Nhận diện giá trị thủy sản miền Tây Nghệ An

(Baonghean) - Miền Tây Nghệ An được ghi nhận là một trong những khu dự trữ sinh quyển với sự đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Tại đây đang sở hữu một hệ động vật hàng trăm loài vô cùng quý giá. Trong đó, nhóm đại gia súc, gia cầm, thủy sản từ lâu đã được xem là sản phẩm đặc biệt riêng có của vùng núi cao này. Tuy vậy, xung quanh việc biến giá trị sản vật, vật nuôi thành hàng hoá vẫn còn những bất cập.  Nhất là trong bối cảnh vừa phải phát huy lợi thế kinh tế cho đồng bào ở khu vực khó khăn nhất tỉnh, nhưng cũng đồng thời bảo tồn nguồn gen, tính đa dạng sinh học, môi trường sinh thái cho toàn vùng. 
Từ con cá mát sông Giăng
Đổ than hoa vào nồi đất rồi đặt kẹp cá mát vừa quạt vừa nướng, anh Lê Văn Dũng ở bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) nhanh tay trở đều hai mặt khiến cá vàng ươm, tỏa thơm rộn ràng. Vốn là “người xuôi” nhưng anh Dũng đã trót bén duyên với mảnh đất Môn Sơn gần 10 năm nay. “Ẩm thực ở đây không có nhiều món cao lương mỹ vị để lựa chọn nhưng mà dù có đi đâu, ăn gì cũng không bằng con cá mát” - anh Dũng chia sẻ. 
Anh Lê Văn Dũng
Anh Lê Văn Dũng (Môn Sơn - Con Cuông) bên mẻ cá mát vừa đánh bắt được trên sông Giăng.
Trước con mắt tò mò của chúng tôi, anh tỉ mỉ kể cho chúng tôi nghe về loài cá đặc biệt này. Thông thường cá mát chỉ bằng hai ba ngón tay người lớn. Con to nhất cũng chỉ nặng từ 0,5 kg đến 0,8 kg. Mình cá có từ 3 đến 6 chấm đen, còn vi cá thì màu hồng. Cá mát sống từng đàn ở các khe đá và nơi nước chảy xiết, chúng thường kiếm ăn vào ban đêm. 
Sông Giăng bắt nguồn từ vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông) và sau khi chảy qua Anh Sơn, Thanh Chương thì nhập với sông Lam. Mặc dù khu vực miền Tây Nghệ An có nhiều địa phương có cá mát sinh sống tại các khe, suối nhưng sông Giăng luôn được đánh giá là “xứ sở” của loài cá mát. Cá mát sông Giăng là món quà mà thiên nhiên đã ban tặng cho đồng bào vùng cao, trong đó loài thuỷ sản này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống, tín ngưỡng của bà con dân tộc Thái ven lưu vực dòng sông.
Cá mát thường được cư dân địa phương đánh bắt vào lúc nửa đêm đến rạng sáng. Cách đánh bắt khá đa dạng nhưng về cơ bản là thủ công: bắt cá bằng lưới, bằng chài, nhủi, thậm chí dùng giây thừng buộc đá rê đáy sông để lùa bắt cá. Con cá cũng nhiều hơn và ngon hơn nếu đánh bắt vào mùa Thu kéo dài cho đến Tết Nguyên đán.
Trong quan niệm của người dân bản địa con cá mát là sản vật của trời ban tặng cho con người. Chính vì vậy, vào dịp cúng cơm mới, lúa mới, nhất là dịp Tết trong mâm cỗ cúng gia tiên của đồng bào dân tộc Thái ở các xã Môn Sơn, Lục Dạ, Yên Khê (Con Cuông) cá mát là thức món không thể thiếu. Cá được chế biến thành 3 món chính, gồm: pa -  pính - giảo, pa - pính - tộp, pa - pính - phé. Theo ngôn ngữ người Thái, “pa” nghĩa là cá, “pính - phé” là giăng ra, ‘pính - tộp” là gập lại, còn “pính - giảo” là rải đều. Đặc biệt, với món pa - pính - phé, con cá mát sẽ được mổ từ sống lưng thay vì mổ bụng như thông thường.
Cá mát vừa lành vừa bổ, thịt lại thơm ngon. Đặc biệt theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, con cá mát có khả năng ức chế các chứng bệnh tim mạch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, lợi sữa, rất thích hợp đối với người lớn tuổi và người béo phì. Ngoài cách chế biến truyền thống của người dân địa phương, cá mát cũng có thể được nướng, rán giòn, nấu canh chua, làm gỏi, kho tộ, kho tương... và tất cả đều là thức món đặc sản riêng có của miền Tây Nghệ An.
Đến chuyện bảo tồn phát huy giá trị đặc hữu
Cá mát chỉ là một trong rất nhiều sản vật đặc biệt của khu vực miền Tây Nghệ An. Theo điều tra, khảo sát, tổng hợp của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các cơ quan chức năng, vùng núi Nghệ An là nơi tập trung các khu dự trữ sinh quyển có tầm quan trọng bậc nhất của Việt Nam và thế giới.
Chưa vội bàn đến hệ động vật với nguồn gen đa dạng sinh sống tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, chỉ riêng các loài gia súc, thuỷ sản, vật nuôi bản địa đã là một bức tranh vô cùng phong phú.
Quăng chài bắt cá mát trên sông Giăng
Quăng chài bắt cá mát trên sông Giăng
Đơn cử qua khảo sát đã nhận diện được 8 giống trâu, bò, ngựa bản địa đặc hữu như: trâu Phủ Quỳ, Thanh Chương, bò vàng Nghệ An (phân bố Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ...) bò u đầu rìu, bò Mông, bò lai Zebu; ngựa Mông. Các giống dê, thỏ, lợn nít, lợn đen. Gia cầm, thuỷ cầm có 7 giống gà, vịt, ngan. Tất cả là những sản vật có giá trị cao. 
Thực tế cũng cho thấy, Nghệ An đã có nhiều nghiên cứu để bảo tồn, phát huy hệ sinh thái, tài nguyên rừng, sự đa dạng loài và nguồn sinh học. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn ở quy mô nhỏ lẻ, trên các đối tượng cụ thể mà chưa có nghiên cứu một cách hệ thống về bảo tồn nguồn gen. Các nguồn gen quý hiếm đang có nguy cơ thoái hóa.
Trong khi đó, các cây, con đặc sản đang hàng ngày, hàng giờ bị khai thác quá mức làm cho chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn các cây, con thông thường. Và sâu xa hơn nữa, các giá trị tri thức, các giá trị văn hóa gắn liền với chúng cũng sẽ bị biến dạng. 
Trở lại với đặc sản cá mát, từ khi đặc sản này được nhiều người biết đến thì giá trị của nó tăng lên chóng mặt. Các nhà hàng, khách sạn lúc nào cũng sẵn sàng thu mua với giá từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, còn khách ở xa tới sẵn sàng bỏ ra 400.000 - 500.000 đồng để mua 1kg cá mát. Những năm gần đây, cá mát sông Giăng có dấu hiệu cạn kiệt. Và việc đánh bắt cá bằng kích điện, chất nổ cũng khiến các loại thuỷ sản sinh sống ở khe suối nói chung, cá mát nói riêng càng trở nên khan hiếm.  
Chưa lúc nào bài toán bảo vệ động vật, vật nuôi bản địa lại cấp bách như hiện nay. Nếu thiếu giải pháp bảo vệ, bảo tồn đi đôi với phát huy giá trị sản vật thì nguy cơ thất truyền là điều dễ dàng nhìn thấy. Bài toán đặt ra lúc này là cần làm gì để biến các giá trị bản địa đặc hữu trở thành nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế của chính cư dân địa phương
Thanh Quỳnh

Tin mới