Nhà thầu và người dân lao đao trong 'bão' giá vật liệu xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá khiến từ người dân đến doanh nghiệp xây dựng đều trong tình cảnh khốn đốn. Hàng loạt công trình dự án cho đến nhà đơn lẻ của người dân đều bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn “bão” giá vật liệu xây dựng.
Giá thép liên tục biến động tăng cao trong thời gian qua. (Ảnh chụp tại cơ sở cung ứng sắt thép huyện Đô Lương). Ảnh: Văn Trường
Giá thép liên tục biến động tăng cao trong thời gian qua. (Ảnh chụp tại cơ sở cung ứng sắt thép huyện Đô Lương). Ảnh: Văn Trường

Có mặt tại công trường đang thi công nâng cấp Cảng cá Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu thấy khá vắng vẻ. Đại diện một nhà thầu xây dựng cho biết: Gói thầu này có giá trên 20 tỷ đồng, được ký hợp đồng từ tháng 2/2022 nhưng giá cả vật liệu xây dựng tăng cao đang khiến việc thi công gặp khó khăn. Đầu năm thép tròn loại D6-8 Tisco có giá 13 triệu đồng/tấn thì đến thời điểm này đã tăng tới 19 triệu đồng/tấn. Chỉ riêng tiền vật liệu sắt thép, xi măng đã phải bù lỗ cho công trình này trên 1 tỷ đồng.

Đơn vị cung ứng sắt thép yêu cầu nhà thầu mua vật liệu phải đặt cọc ngay mới chốt giá vì họ cũng không thể biết các nhà máy sản xuất thép sẽ tăng giá lúc nào trong thời gian tới.

Thời điểm này, huyện Diễn Châu đang triển khai xây dựng cầu Diễn Kim có trị giá 125 tỷ đồng và cũng lâm vào cảnh khó khăn và phải bù lỗ trong xây dựng bởi giá thép tăng cao. Đây là cầu vĩnh cửu bê tông cốt thép, nằm trên tuyến đường huyết mạch xuống vùng biển bãi ngang của huyện Diễn Châu.

Công trình thi công cầu Thành Nam (Con Cuông) gặp khó khăn giá thép tăng cao. Ảnh: Văn Trường
Công trình thi công cầu Thành Nam (Con Cuông) gặp khó khăn giá thép tăng cao. Ảnh: Văn Trường

Giai đoạn này đơn vị thi công đang phải đối mặt với "bão" giá vật liệu xây dựng rất khó khăn. Đại diện đơn vị thi công cho biết: Công trình này khởi công xây dựng từ tháng 12/2021, thì đầu năm 2022 đến nay sắt, thép liên tục tăng giá, chỉ tính riêng tiền sắt thép tăng giá nhà thầu đã bị lỗ hơn 6 tỷ đồng. Biết tiếp tục làm là sẽ thua lỗ, nhưng không làm sẽ bị phạt vì vi phạm hợp đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, một nhà thầu ở huyện Yên Thành chia sẻ: Chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm 40 - 70% tổng dự toán công trình. Chỉ riêng sự thay đổi tăng giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch đã đẩy chi phí xây dựng tăng 1,25 - 1,4 lần, khiến cho các công trình xây dựng đều bị thua lỗ nếu không có sự điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và đơn giá nhân công sát với giá thực tế.

Một số công trình ở Yên Thành bị đình trệ do giá vật liệu xây dựng tăng cao. Ảnh: Văn Trường
Một số công trình ở Yên Thành bị đình trệ do giá vật liệu xây dựng tăng cao. Ảnh: Văn Trường

Giá vật liệu tăng cao không chỉ doanh nghiệp xây dựng khó khăn mà người dân cũng điêu đứng. Anh Trần Văn Tâm ở xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu hiện đang trong giai đoạn xây móng nền công trình nhà chia sẻ: Chi phí xây dựng tăng thêm khá nhiều. So với đầu năm, cát tăng hơn 10.000 đồng/khối; gạch ốp các loại tăng 5.000 đồng/m2, gạch xây dựng tăng từ 2.600 đồng/viên lên 3.700 đồng/viên; xi măng cũng điều chỉnh giá tăng thêm 30.000 - 40.000 đồng/tấn… Chi phí xây dựng căn nhà dự tính 1 tỷ đồng, nay tăng lên 1,3 tỷ đồng.

Hiện nay, không ít gia đình có kế hoạch xây dựng nhà nhưng do giá vật liệu xây dựng tăng quá cao nên đành phải hoãn lại, chờ khi giá cả ổn định thì mới triển khai.

Qua tìm hiểu được biết, trong khi giá các loại nguyên vật liệu như: Thép, xi-măng, cát, sỏi, nhân công, ca máy… đều tăng đáng kể, phần lớn hợp đồng ký với chủ đầu tư lại theo hình thức trọn gói hoặc đơn giá cố định từ đầu nên nhà thầu không chỉ giảm lợi nhuận mà còn đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Điều này dẫn đến tình trạng một số gói thầu trên địa bàn tỉnh có hiện tượng thi công cầm chừng, cá biệt có trường hợp dừng thi công do không đủ nguồn lực thực hiện, làm chậm tiến độ công trình, dự án. Giá vật liệu xây dựng tăng cao còn dẫn đến hệ lụy các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện có khả năng bị đội vốn, chi phí thực hiện vượt so với tổng mức đầu tư, dự toán đã được phê duyệt.

Giá vật liệu tăng cao nhưng công trình cầu ở Quỳ Hợp vẫn phải đảm bảo tiến độ theo hợp đồng. Ảnh: Văn Trường

Giá vật liệu tăng cao nhưng công trình cầu ở Quỳ Hợp vẫn phải đảm bảo tiến độ theo hợp đồng. Ảnh: Văn Trường

Ông Phan Huy Hải - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Yên Thành cho biết thêm: Trước tình trạng vật liệu xây dựng tăng giá, hiện nay đối với công trình do huyện phê duyệt chủ trương đầu tư đã có báo cáo kinh tế kỹ thuật, chưa đấu thầu được cho điều chỉnh theo giá thị trường. Còn đối với các công trình thi công trước đó theo hình thức trọn gói thì nhà thầu phải chấp nhận “lời ăn lỗ chịu”.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng - Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: Thời gian qua, Sở Xây dựng Nghệ An phối hợp với Sở Tài chính đã bám sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh hiện tượng “đầu cơ, thổi giá”.

Cụ thể: 3 tháng đầu năm 2022 công bố giá một số loại vật liệu xây dựng theo quý, riêng các tháng 4,5,6 được công bố theo từng tháng nhằm sát với giá thị trường hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay do giá vật liệu liên tục biến động, nên mặc dù công bố giá vật liệu theo tháng nhưng có những thời điểm vẫn không sát được với giá thực tế.

Giá vật liệu xây dựng tăng cao, hầu hết hiện nay các nhà thầu đều mong muốn Nhà nước sớm có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư và chấp nhận thanh toán đơn giá cho nhà thầu theo giá thị trường. Còn đối với công trình đầu tư từ nguồn vốn tư nhân, nguồn lực xã hội, các chủ đầu tư nên xem xét, chia sẻ với nhà thầu trong giai đoạn khó khăn này.

Tin mới