Nhà văn Di Li: Đóa hoa lạ trong vườn văn Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Tôi gặp Di Li lần đầu vào những ngày chớm xuân năm 2010. Lúc ấy, tôi đã từng đọc tác phẩm của chị và thực sự rất yêu mến các tác phẩm trinh thám, kinh dị của nữ văn sĩ...

Một số tác phẩm của chị suốt nhiều năm không thôi ám ảnh tôi, để rồi 14 năm sau tôi phải tìm đọc lại để được chìm vào cái không khí rùng rợn, mê mị mà Di Li tạo ra, đặc biệt là truyện ngắn Bức tranh và ngôi nhà cổ. Có một thực tế là phụ nữ đẹp thì thường kiêu sa, đẹp lại tài năng thì càng kiêu sa. Di Li là một nữ nhân thông minh, tài năng, cá tính và đương nhiên là đẹp. Thế nên, áp vào thực tế trên thì có lẽ Di Li rất kiêu sa, lạnh lùng. Khi ấy, nhìn chị từ xa, tôi có suy nghĩ như thế.

Sau này, tôi còn gặp Di Li ở một số sự kiện, nhưng cũng vẫn chỉ nhìn chị từ xa, không chủ động làm quen. Vài năm trở lại đây, tôi mở một hiệu sách, khi bán những cuốn sách của chị, tôi mới liên hệ với Di Li để xin chữ kí của nữ văn sĩ cho độc giả. Từ đó, chị em có thêm những dịp chuyện trò. Gặp Di Li trong một buổi chiều thu, nghe những câu chuyện của chị mới ngộ ra cuộc đời đôi khi nhìn vậy mà không phải vậy. Giữa đám đông, nếu không vì công việc phải nói, Di Li sẽ lặng im nên chị từng bị từ người thân, đồng nghiệp đến những người mới gặp lần đầu cho là “ngậm hạt thị”, lạnh lùng, “chảnh”... Thế nhưng chị giải thích rằng, từ bé tính chị đã hướng nội, khi đi làm thì nào giảng dạy, phiên dịch, nào PR, MC... và hàng trăm thứ việc phải nói, nên có lúc chị sợ nói, muốn được nghỉ ngơi. Nghỉ là nghỉ nói thôi, chứ trong đầu chị, những ý tưởng luôn như những dòng điện chạy qua chạy lại. Khác với vẻ ngoài kiêu sa, kiệm lời, lạnh lùng trong những đám đông, đối diện với tôi là người phụ nữ đẹp, chân thành, gần gũi và đầy nhiệt huyết, hồn nhiên, thăng hoa. Ở chị luôn tràn đầy năng lượng tích cực, niềm yêu sống và sự mến thương, khát khao giao cảm với cuộc đời.

Nhà văn Di Li.

Nhà văn Di Li.

Có 2 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh, Đức, lại năng động, tháo vát, Di Li đã làm những công việc có thể kiếm nhiều tiền, rất nhiều tiền, nhưng chị vẫn nặng lòng, đắm đuối với văn chương như một tín đồ sùng đạo. Cái duyên, tài năng văn chương của Di Li có lẽ được thừa hưởng từ người cha đa tài là ông Nguyễn Duy Ngọc (tác giả tiểu thuyết Còi tàu trong đêm - 2020), người hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật - chữ nghĩa, từ âm nhạc, nhiếp ảnh, báo chí đến văn chương. Và rồi, cái gen nghệ thuật ấy lại được Di Li truyền cho con gái An Khánh. Mới đây, cô con gái năm 2 Học viện Ngoại giao của chị làm độc giả không khỏi ngỡ ngàng khi công bố tác phẩm dịch Cơn bão (Tiểu thuyết trinh thám của Oystein Torsrud). Được dịp, nhiều độc giả yêu mến nữ văn sĩ đã rất hứng thú khi cất công sưu tầm hết các tác phẩm của cả 3 thế hệ trong gia đình Di Li.

Gần 20 năm trước, cái tên Di Li xuất hiện đột ngột giữa làng văn “như một niềm kinh dị” bởi những truyện ngắn trinh thám, kinh dị in tới tấp trên các diễn đàn văn chương làm bạn văn, độc giả tò mò, ngỡ ngàng, thích thú. Người ta tò mò vì cái tên là lạ, tây tây. Theo trí nhớ của tôi, có lẽ Di Li là bút danh mang hơi hướng “ngoại nhập” đầu tiên của đội ngũ tác giả 7X, 8X, 9X, để rồi sau này việc lấy bút danh có sự hòa trộn ta - tây nở rộ với những cái tên: Hà Kin, Thủy Anna, Keng, Hamlet Trương, Iris Cao... Thực tế, bút danh Di Li hoàn toàn là “hàng nội”.

Số là, ngày mới rón rén bước chân vào làng văn, cô gái trẻ Hà thành lấy tên cha sinh mẹ đẻ là Nguyễn Diệu Linh làm bút danh. Một ngày kia, khi đến tòa soạn nơi nhà thơ Bế Kiến Quốc làm việc, cộng tác viên Nguyễn Diệu Linh đã được thi sĩ họ Bế gợi ý đổi bút danh thành Di Li. Lúc ấy, thực lòng Diệu Linh không thích bút danh mới bởi phiên theo âm Hán - Việt chữ Di Li thể hiện sự không yên ổn/ổn định, nhưng vì nể thi sĩ nên chị để bút danh như vậy. Rồi càng viết, càng khác lạ, thăng hoa, gặt hái được nhiều thành công với bút danh mới. Sau này, thi sĩ Bế Kiến Quốc về trời, Di Li tin rằng ông luôn dõi theo và phù hộ cho chị với bút danh mà ông trao tặng.

Bìa tiểu thuyết “Trại hoa đỏ”.

Bìa tiểu thuyết “Trại hoa đỏ”.

Đến nay, không mấy người nhớ cây bút trẻ Nguyễn Diệu Linh năm nào, mà chỉ biết tới Di Li - nữ văn sĩ hội tụ đủ các yếu tố của một cây bút ngôi sao, ăn khách... Và ngày ấy, người ta còn ngỡ ngàng, thích thú bởi dòng văn học trinh thám, kinh dị Việt Nam bị đứt mạch từ thời hai cụ Thế Lữ, Hồ Dzếnh gác bút đã có người nối mạch. Sau giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội 2004 - 2005, Di Li viết như được nhập đồng. Có những thời điểm tần suất xuất hiện của chị trên các báo, tạp chí dày đặc như hoa nở giữa mùa xuân. Giới mộ điệu nữ văn sĩ thống kê những bài phỏng vấn tác giả, review tác phẩm, đưa tin về hoạt động của Di Li đã lên đến con số trên 500 bài. Số đầu sách của chị đã chạm ngưỡng 30. Mỗi lần Di Li ra sách là một dịp tưng bừng thu hút truyền thông và độc giả. Thành công nhất của Di Li đến thời điểm hiện tại có lẽ là hai cuốn tiểu thuyết trinh thám Trại hoa đỏ và Câu lạc bộ số 7. Cả hai đã được mua bản quyền để dựng thành phim. Đạo diễn Victor Vũ chuyển thể Trại hoa đỏ, dựng phim truyền hình cùng tên, là bộ phim triệu đô, từng rất “hot” trên Truyền hình K+ và tháng 11/2022 tiếp tục được phát trên Netflix ở 177 nước trên thế giới...

Di Li viết rất nhiều thể loại, đề tài và ở địa hạt nào chị cũng thành công, tạo dấu ấn. Càng đọc Di Li tôi càng ấn tượng về một cây bút thông minh, tài năng và khôn ngoan. Di Li thực sự đã xác lập một phong cách đặc biệt, một lối đi riêng mà không ít người vẫn cho rằng chỉ cánh nam nhi mới đủ tinh nhạy, vạm vỡ và cả sự máu mê để dấn thân. Từ ngày Di Li môi hồng, mắt biếc nhẹ gót bước vào đường văn đến nay, trong giới nữ nhân văn chương sinh sau 1975 chị thực sự là cái cây đột sáng, tiên phong ở dòng trinh thám, kinh dị.

Có ai mà tin được không nữ văn sĩ viết truyện trinh thám, kinh dị hàng đầu Việt Nam lại sợ... ma? Di Li đã sinh nở ra bao câu chuyện lạnh gáy, liêu trai, bao nhiêu nhân vật ác ma, quỷ quyệt, quái đản, vô số con ma rùng rợn, mê mị, không biết bao người đã “khiếp vía” vì đọc truyện của chị. Thế nhưng Di Li chia sẻ từ bé chị đã rất sợ ma. Cho đến nay nỗi sợ thứ vô hình ấy vẫn đeo bám chị, đến nỗi khi phim Trại hoa đỏ được công chiếu, chị không dám xem phim một mình. Mới đây Di Li gửi “tâm thư” qua Facebook, muốn được mời 6 khán giả đến phòng chiếu phim tại tư gia của chị để xem phim cùng cho chị đỡ sợ. Quyền lợi của 6 vị khán giả này cực hấp dẫn:

- Được phục vụ một bữa Poke hoành tráng… gần bằng phim do đích thân chủ nhà đứng bếp.

- Được phục vụ tiệc trà miễn phí trong suốt quá trình xem phim.

- Được tặng sách có chữ ký của chủ nhà.

- Được ngồi trong không gian gần giống rạp mini.

- Được chất vấn tác giả thoải mái là chi tiết này có đúng thế không, sao lại cho nhân vật chết lắm thế kia (Dù lâu quá, 14 năm tác giả chả đọc lại sách nên quên nhiều lắm rồi)” (Dẫn theo Facebook Di Li).

Di Li là một người có tấm lòng biệt nhỡn liên tài nên chị quảng giao trong mọi lĩnh vực, nhất là trong văn giới. Chị bảo căn hộ của chị thực sự như một câu lạc bộ, luôn mở rộng cửa đón những người bạn tử tế mà chị thương mến. Di Li từng viết nhiều bài chân dung văn học thể hiện tấm lòng trân quý của chị đối với thế hệ tiền bối và bạn viết đương thời. Các bài viết được tập hợp trong cuốn sách có tên “Chuyện làng văn” mang đến cho độc giả nhiều điều thú vị từ sự quan sát, giao cảm tinh tế và tài dựng nhân vật của chị. Giỏi ngoại ngữ, du lịch và tham gia nhiều hoạt động bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên Di Li có nhiều mối quan hệ với bạn bè trên thế giới. Qua kênh này, Di Li có những đóng góp không nhỏ cho các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa, văn học Việt Nam với các nước.

Ở nữ văn sĩ Di Li còn nhiều điều thú vị lắm, có lẽ phải vài ba cuốn sách mới kể hết được. Nhưng để nói một câu ngắn gọn về Di Li, thì câu đó là: Di Li - đóa hoa lạ trong vườn văn Việt.

Tin mới