Nhà văn Hữu Phương đã thênh thang mây trắng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sự ra đi của nhà văn Hữu Phương đã làm sống dậy trong lòng chúng ta những kí ức đẹp về ông - một nhà giáo tâm huyết với nghề, một người yêu thơ đã sáng tác nhiều bài thơ đầu tay đi vào lòng người, một cây bút văn xuôi kì cựu.

Sáng nay (3/2), cô Quách Thiếu Hoa, người bạn đời của nhà văn Hữu Phương, từng là giảng viên Trường Đại học Quảng Bình gọi điện thoại thông báo, con ơi, chú đã đi lúc 7h17’ rồi. Tôi lặng người, một nỗi buồn quá lớn, một nỗi mất mát quá lớn, bởi, từ đây văn học Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung sẽ vĩnh viễn mất đi một tài năng văn chương, một con người nhân hậu và chân chính.

Nhà văn Hữu Phương. Ảnh: Thụy Anh

Nhà văn Hữu Phương. Ảnh: Thụy Anh

Nhà văn Hữu Phương, tên thật là Nguyễn Hữu Thê, sinh ngày 26 tháng 12 năm 1949 tại xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông từng có những năm tháng học tập tại Nghệ An. Vùng đất của sự hiếu học này đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành thầy giáo, đào tạo nhiều thế hệ có ích cho đất nước của ông. Năm 1972, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh, sau đó, ông trở về quê nhà, dạy Toán ở Trường Phổ thông cấp 3 Bắc Quảng Trạch.

Năm 1973, ông chuyển qua giảng dạy tại Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Bình (nay là trường Đại học Quảng Bình). Năm 1982, ông vào Huế giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Trị Thiên. Từ năm 1993, ông chuyển về công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội (1993-1998), Chủ tịch Hội (1998-2009) và Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình từ năm 1993 đến năm 2022.

Từ một nhà giáo tâm huyết với nghề, một người yêu thơ, nhà văn Hữu Phương đã chuyển sang viết văn. Truyện ngắn đầu tiên “Trăng sáng vườn dưa” đăng trên Tạp chí Sông Hương đã gây ấn tượng mạnh với người đọc. Sau này, những truyện ngắn và tiểu thuyết nhanh chóng đưa ông trở thành nhà văn kì cựu.

Một số tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Hữu Phương.

Một số tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Hữu Phương.

Ông đã để lại cho văn học nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị. Truyện ngắn “Trăng sáng vườn dưa” là cú hích để ông liên tiếp mở rộng sân chơi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn nghệ và tạp chí tỉnh bạn với các truyện như “Ông Điện Biên”, “Bến cũ”, ‘Cổ tích mùa thu”, “Con người thánh thiện”, “Thầy giáo làng”, “Đêm hoa quỳnh nở”… Các tập truyện ngắn “Con người thánh thiện” (1991), “Đêm hoa quỳnh nở” (1995), “Hoa cúc dại” (1997), “Khách má hồng” (2002), “Anh bộ đội và cô gái mặc quân phục xanh” (2011), “Ba người trên sân ga” (2014). Các tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ” (2011), “Súng nổ bến Thiên Đường” (2014), “Quay đầu lại là bờ” (2019) lần lượt ra mắt.

Đặc biệt, truyện ngắn “Ba người trên sân ga” được chuyển thể thành phim “Đời cát” (kịch bản: Nguyễn Quang Lập; đạo điễn: Nguyễn Thanh Vân), với nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước.

Nhà văn Hữu Phương đã nhận nhiều giải thưởng như: giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1989-1990) cho truyện ngắn “Đêm hoa quỳnh nở”; giải Ba giải Cây bút vàng lần thứ hai của Bộ Công an (1998-2001) cho truyện ngắn “Hoa sim tím”; giải thưởng của Bộ Tư lệnh Biên phòng cho bút ký “Cha Lo mùa mưa đến sớm”; giải Nhì cuộc thi tiểu thuyết lần thứ III (2006-2010) của Hội Nhà văn Việt Nam, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Cúp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đề tài nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam giai đoạn 1982-2011 cho tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ”; giải Nhì Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cho tiểu thuyết “Quay đầu lại là bờ”; và các giải thưởng Lưu Trọng Lư lần thứ I, II, III, IV, V, VI.

Nhà văn Hữu Phương từng thổ lộ: “Tôi viết “Chân trời mùa hạ” không phải để viết về chiến tranh, mà qua chiến tranh để nói về những số phận trên mảnh đất quê tôi, về sức mạnh của hậu phương đối với tiền tuyến lớn”.

Đúng thế! “Chân trời mùa hạ” hội tụ biết bao thân phận của con người. Mỗi số phận của con người là một dấu ấn nhói đau, xót đắng. Chiến tranh hủy diệt biết bao sinh mạng, cơ sở vật chất nhưng không hủy diệt được niềm tin, hy vọng của người dân Quảng Bình. Trong gian lao, khó khăn, mất mát, người dân nơi đây vẫn hiên ngang bất khuất. Họ, những con người luôn đặt sứ mệnh dân tộc lên vai mình, quyết tâm bằng mọi giá để tham gia, phục vụ chiến trường. Họ hiện lên đầy đủ phẩm chất, tính cách như những con người bình thường: chiến công, vinh quang, niềm vui, nỗi buồn, thất bại, thánh thiện, bỉ ổi, thù hận, vị tha…

“Chân trời mùa hạ” của nhà văn Hữu Phương do đó là một tiểu thuyết có giá trị về mặt tư liệu, mang chất tự sự của một giai đoạn lịch sử về văn học hiện thực đơn thuần, đơn tuyến; mặc dù bị thi pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa ràng buộc, chi phối nhưng nó vẫn phản ánh chân thực thân phận con người cũng như sự dẻo dai của người dân miền Trung trong những năm tháng bom đạn. Sự kiện “Chân trời mùa hạ” đạt giải Nhì Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2011 và Cup Bông lúa vàng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng đã chứng minh bút lực dồi dào của nhà văn Hữu Phương trong dòng chảy ấy.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (trái) và nhà văn Hữu Phương trong buổi tọa đàm văn học về tiểu thuyết "Chân trời mùa hạ".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (trái) và nhà văn Hữu Phương trong buổi tọa đàm văn học về tiểu thuyết "Chân trời mùa hạ".

Nếu “Chân trời mùa hạ” còn mang đậm cảm hứng sử thi thì đến “Quay đầu lại là bờ”, hoà trong sự vận động của văn học thời hậu chiến, trong sự thay đổi quan niệm, tư tưởng nghệ thuật, đề tài chiến tranh và người lính đã được ông soi chiếu ở góc nhìn thế sự, đời tư. Những mâu thuẫn, hận thù không đội trời chung giữa bên này với bên kia được ông đặt trong mối quan hệ tình nghĩa, máu mủ gia đình.

“Quay đầu lại là bờ” đã đứng hẳn về phía đau thương của con người, lắng vào bề sâu của cuộc chiến, để sòng phẳng những gì mà cuộc chiến gây ra. Những tâm tư của các nhân vật trong tiểu thuyết là những dòng đối thoại đa thanh. Chính các khoảng trống, sự chênh lệch trong thế giới nội tâm của các nhân vật đã giúp nhà văn phản ánh sâu sắc, luận bàn cởi mở, đa chiều, bộc lộ tư duy, quan điểm nghệ thuật về chiến tranh từ góc nhìn hậu chiến.

Chiến tranh có thể chia cắt đất nước, chia cắt gia đình, tình yêu, bạn bè,… nhưng tình yêu thương sẽ gắn kết, hóa giải mọi ngăn cách, mâu thuẫn, xung đột. Chia sẻ sự khủng khiếp, dữ dội tột cùng của chiến tranh, không phải để làm sưng tấy thêm vết thương mà Hữu Phương muốn chỉ rõ: Bất kì cuộc chiến nào cũng gây ra đổ vỡ, tổn thất, bi kịch cho con người dù là bên này hay bên kia. Tiểu thuyết “Quay đầu lại là bờ” đã khẳng định sở trường, sự điêu luyện của ông khi nhìn sâu và cắt nghĩa tính tàn bạo của chiến tranh thông qua những số phận bị chấn thương, bi kịch. Vì thế, bạn đọc đánh giá “Quay đầu lại là bờ” là một trong những tiểu thuyết thành công của ông, khẳng định bút lực và năng lượng sáng tạo dồi dào.

Trong những ngày chống chọi với bệnh tật, nhà văn Hữu Phương vẫn không ngừng viết. Ông đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết, được Nhà xuất bản Văn học cấp phép, nhưng sách chưa kịp in thì ông đã vội vàng thênh thang mây trắng. Hai cuốn tiểu thuyết về vùng đất cát trong chiến tranh, lấy làng quê Bảo Ninh làm bối cảnh, vẫn còn dang dở. Đây quả là một tổn thất, một khoảng trống lớn của văn học Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Tin mới