Nhà thơ Thạch Quỳ: Chọn đất quê để gắn bó một đời

(Baonghean) - LTS: Trong sáng tác văn học, có nhà văn ưa xê dịch, thích đi đây, đi đó, đến nhiều vùng đất, gặp nhiều con người, từ đó mà suy ngẫm, mà chắt lọc, gạn đục khơi trong để làm nên tác phẩm của mình. Ngược lại, cũng có nhà văn gắn bó chặt chẽ, lâu dài  với một vùng đất rồi lấy đó làm bệ phóng giúp công việc sáng tạo của mình thăng hoa.

Nhà thơ Thạch Quỳ suốt đời sống, làm việc và gắn bó với quê hương xứ Nghệ. Thơ ông phong phú đề tài, đa chiều ý tưởng, tư duy, cảm xúc sâu kín, hài hòa, để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Dấu ấn nổi trội nhất, theo chúng tôi, đó là vẻ đẹp trong những câu thơ rất sinh động, rất cụ thể, rất tinh tế được nhà thơ khơi gợi lên trong từng chi tiết sống. Phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với nhà thơ xung quanh chủ đề “Thơ Thạch Quỳ với vẻ đẹp làng quê xứ Nghệ”. Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện.
Nhà thơ Thạch Quỳ
Nhà thơ Thạch Quỳ
P.V: Thưa nhà thơ Thạch Quỳ, hẳn rằng với một nhà thơ được nhiều người biết tiếng, ông có nhiều cơ hội để “bay xa”, để thỏa mãn cái thú lang bạt như rất nhiều nghệ sỹ. Nhưng, ông vẫn chọn đất quê để ở lại, để gắn bó cả một đời người, dù quê hương mà ông viết có “cái nghèo” (tên một bài thơ của nhà thơ Thạch Quỳ - PV) đến xa xót. Phải vì ông “yêu quê đến câu nệ, đến “cố chấp” như có người từng nói, hay có điều gì khác nữa? 
Nhà thơ Thạch Quỳ: Đúng là người ta vẫn thường nghĩ nhà văn cũng như nghệ sỹ nói chung có thú xê dịch, có người chọn những vùng đất mới, cảm xúc mới để suy ngẫm, gạn đục khơi trong làm nên tác phẩm của mình. Còn tôi, lại chọn quê. Cũng có thể là quê chọn tôi (cười). Tất nhiên, đó có thể gọi là tình yêu quê “đến câu nệ, cố chấp” như có người từng viết vậy. Thôi thì đó là nhận xét của mỗi người. Nhưng mà tôi hỏi thật, tại sao bạn lại chỉ đọc “cái nghèo” mà không thấy rằng trong thơ tôi có rất nhiều bài về vẻ đẹp quê Nghệ?
P.V: À, đúng vậy. Tôi nhớ “Cái nghèo” trong thơ ông vì bài ấy ấn tượng lắm. Viết như tưng tửng mà đầy xa xót. Nhưng tôi vẫn không quên đâu, nhiều lắm vẻ đẹp làng quê Nghệ trong thơ ông. Nhiều bạn đọc rất yêu thích và rất có ấn tượng về những chi tiết cụ thể, những bông hoa, ngọn cỏ, con chim, con cá, hàng cây, tảng đá… từng được nhà thơ Thạch Quỳ mô tả trong thơ của mình. Ông có thể nói đôi lời về sự độc đáo, riêng biệt, cụ thể của các hình tượng đó?
Nhà thơ Thạch Quỳ: Tôi viết rất thật. Bông hoa, ngọn cỏ, con chim, con cá… ở trong thơ tôi đều rất thật. Không trang sức, không tô vẽ. Nó thế nào, tôi viết ra thế ấy. Này nhé: “Nước trong veo, con cá quả no mồi/ Lượn đủng đỉnh chào thăm từng gốc lúa/ Con cá ngửi vết chân bùn bỡ ngỡ/ Nổi mắt tròn, ngơ ngác nhận ra tôi”… Đấy là hình ảnh những con cá quả, người Nghệ  gọi là cá tràu, thường ngày, chúng vẫn ung dung bơi lượn trong các ruộng lúa, trong các ao đầm ở các làng quê thân thuộc, hầu như tất cả chúng ta, ai cũng đã từng thấy, từng gặp? Có gì lạ lẫm đâu! Thơ Thạch Quỳ không đề cao, không hạ thấp, không bôi đen, không tô hồng gì về những con cá ấy cả! Nó cứ hiện lên, nó bơi lượn như nó thường ngày vẫn vậy. Cũng thế, khi thơ Thạch Quỳ nói về những con chim. Những con chim trong những mùa “Hoa bưởi trắng quanh sân/ Hoa nhãn đỏ bên đường/ Trái mận tím, chào mào bay rối rít/ Chèo bẻo hót xanh trời trên ngọn mít/ Tiếng vàng anh chín lựng trái xoan”… Đọc đoạn thơ này, hẳn các bạn cũng cảm thấy làng quê chúng ta hết sức quen thuộc, hết sức gần gũi, có gì xa lạ đâu? Đó là cái hoa nhãn, hoa bưởi, trái mận, con chim vàng anh, con chim chèo bẻo thân thương từng gắn bó với làng quê ta đã hàng ngàn đời nay. Những hình ảnh quen thuộc và gần gũi ấy, không chỉ hiện lên từ thiên nhiên, từ cảnh vật mà ta có cảm giác như là nó đã hiện lên thân quen và gần gũi ngay trong tâm hồn, trong tình cảm của mỗi chúng ta. Ở xứ Nghệ có một con chim rất quen, nhưng cũng rất lạ. Con chim này rất quen thuộc với miền trung du, đồi trọc nhưng lại rất xa lạ với người ở đồng bằng hay ven biển. “Giữa núi trọc, đồi hoang/ Có con chim tà vặt/ Mỏ đỏ như than hồng/ Ngồi thu lu trên đá/ Khi ngồi thì mình đen/ Bay lên, cánh trắng lóa/ Đồi tiếp đồi, không cây/ Chỉ sim cằn và cỏ/ Chim quen đậu trên đá/ Chân khô như củi gầy”… Có thể, hình ảnh con chim với chi tiết “chân khô như củi gầy” sẽ gây ấn tượng đối với bạn đọc. Tuy vậy, thơ Thạch Quỳ vẫn chỉ mô tả sự thật, một sự thật rất trần trụi, có thể nói là rất xấu xí về đôi chân gầy guộc của con chim này! Vậy là, thiên nhiên thế nào, ngoại cảnh thế nào, thơ Thạch Quỳ ghi lại y xì như vậy, không tô vẽ, không thêm bớt. Phải chăng, chính cái sự không tô vẽ, không thêm bớt ấy lại làm nên vẻ đẹp bản chất của sự vật từng được mô tả trong thơ Thạch Quỳ ? 
Nhà thơ Thạch Quỳ (đứng thứ 2 từ phải sang) và các văn nghệ sỹ tỉnh nhà. 	Ảnh chụp năm 1984
Nhà thơ Thạch Quỳ (đứng thứ 2 từ phải sang) và các văn nghệ sỹ tỉnh nhà.                                 Ảnh chụp năm 1984
P.V: Thưa nhà thơ, nhà thơ đã từng gắn bó tên tuổi của mình với một ngọn núi thân thương ở quê nhà. Nhà thơ có thể cho bạn đọc biết thêm về những kỷ niệm, hoặc những câu thơ đặc sắc mà nhà thơ từng viết ở nơi này? 
Nhà thơ Thạch Quỳ: Núi Quỳ nhiều đá và nhiều hoa dại. Vậy nên, nó cũng mang trong mình nhiều câu thơ về hoa và về đá. “Núi Quỳ bé mà sao nhiều đá thế? Tuổi chăn bò hốc đá trú mưa/ Hoa chổi rụng dưới cánh ong bò vẽ/ Đá trắng phơi đầy trời nắng trưa/ Em cắt củi chưa đầy đôi lạt buộc/ Đã ngồi nghiêng trên đá, tím môi sim”… Ở khổ thơ tôi trích dẫn trên đây có 2 câu cuối, có thể nói là rất đặc sắc và cũng rất ấn tượng. Hai câu thơ ấy như thế này: “Thuở nhặt phân bàn chân thay cuốc/ Bạn bè núp trong đá ú tim”. Tôi nói câu thơ này “đặc sắc” là bởi, nếu không giải thích, tôi nghĩ, bạn đọc ngày nay khó lòng hiểu được cụm từ “bàn chân thay cuốc”. Tuổi thơ chúng tôi, thời ấy, trẻ em nông thôn, lớn lên chừng dăm, bảy tuổi là đã phải gắn mình với công việc chăn trâu, nhặt phân, cắt cỏ. Việc chăn trâu, cắt cỏ, không cần giải thích, bạn đọc ngày nay vẫn có thể hình dung ra được. Còn việc nhặt phân ? Người đi nhặt phân phải dùng “bàn chân thay cuốc”. Nó thế này, người đi nhặt phân quẩy gánh trên vai, với 2 cái giành hay 2 cái sảo tòng teng sau trước, trong tay người đó không có cào, cũng không có cuốc. Khi gặp phân trâu trên đường, người nhặt phân phải dùng bàn chân của mình thay cho cào cuốc để xúc phân từ đất mà đưa vào giành, vào sảo. Làm như vậy, người ta gọi là “bàn chân thay cuốc”. Trong thơ Thạch Quỳ, có nhiều câu thơ, tác giả phải sống, phải trải qua thực tế, hiểu biết thực tế một cách sâu sắc, cặn kẽ mới có thể viết ra được. “Nhổ lác, nhổ từng cây/ Nhổ năn, măn từng rễ/ Nước teo da bàn tay/ Bắp chân bầm máu đỉa/ Lưng cúi gập suốt ngày/ Ngửng lên, nghe nặng mặt/ Cúi xuống, vòng nước xoay”… Là những câu thơ như thế!  
P.V: Thơ Thạch Quỳ gồm nhiều mảng, nhiều đề tài và cũng nhiều cách thể hiện, rất đa dạng và rất phong phú. Cuộc trò chuyện hôm nay của chúng ta chỉ đề cập đến những câu thơ mang vẻ đẹp chân phương, chân thật, vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp vốn có từ trong thực tế của đời sống. Thiết nghĩ, những câu thơ mang vẻ đẹp riêng biệt này đã góp phần làm nên vẻ đẹp tổng thể trong mảng đề tài viết về nông thôn, nông nghiệp của nhà thơ. 
Thưa nhà thơ Thạch Quỳ, ông sẽ khuyên bạn đọc chú ý đến những bài thơ nào, nếu họ muốn tìm hiểu riêng về vấn đề “Vẻ đẹp làng quê xứ Nghệ” ở trong thơ ông? 
Nhà thơ Thạch Quỳ: Tôi nghĩ, nếu bạn đọc thơ để thưởng thức, để giải trí thì tốt nhất là bạn thích bài nào, hãy đọc bài ấy. Còn đọc để tìm hiểu, để nghiên cứu, để viết luận văn theo chủ đề nêu trên thì tôi nghĩ,  bạn không nên bỏ qua bất cứ bài thơ nào viết về nông thôn, nông nghiệp vì vấn đề “vẻ đẹp làng quê” luôn thường trực ẩn chứa trong những bài thơ ấy. 
Thùy Vinh 
(Thực hiện)

Tin mới