át đi tất cả các tiếng động khác, ngỡ như không khi nào ngừng, không biết bao giờ tắt. Tất cả các đường phố, các thôn xóm đều bị mảnh bom, pháo băm vằn.

Ác liệt nhất là vùng Bến Thuỷ, Nhà thờ cầu Rầm... và tất nhiên Quang Trung cũng không nằm ngoài phạm vi của bom Mỹ. Để cho kịp tiến độ, khu Quang Trung vừa tiến hành ra phá bom mìn, vừa xây dựng. Bộ chỉ huy quân sự Nghệ Tĩnh cử một trung đội công binh đóng quân ngay ở tầng 5 nhà A3 Quang Trung để tiện cho việc hàng ngày rà phá bom mìn.

Ảnh: Trương Mạnh Hà.
Ảnh: Trương Mạnh Hà.

Không ít người cư dân ban đầu khi đến sinh sống nơi đây đã không may vấp phải bom đạn Mỹ còn sót lại, người tức tưởi ra đi, người may mắn bị thương nhẹ… Long, một người bạn của tôi đã mãi mãi ra đi khi cắp sách đến trường vào một ngày cuối đông năm 1978.

Ngày ấy, Tiểu khu Quang Trung chưa có trường học, con em dân nhà tầng chúng tôi học nhờ ở Khu phố 4 (nay là phường Lê Mao). Hai anh em nhà Long đi học buổi chiều, đứa em nhặt được quả bom bi, Long giật lấy ném ra xa. Bom nổ và Long đứng trước giương lồng ngực hứng trọn mấy chục viên bi thay cho đứa em trai và nhóm bạn đứng sau. Tôi còn nhớ cô Nguyệt, mẹ Long là giáo viên dạy văn Trường cấp 1 Khu phố 4 đã ngất lên, ngất xuống khi bị tử thần cướp mất đứa con trai bé bỏng mới học chưa hết lớp 4.

Còn chúng tôi, mãi thương tiếc đứa bạn cùng lớp và cũng là công dân đầu tiên của Quang Trung đã vĩnh viễn ra đi vì bom đạn Mỹ còn sót lại sau chiến tranh. Đứa bạn học tài hoa ấy (bố Long là họa sĩ) đã ra đi, môi vẫn chúm chím cười, nụ cười hồn nhiên của tuổi thơ học trò. Nơi nó mất, trên mặt đường Quang Trung, ngay trước Nhà văn hóa Thiếu nhi Ten-lơ-man. Vài năm sau, thỉnh thoảng lại nghe tiếng bom nổ, lần lớn nhất là vụ nổ ở chiếc lô cốt nằm sau Rạp 12/9, nghe đâu cũng vài người phải ra đi.

Ảnh: Trương Mạnh Hà.
Những bậc cầu thang cũ kỹ nhà A2. Ảnh: Trương Mạnh Hà.

**

Giờ đây, nếu nói đến chuyện thiếu nước sạch sinh hoạt của khu nhà tầng, có người sẽ nói là chuyện khôi hài. Nhưng nếu ai từng sống thời ấy mới biết nước sạch chính là nỗi bận tâm lớn nhất của người dân Quang Trung lúc đó. Do thiết kế không có bể tích nước trên nóc, không có điện thường xuyên để bơm, muốn bơm cũng không có đủ nước nên cứ có lúc nào là máy bơm chạy lúc đấy.

Không có nước sinh hoạt vào các ngày hè nóng bức, dân kéo nhau mang xô thùng lên gõ loạn ở tiểu khu. Không biết bao nhiêu cuộc họp, cấp tiểu khu, rồi thành phố và thậm chí cả UBND tỉnh để bàn đến giải pháp cấp nước cho dân, hàng chục ngàn hộ dân chứ có ít đâu.

Về sau, người ta cho xây mỗi khu một cái bể bán dương, bán âm lớn. Khu A vị trí bể đặt ngay đầu hồi giữa nhà A1 và A4, đến nay bể nước vẫn còn. Ngày thì ban quản lý mở nắp cho nhân dân tắm giặt, đêm họ cắt cử nhau trắng đêm lần lượt bơm nước theo lịch cho các nhà cao tầng.

Trẻ con chơi ở dưới sân khu chung cư. Ảnh: Trương Mạnh Hà.
Trẻ con chơi ở dưới sân khu chung cư. Ảnh: Trương Mạnh Hà.

Có bể nước rồi thì cứ hễ trời hửng nắng là các mẹ ôm cả đống chăn, màn, chiếu…rủ nhau đi thành đoàn ra đấy giặt giũ, cười nói râm ran. Bọn trẻ con chúng tôi thì ăn cơm trưa xong, tranh thủ vắng người rủ nhau ra đấy tắm…có đứa táo tợn, chui xuống bể để bơi cho thỏa thích. Và trong một lần không may, Hoàng Khánh (con GS Hoàng Kỳ ở phòng 26, nhà A3) đã vĩnh viễn ra đi…Cậu học trò lớp 7 trường Năng khiếu Thành phố Vinh có đôi môi đỏ chót ấy đã ra đi vì một lý do lãng xẹt. Chiếc gầu bị rời xuống bể, Khánh chui xuống mò gầu, trượt tay bám, vùng vẫy rồi đuối dần…buổi trưa bể vắng, mấy đứa bạn chạy về gọi bố mẹ thì không cứu kịp. Tháng 7 năm 1981 đó, cả khu A buồn mất đến mấy tháng trời.

**

Đã nhiều lần tôi nói với Hồng Toan, cô bạn cùng thời “Tại sao chúng ta mãi yêu và nhớ về Quang Trung, về những ký ức tuổi thơ, dù không phải lúc nào nó cũng đẹp và thơ mộng?”. Phải chăng, những năm tháng đó đã ngấm vào trong mỗi chúng tôi, nó như là một phần cuộc đời của mỗi con người đã từng sống nơi đấy.

Quang Trung, trong tôi là thế, đúng như tôi kể!

                                                                                        AT

TIN LIÊN QUAN

Tin mới