Nhân giống trám đen Thanh Chương

(Baonghean) - Những năm gần đây, trám đen được xem là loại quả đặc sản có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, do thiếu nguồn giống chất lượng nên ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả. Vì vậy, nhân giống trám đen là việc làm cần thiết.
Ở Nghệ An, cây trám đen phân bố ở một số huyện như Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ. Trong đó trám đen Thanh Chương được cho là chất lượng nhất. Nhiều người dân trên địa bàn các xã như: Phong Thịnh, Cát Văn, Thanh Nho, Hạnh Lâm, Thanh Đức, Thanh Thủy, Thanh Tiên, Thanh Liên xem đây là cây trồng góp phần xóa đói, giảm nghèo. Qua theo dõi hàng năm, mỗi cây đã đến tuổi thành thục cho quả đạt > 100 kg, với giá như hiện nay từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Nếu như mỗi hộ có 5 - 6 cây trong vườn cũng thu được 20 - 25 triệu đồng/năm, đây là những cây có tuổi đời 10 - 15 năm. Cây trám đen trồng tại địa bàn huyện Thanh Chương có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt. Nhiều cây trám có năng suất rất cao, chất lượng quả tốt, đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân.
Tiến hành ghép để nhân giống cây trám đen ở Thanh Chương.
Tiến hành ghép để nhân giống cây trám đen ở Thanh Chương.
Tuy nhiên, cây trám trên địa bàn ở các huyện hiện nay đang tồn tại chủ yếu là mọc tự nhiên hoặc được trồng bằng hạt do người dân tự trồng. Cây trồng không được chọn lọc, đầu tư chăm sóc nên năng suất không ổn định, năm được, năm mất, chất lượng quả không được đồng đều. Phần lớn là cây cho quả có chất lượng thấp, quả có vị chát, chua, thậm chí có cây quả om không chín hoặc chỉ chín một phần. Cây trồng bằng hạt nên rất lâu có quả (7-8 năm mới bói quả), cây có bộ khung tán cao nên khó khăn cho việc thu hoạch, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với phát triển cây trám đen là không có cây giống chất lượng cao, trong đó có huyện Thanh Chương. Cho nên, việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để nhân giống cây trám đen bằng phương pháp ghép tạo ra các cây giống chất lượng cao, rút ngắn thời gian ra quả, từ đó xây dựng các mô hình trình diễn tạo đà phát triển nhân rộng cây trám đen ở huyện Thanh Chương là rất cần thiết. Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH-CN tạo giống và phát triển cây trám đen ở huyện Thanh Chương" do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm thuộc Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương thực hiện. Mục tiêu là bảo vệ và phát huy được nguồn giống trám đen tại địa phương, thiết lập được các vườn ươm để sản xuất giống trám trong nhân dân.
Nhân giống bằng phương pháp ghép rút ngắn thời gian ra quả và phục hồi nghề trồng trám đen tại huyện Thanh Chương, phương pháp này có ưu điểm của cây ghép là nhanh cho thu hoạch quả (năm thứ 3 sau trồng cây đã bói quả cho thu hoạch), cây con thừa hưởng được các đặc tính tốt từ cây mẹ, hệ số nhân giống cao, cây có bộ khung tán thấp nên thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh. Cụ thể đã xây dựng mô hình vườn ươm sản xuất giống trám đen tại xã Thanh Liên. 
Trong năm 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm chuyển giao cung cấp cây giống ghép, trồng 1,5 ha tại xã Bắc Thành (Yên Thành). Sau gần 1 năm trồng, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Theo kế hoạch trong tháng 9 năm 2014 tiến hành trồng tại xã Khai Sơn (Anh Sơn) 2 ha theo phương thức nông, lâm kết hợp, đây là mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ vừa có mục tiêu kinh tế, đồng thời phòng hộ và bảo vệ môi trường góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Bài, ảnh:Nguyễn Hữu Đức

Tin mới