Nhận điện 'nền móng' của bóng đá Việt

(Baonghean.vn) - Dù chưa đi hết vòng loại thứ 3 World Cup 2002 khu vực châu Á, nhưng sau 4 trận đấu toàn thua (chưa kể trận thua UAE trước đó), ĐT Việt Nam đã tự bộc lộ hết mạnh, yếu của mình trước bàn dân thiên hạ.
Tiến Linh có bàn thắng vào lưới Oman. Ảnh: AFF
Tiến Linh có bàn thắng vào lưới Oman. Ảnh:  AFF  

Ngay cả khi việc tự điều chỉnh, củng cố lực lượng để thi đấu đạt kết quả cao hơn trong 6 lượt đấu ở phía trước, thì ai ai cũng nhận thấy nhiệm vụ đặt ra cho không chỉ thầy trò ông Park Hang-seo mà cả nền bóng đá Việt là duy trì bằng được kết quả đã có, tuyệt đối không để rơi vào tình trạng khủng hoảng sau khi đón nhận những thất bại không tránh khỏi ở cấp châu lục; đồng thời phải xây dựng được lực lượng kế tiếp ở mức độ cao hơn nhằm chuẩn bị cho một hành trình mới.

Ở thời điểm hiện tại, ĐT Việt Nam đang sở hữu lực lượng được coi là tốt nhất nhưng chắc chắn, theo thời gian, sẽ có sự thay đổi tùy theo phong độ, chấn thương, sự “đến ngưỡng” và khả năng “vượt ngưỡng” của từng tuyển thủ và khả năng của ban huấn luyện. Sẽ có những nhân tố chủ chốt đành lui về dự bị, thậm chí không được gọi lên tuyển, đồng thời xuất hiện những nhân tố bổ sung, tiềm năng chưa được gọi hay tin dùng, những nhân tố trẻ.

Dù muốn, dù không, ông Park vẫn phải duy trì một người đàn anh mẫu mực để chỉ huy, uốn nắn đàn em, những người có ý chí và thể trạng đặc biệt như Trọng Hoàng chẳng hạn? Sẽ phải đi tìm và bồi dưỡng bằng được những mẫu cầu thủ có thể hình, thể lực tốt, tự tin khi ra sân chơi lớn, càng chơi càng hay như Hoàng Đức, Tiến Linh…

Và tưởng như hàng thủ là bệ phóng cho mọi bước tiến của ĐT Việt Nam thì khi vừa ra khỏi khu vực, mọi việc đã thay đổi nhanh chóng và bắt buộc ông Park phải nhanh chóng tính toán lại, làm mới lại, rèn dũa lại từ những vị trí được tin cậy nhất.

Cả ba thủ môn hiện tại của Tuyển Việt Nam đều không mang đến sự yêu tâm. Ảnh: VFF
Cả ba thủ môn hiện tại của Tuyển Việt Nam đều không mang đến sự yêu tâm. Ảnh: VFF

Ví dụ ở vị trí thủ môn, ĐT Việt Nam đã sử dụng 3 người (Văn Lâm, Tấn Trường và Văn Toản) nhưng kết quả hoàn toàn không làm yên tâm bất cứ ai, khiến người ta nghĩ tới một phương án khác khả dĩ hơn là tìm tới thủ môn người Séc gốc Việt đang chơi cho Slovan Liberec, Filip Nguyễn? Trên thực tế, Văn Lâm đã được gọi lên tuyển và chơi tốt, trong khi năng lực của Filip Nguyễn còn tốt hơn khi anh chơi ở một giải châu Âu, vậy thì phải đồng sức, đồng lòng thực hiện việc đáng làm này mà không phải lăn tăn, suy tính gì?

ĐT Việt Nam để thua rất nhiều từ những tình huống cố định, bóng bổng, vậy nên những nhân tố có thể hình, thể lực tốt phải được tính đến như một ưu tiên. Trong khi Văn Hậu chưa hẹn ngày trở lại thì việc đưa Hoàng Anh, Thanh Bình… lên tuyển là cần thiết, nhưng sử dụng họ vào lúc nào lại cần được tính toán kỹ hơn, tránh đốt cháy giai đoạn và bị thui chột không mong muốn.

Bên cạnh đó, việc một vài trụ cột thường xuyên mắc lỗi thô thiển, không qua được “mắt” VAR, khiến mọi cố gắng và thành quả tập thể đổ bể là việc cần nghiêm túc nhìn nhận, uốn nắn, tuyệt đối không đổ lỗi cho trọng tài hay công nghệ, mà phải xem đó là “một phần của bóng đá”, như thiên hạ chấp nhận và tiến về phía trước.

Tất yếu, dù cố gắng đến đâu, bổ sung đến đâu thì kết quả vòng loại thứ 3 vẫn là điều ai ai cũng có thể biết trước. Tin cậy ở tài cầm quân và tâm huyết của ông Park Hang-seo để đánh giá đúng, động viên, ghi nhận những gì ông đã làm được, đồng thời nên chỉ ra những gì cần làm mới, cần thay đổi với tinh thần xây dựng chung mới là đúng đắn và cần thiết. Tương tự, ghi nhận công lao, mồ hôi nước mắt của các tuyển thủ, nhưng việc chỉ ra những sai sót, sai lầm, những tật xấu là cần thiết, để cùng nhau tiến bộ, không nên xuê xoa, đổ lỗi cho người khác.

Nghĩa là, bên cạnh tài cầm quân của ông Park Hang-seo là quan trọng, quyết định nhưng bóng đá Việt cần xây dựng được một thứ “văn hóa bóng đá” tiến bộ, phát triển, nhiều người cùng góp sức cho sự phát triển. Mọi việc bắt đầu từ nền tảng phong trào, từ học văn hóa và đào tạo chuyên môn của bóng đá trẻ, từ cách làm bóng đá chuyên nghiệp căn cơ, từ một giải V. League vươn kịp người Thái và vươn lên tiệm cận châu lục. Từ đó may ra mới có một U23 hay ĐT Việt Nam mạnh thực sự, ra châu lục không còn sợ sóng, ngại gió như chúng ta từng chứng kiến?

Một ví dụ nói đi, nói lại, “khổ lắm biết rồi nói mãi” mà không thể nào giải quyết của bóng đá Việt là tình trạng “một ông chủ, nhiều đội bóng”? Không phải ngẫu nhiên có quy định ngặt nghèo về điều này, trong khi chúng ta thấy một vài kết quả đạt được nào đó thì xuề xòa, lấp liếm?

Rất nhiều việc phải làm cho chặng ngắn cũng như đường dài của bóng đá Việt. Mơ giấc mơ World Cup không bao giờ có lỗi, nhưng làm bóng đá đạt tới World Cup thì phải trải qua vô vàn lỗi lầm trên thực tế, phải bắt buộc xây nhà từ nền móng vững chắc, chứ không phải từ nóc? Đó là “học phí” phải trả không chỉ dành riêng cho bóng đá, không chỉ một lần, một trận đấu mà chắc chắn còn nhiều, nhiều nữa ở phía trước?

Cho dù ai đó yên tâm, bằng lòng với “nền móng” vô địch AFF hay HCV SEA Games của bóng đá Việt thì khi bước vào vòng loại thứ 3 World Cup mới vỡ lẽ ra rằng, nền móng ấy là chưa đủ, không đủ bao giờ...

Tin mới