Nhà thơ Lê Quốc Hán: 'Như que diêm trao lửa'

(Baonghean) - Thật khó để nói nữa về ông, trước hàng chục những bài viết của bạn bè, đồng nghiệp, học trò… thể hiện những am hiểu tường tận về con người, tài năng và những tâm tư của nhà giáo, Nhà Toán học, Nhà thơ Lê Quốc Hán. Vậy nên, tôi sẽ kể về ông, bằng góc nhìn giản dị tôi gặp, tôi thấy… 

Lê Quốc Hán đón tôi trước cổng nhà. Ông nói, thông cảm cho ông, vì ông không thể ra góc quán tôi hẹn, bởi ông không biết đi xe máy.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông bảo: “Mà tôi đâu cần đi xa chứ, cả cuộc đời làm việc gần như đã gắn bó với ngôi trường Đại học Vinh. Từ nhà thong thả đi bộ là đến nơi. Khi có việc đi đâu thì nhờ người chở, đi xe ôm hay tắc xi gì đó… Người ta đã từng nghĩ, tôi tối ngày chỉ chúi mũi mỗi chuyên môn đó thôi, chả biết xã hội, cuộc sống ra sao. Mà ngay cả sau này, khi người ta thấy hóa ra tôi cũng nhiều nỗi đam mê thì cũng chả có đam mê nào lôi tôi ra khỏi nhà, khỏi trường được”.

Nói rồi, ông cười hóm hỉnh, rót nước trà mời khách, ngâm ngợi 2 câu thơ trong bài “Dã tràng” của mình: “Đắm mình trong những đam mê/ Mặc cho thiên hạ cười chê tôi nghèo”.

Nhà thơ Lê Quốc Hán (phải) chúc Tết thầy giáo Trần Đức Thịnh. Ảnh: Thùy Vinh
Nhà thơ Lê Quốc Hán (phải) chúc Tết thầy giáo Trần Đức Thịnh. Ảnh: Thùy Vinh

Những lời đùa vui của ông lại ẩn chứa ít nhiều sự thật. Từng được xem là thần đồng Toán học, cơ hội đi xa và bay cao là không ít, nhưng gần như cuộc đời làm việc của ông là ở Trường Đại học Vinh. Ngôi nhà nhỏ ngay phía sau trường ông dạy không chỉ là một mái ấm để ông sinh sống, mà còn là nơi mà ông ngồi để soạn giảng, để nghiên cứu Toán học, viết bài cho báo, cho tạp chí Toán và cũng là nơi để ông làm thơ nữa.

Dường như tất cả các tác phẩm của con người tràn đầy năng lượng ấy đều đã ra đời, lớn lên giữa 4 bức tường giản dị, trong tiếng bước chân đi lại nhẹ nhàng của người vợ hiền, tiếng nước reo sôi buổi sáng, tiếng khóa cổng lách cách khi bà đi chợ và mùi cơm thơm đang tỏa ra từ gian bếp mỗi trưa, chiều…

Ở Trường Đại học Vinh, các thế hệ sinh viên đều truyền tụng về một ông thầy khả kính, ân cần, giỏi giang, là nhà giáo ưu tú. Trong giới Toán học, ông là người có nhiều cống hiến, được phong hàm Phó giáo sư. Và trong giới văn nghệ sĩ ở Nghệ An, ông được biết đến như một người có nhiều tâm huyết với văn chương, có nhiều tác phẩm hay, từng là Trưởng ban Thơ của Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An.

Con người nhiều “vai” cùng nhiều tài như ông, chọn một cuộc sống bình lặng, hẳn có lý do? Tôi hỏi ông vậy, và nhận được thoáng ngạc nhiên nơi ông: “Không, tôi thấy mình hạnh phúc, may mắn. Tôi lựa chọn cuộc sống như mình đang có, thủy chung với tất cả những đam mê của mình, chưa khi nào rời bỏ, chưa khi nào chán nản hay hối tiếc”. Lê Quốc Hán đã nói điều ấy với tất cả vẻ chân thành của một người đã đi đến chặng cuối cuộc đời với bao trải nghiệm. 

Những tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Lê Quốc Hán. Ảnh: Thùy Vinh
Những tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Lê Quốc Hán. Ảnh: Thùy Vinh

Sinh năm 1949 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, từ khi 15 tuổi, Lê Quốc Hán đã thi đỗ vào lớp chuyên Toán của Đại học Tổng hợp với số điểm 20,5/20 (đó là điểm số cao nhất từ trước tới giờ), nhưng vì một số lý do tế nhị, ông không được theo học. Ngỡ ngàng, thất vọng, cậu bé trường làng 15 tuổi với giấc mơ những con số đã nhận được lời khuyên từ một thầy giáo dạy văn của mình “nên học văn cho khuây khỏa”. Và ông đã tìm thấy ở Văn những say mê mới, cân bằng lại chính mình, tự xoa đi những tổn thương của tâm hồn non nớt. 

Nhiều người quê còn nhớ tới Lê Quốc Hán như là một thần đồng Toán học, và cũng nhớ về ông với thành tích 3 lần giải nhất môn Văn tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng rồi, học hết PTTH, ông “chấp nhận thi Sư phạm 10+1 làm một thầy giáo làng”. Thầy giáo Hán vừa dạy học vừa cày ruộng (từ năm 1971 đến 1976). Ông yêu nghề, yêu học trò của mình, nỗ lực vì chúng, liên tục là giáo viên dạy giỏi của tỉnh. Ông nói, mình làm gì cũng mang đam mê. Và ông lý giải giản đơn việc mình được học trò yêu bởi vì “mình cũng yêu chúng”. 

Năm 1976, ông được Giáo sư Lê Văn Thiêm, Hội trưởng Hội Toán học Việt Nam, Viện trưởng Viện Toán học lúc đó, đề nghị đặc cách cho vào học Đại học Sư phạm Vinh không qua thi tuyển. Giáo sư Thiêm là người chú ý đến ông từ khi ông là cậu trò thi chuyên toán của ĐH Tổng hợp vượt điểm tối đa, giải nhất cuộc thi toán do tạp chí “Toán học và tuổi trẻ” tổ chức và sau này khi ông đạt kỳ tích trong việc nghiên cứu và giảng dạy toán sơ cấp. Trong thời gian học đại học và cao học, ông đều là sinh viên, học viên xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa. Học xong, ông được giữ lại trường làm giảng viên. Và phải đợi đến tận năm 1991, khi trường Đại học Sư phạm Vinh mở khóa đào tạo nghiên cứu sinh đầu tiên, ông là một trong số ít những người thi đậu, ông mới được trở lại với đam mê nghiên cứu Toán học của mình.

Ông chọn một đề tài nghiên cứu thuộc bộ môn Toán học hiện đại, là một lĩnh vực rất trừu tượng mà không phải nhà Toán học nào cũng muốn tiếp cận. Cuối năm 1995, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Bao nhiêu những mời gọi mở ra trước mắt ông, nhưng rồi, ông vẫn chọn góc nhỏ lặng lẽ của mình để vừa giảng dạy, vừa làm nhà nghiên cứu.

Ông nói: Điều tôi nghĩ là thành công, sau khi bảo vệ xong luận án của mình, ấy chính là lần đầu tiên thực sự tự tin và nghĩ rằng tất cả mọi cố gắng trong cuộc sống dù nhanh hay muộn cũng sẽ được đền bù.

“Con đường Toán” của một “thần đồng Toán” có không ít thác ghềnh, trắc trở như vậy, nhưng khi đi trên “con đường thơ” ông lại cho rằng mình đã gặp những thuận lợi đến không ngờ. Mặc dù đã võ vẽ làm thơ từ những năm học cấp 3 (ông nói có lẽ mình yêu thơ bắt nguồn từ cha mình, ngày ấy ông rất hay đọc cho các con nghe những bài thơ lãng mạn, đặc biệt là thơ lãng mạn Pháp), nhưng ông đã từng bẵng nó đi tới 20 năm (từ 1970 đến 1990).

Đến năm 1991, khi đó ông đang làm nghiên cứu sinh, ông tìm lại đến thơ như một lần nữa tìm sự cân bằng cho tâm hồn mình. Ngay những năm đầu tiên trở lại với thi ca, Lê Quốc Hán đã được chú ý, thơ ông được giới thiệu trên những tờ báo văn nghệ có uy tín, xuất hiện liên tục trong các tuyển thơ lớn.

Năm 1996, ông in tập thơ đầu tiên “Lời khấn nguyện” và được kết nạp hội viên Hội VHNT Nghệ An. Đến năm 2002, ông trở thành hội viên Hội VHNT Việt Nam. Cho đến nay, với thơ, ông đã có tới 6 tập được xuất bản và được giới phê bình đánh giá cao. Giành được nhiều giải thưởng về thơ của Tạp chí Sông Lam, Báo Tiền phong, Tạp chí Tài hoa trẻ, Giải A về VHNT Hồ Xuân Hương của tỉnh…­

Nhà thơ Lê Quốc Hán bên cuốn sách quốc ngữ đầu tiên tại Nhà thờ Mằng Lăng, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhà thơ Lê Quốc Hán bên cuốn sách quốc ngữ đầu tiên tại Nhà thờ Mằng Lăng, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ảnh nhân vật cung cấp

Nhiều đồng nghiệp, bạn bè quen biết ông tỏ ra khá bất ngờ khi thấy “ông thầy điềm tĩnh suốt ngày như chỉ biết đến ba bài toán, không mấy chú ý đến những việc khác” tham gia hội thơ và làm thơ. Người ta vỡ lẽ, hóa ra, ẩn sau cái vẻ lặng lẽ, có gì như thuần túy và cam chịu ấy lại là những bứt phá, những khát khao, là trăn trở, ngẫm ngợi không nguôi. Mọi va đập, mọi cảm nhận về cuộc sống, con người đã được ông giãi bày trong thơ. “Trẻ- ngỡ mình nặng nhất/ Già - biết mình nhẹ tênh/ Thời gian như rìu sắc/ Đẽo bạc cả đầu xanh”.

Trong thơ ông, chan chứa góc quê, tình quê, những ngẫm ngợi nhân tình thế thái, những triết lý đúc kết sự đời với điệp trùng thế giới hình tượng. Không cầu kỳ, hoa mỹ, không náo nhiệt, ồn ào, những triết lý, những xúc cảm của ông trong thơ luôn đưa người ta đến với ánh sáng trong lành, hướng thiện và giàu suy tưởng.

Ông cũng rất cẩn trọng để tìm tòi, tự làm mới mình. Có người gọi ông là “nhà Toán học bắc chiếc cầu thi ca”. Ông từng nói, Toán học là sản phẩm của trí tuệ, thi ca là sản phẩm của tâm hồn: “Một người dù thông thái đến đâu, nếu không có một trái tim biết xúc cảm mãnh liệt không thể trở thành một nhà Toán học đích thực, và một người dù có tâm hồn nhạy cảm đa tình đến đâu nếu không có trí tuệ dẫn đường cũng khó trở thành một nhà thơ lớn”. 

Không chỉ viết thơ, viết sách giảng dạy, nghiên cứu, viết bài cho các tạp chí Toán, ông còn là một “nhà phê bình văn chương tay ngang”. Và ở địa hạt nào, ông cũng bộc lộ nét tài hoa. Ông kể với tôi tình yêu, lòng biết ơn với mảnh đất, với mái trường đã cho ông thỏa ước nguyện, đã bao dung ông gần một cuộc đời giống như niềm biết ơn quê hương chôn rau cắt rốn của ông.

Và ông tự thấy mình hợp với nơi này, với ngôi nhà trong ngõ nhỏ rộn rã tiếng bước chân sinh viên những giờ đến lớp hay tan trường. Hợp với cái không gian tuy nhỏ hẹp nhưng lại khoáng đạt, không có gấp gáp bon chen. “Ở nơi đây tôi thấy mình được là chính mình, nó vừa vặn cho tôi”- ông nói vậy với một niềm hạnh phúc “Như người sống thủy chung sẽ gặt hái được thành quả”. 

Hết mình sống, sống đúng mình, không gắng gượng theo ai, theo bất cứ điều gì ngoài trí tuệ, con tim mình mách bảo, ấy là tâm niệm và cũng là điều nhà giáo - nhà thơ Lê Quốc Hán thực hiện. Dẫu cuộc đời ngắn ngủi lắm, chỉ: “Như giọt mưa mùa hạ /chưa chạm đất đã khô/ Như que diêm trao lửa/ thoắt biến vào hư vô” (Như - thơ Lê Quốc Hán)

Thùy Vinh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới